Theo ông Phạm Chí Quang, vào thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hầu hết các nhà hoạch định chính sách nhận định rằng lạm phát toàn cầu sẽ chỉ mang tính thời điểm. Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại khi lạm phát lên mức cao nhất trong 40 năm.
Trước nhận định sai lầm đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã nhanh chóng chuyển đổi chính sách tiền tệ, từ việc nới lỏng không giới hạn trong giai đoạn Covid 2020-2021 sang thắt chặt cực đoan và tăng nhanh, mạnh lãi suất.
Ông Quang dẫn chứng, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng 4 lần lãi suất với mức 0,75% mỗi lần. Trong khi đó, ở quá khứ thông thường FED chỉ tăng lãi suất 0,25% mỗi lần. Điều này thể hiện quá trình kiểm soát lạm phát rất nhanh và gấp.
Trong bối cảnh đó, mặt bằng lãi suất toàn cầu bị đẩy lên rất cao và đồng USD tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại. Tính đến cuối tháng 9/2022, chỉ số Dolla-Index đã tăng tới 21% so với cuối năm 2021.
Ông Quang cho rằng, điều này đã tạo áp lực khủng khiếp lên chính sách tiền tệ, không chỉ của Việt Nam mà tất cả các nước đang phát triển và những nước mới nổi.
Theo đó, đồng USD trở thành hầm trú ẩn cho tất cả các nhà đầu tư. Dự trữ ngoại hối của các nước trên thế giới sụt giảm gần 10.000 tỉ USD, chiếm gần 9% tổng dự trữ ngoại hối của các nước.
“Chính sách tiền tệ của Việt Nam chịu rất nhiều áp lực, đặc biệt khi độ mở của nền kinh tế đang rất lớn thì khả năng chống chọi với cú sốc rất khủng khiếp đó là cực kỳ căng thẳng”, ông Quang nhận định.
Toàn cảnh diễn đàn "Kịch bản Kinh tế Việt Nam: Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức" |
Đại diện NHNN nhấn mạnh bài toán khó nhất của ngành ngân hàng hiện nay là tìm được điểm cân bằng hài hoà giữa điều hành lãi suất và điều hành tỷ giá.
Nếu hy sinh tỷ giá thì giữ được lãi suất và giữ được dự trữ ngoại hối. Ngược lại, nếu để tỷ giá phá giá quá nhanh sẽ dẫn tới việc nhập khẩu lạm phát. Điều này khiến lạm phát trong nước rất khó kiểm soát.
Trong khi đó, mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 của NHNN là giữ được sự ổn định của đồng tiền, kiểm soát lạm phát. Tập trung lớn nhất về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là tiếp tục hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, song không thể chủ quan với lạm phát.
Mức lãi suất mà FED neo ở mức cao sẽ còn kéo dài đến hết năm 2023. Vì vậy, độ trễ tác động từ lạm phát nhập khẩu đối với nền kinh tế Việt Nam còn rất lớn. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN không thể chủ quan với lạm phát.
Để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, ông Quang nhấn mạnh NHNN sẽ điều hành đồng bộ, linh hoạt giữa tín dụng, lãi suất, tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ khác, nhưng không xa rời mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Năm 2023, NHNN sẽ hành động theo phương "châm dĩ bất biến, ứng vạn biến". Trong đó, mục tiêu "bất biến" là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, còn cách thức điều hành thì rất linh hoạt./.