Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, vấn đề thu hút sự quan tâm lớn nhất trong hôm nay (2/11) là dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Sau khi Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo thẩm tra dự án Luật ngay trong chiều nay.
Đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 15 năm được hưởng lương hưu
Thông tin về việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu tối thiểu từ 15 năm thay vì 20 năm như trước đây là nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu.
Tại Điều 64 của dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
"Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn, tham gia BHXH khi 45-47 tuổi hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH thì cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế", ông Đào Ngọc Dung nêu quan điểm.
2 phương án hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần
Trình bày tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó, Bộ trưởng đề xuất 2 phương án hưởng BHXH 1 lần.
Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Về bản chất, quy định này kế thừa Nghị quyết của Quốc hội, cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu hoặc nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu. Sự khác biệt lần này là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung. Trường hợp người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần thì sẽ mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần.
BHXH chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Luật BHXH hiện hành.
Ưu điểm của phương án này là dần dần từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần của thời gian qua theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW. Về lâu dài, người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già. Trong ngắn hạn, phương án này không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia BHXH bằng so với phương án 2 nhưng trong dài hạn thì phương án này tối ưu hơn.
Nhược điểm, do chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực, cho nên hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH vẫn có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần.
Do vậy, số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều, đặc biệt trong những năm đầu sau khi Luật mới có hiệu lực; đồng thời tạo sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực trong việc hưởng BHXH một lần.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Người lao động sẽ có nhiều lần rút "bảo hiểm xã hội một lần"?
Cũng trong chiều 2/11, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Bà Thuý Anh nêu rõ, Ủy ban Xã hội đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng nêu tại tờ trình của Chính phủ.
“Đây không phải là ‘chìa khóa’ để đạt mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia BHXH mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp” – bà Thuý Anh nói và đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình cụ thể hơn.
Liên quan đến vấn đề điều kiện hưởng lương hưu, Ủy ban Xã hội cho rằng, quy định về việc điều chỉnh số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống còn 15 năm như dự thảo là phù hợp với quan điểm định hướng của Nghị quyết số 28 và tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (từ 45 tuổi đến 55 tuổi) đóng BHXH.
Đề xuất này cũng giúp một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần cũng có thể tham gia hoặc quay lại tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu. Đồng thời, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết có nhiều luồng ý kiến khác nhau về BHXH 1 lần. Luồng ý kiến thứ nhất lựa chọn phương án 1 là giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực. Luồng ý kiến thứ hai lựa chọn phương án 2, chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Ngoài ra, có luồng ý kiến thứ ba là chưa đồng ý với cả hai phương án Chính phủ trình, vì cho rằng phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút BHXH một lần. Còn phương án 2 cho rút 50% không hợp lý vì đây là tiền của người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 168 của Bộ luật Lao động và chưa lý giải về tỷ lệ 50%.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, bà Thúy Anh nói, mỗi phương án Chính phủ đưa ra đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, Chính phủ cần thể hiện rõ quan điểm về lương hưu của một số nhóm lao động (không chuyên trách cấp xã, thôn, nhất là lao động nữ) sẽ hưởng mức lương hưu thấp hơn chuẩn nghèo (ngưỡng mức sống tối thiểu của một cá nhân), thì khi đó, Nhà nước có điều chỉnh để mức lương hưu cao hơn không, dự báo về nguồn ngân sách sẽ chi trả như thế nào?
Ngoài ra, cần làm rõ việc liệu có tạo điều kiện cho người lao động nhiều lần "rút bảo hiểm một lần" không và nghiên cứu điều chỉnh giảm số năm đóng BHXH đối với trường hợp suy giảm khả năng lao động xuống 15 năm.
Thêm quy định về cá nhân hóa trong quản lý dữ liệu bảo hiểm xã hội
Dự thảo luật đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về việc chuyển đổi số, giấy tờ điện tử, thủ tục điện tử, giá trị giữa tờ khai điện tử theo Luật Giao dịch điện tử… tiến tới khai báo, thực hiện thủ tục hành chính cho việc chi trả và xác minh trên môi trường điện tử và hướng tới mục đích cá nhân hóa trong quản lý dữ liệu bảo hiểm xã hội./.