Hàng triệu người chịu cảnh mất điện giữa nắng nóng
Abdur Rahman gần như ngất xỉu khi kéo chiếc xe của ông dưới cái nắng gay gắt ở thủ đô của Bangladesh. “Không thể tiếp tục làm việc dưới thời tiết như thế này”, ông nói với tờ Al Jazeera.
Trong vài tuần trở lại đây, khu ổ chuột ở thủ đô Dhaka, nơi ông Rahman sinh sống, gần như không có điện vào buổi tối.
“Sau một ngày dài làm việc nặng nhọc, tôi thường ngủ đôi chút. Giờ thì đến cả giấc ngủ cũng không ngon vì không có quạt. Tôi thức dậy rất nhiều lần, người sũng mồ hôi”, ông nói.
Một cuộc khủng hoảng năng lượng càng gây thêm nỗi khổ cực cho người dân Bangladesh, khi đất nước này đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhất trong suốt nhiều thập kỷ.
Chính phủ đã phải đóng cửa hàng nghìn trường tiểu học và trung học trong tuần này do nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C ở thủ đô Dhaka. Các thành phố khác như Rangpur ghi nhận mức nhiệt độ 41 độ C – cao nhất kể từ năm 1958.
Giới chức ở Cục Khí tượng Bangladesh cho hay họ chưa từng chứng kiến một đợt nắng nóng kéo dài đến như vậy kể từ ngày đất nước giành độc lập năm 1971.
Đầu tuần này, các hoạt động tại nhà máy điện lớn nhất Bangladesh đã tạm ngừng khi Chính phủ không thể nhập khẩu nhiên liệu do dự trữ ngoại hối suy giảm và đồng tiền của nước này, taka, bị mất giá khoảng 25% so với đồng USD trong năm ngoái.
Ông Julfiqar Ali, một nhà thiết kế đồ hoạ tự do, đã quyết định rời khỏi Dhaka để đến Rangpur ở miền Bắc Bangladesh cách đây 4 năm không chỉ để tránh chi phí sinh hoạt đang tăng đột biến ở thành phố thủ đô, mà còn muốn trở lại với sự yên bình của quê hương.
“Tôi làm việc trực tuyến và nhận nhiều đơn hàng chủ yếu từ khách hàng Mỹ và châu Âu. Bởi vậy tôi có làm việc ở đâu cũng không quan trọng, miễn là có nguồn điện năng, internet ổn định”, Ali cho hay. “Và Rangpur có cả hai điều đó, bởi vậy thật dễ dàng để tôi quyết định chuyển từ Dhaka tới đây”.
Thế nhưng, trong vài tháng qua, Ali đã huỷ bỏ quyết định của mình. Điện ở Rangpur quá bất ổn đến nỗi ông bị lỡ nhiều thời hạn chót trong nhiều dự án của mình.
“Điện lúc có thì chỉ kéo dài được khoảng 2 – 3 giờ, trong khi lúc bị cắt điện thì rất lâu. Nhìn chung, chúng tôi chỉ được khoảng 8 hay 9 giờ có điện mỗi ngày. Đơn giản là tôi không thể làm việc được trong tình trạng này”, Ali cho hay.
Khủng hoảng điện năng giữa khủng hoảng tài chính
Các quan chức nói rằng cuộc khủng hoảng năng lượng có thể sẽ còn kéo dài và trở nên tồi tệ hơn, do đất nước này đang trong một cuộc khủng hoảng tài chính.
Theo ngân hàng trung ương Bangladesh, dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm xuống dưới mức 30 tỉ USD lần đầu tiên trong vòng 7 năm. Cách đây chỉ một năm, dự trữ ngoại hối của họ là 46 tỉ USD.
Việc đóng cửa nhà máy điện Payra có công suất 1.320 MW, nhà máy lớn nhất của nước này, do thiếu than đá càng khiến cho cuộc khủng hoảng thêm phần trầm trọng.
Mặc dù chính phủ Bangladesh đảm bảo rằng nhà máy sẽ hoạt động trở lại vào cuối tháng này, nhưng một quan chức cấp cao làm việc tại công ty điều hành của Payra, Công ty Điện Tây Bắc (NWPGC) nói rằng điều này “rất khó xảy ra”.
Ít nhất 53 trên tổng số 153 nhà máy điện ở quốc gia này đã bị đóng cửa trong vài tuần gần đây để bảo trì hoặc do thiếu nhiên liệu vì dự trữ hối đoái sụt giảm, theo dữ liệu từ Công ty Điện lưới Bangladesh. Chỉ 49 nhà máy điện đang vận hành đủ công suất trong khi 51 nhà máy còn lại đang hoạt động chỉ với một nửa công suất do thiếu nhiên liệu.
Hậu quả là, quốc gia Nam Á 170 triệu dân này đang phải đối diện với tình trạng giảm phụ tải chưa từng có tiền lệ, khoảng 2.500 MW, tương đương với công suất mà nước này sản xuất ra trong khoảng cuối những năm 1990.
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina trong tuần này đã thừa nhận rằng nhiều người dân đang phải chịu đựng khổ cực do các cắt điện đột ngột và tình hình trở nên nghiêm trọng hơn với đợt nắng nóng tăng cường.
“Ai mà nghĩ được rằng nhiệt độ lại có thể lên tới 41 độ C?”, bà nói trong một cuộc họp được tổ chức bởi Đảng Liên minh Awami.
Bà Hasina, cũng kiêm luôn chức vụ Bộ trưởng Năng lượng của nước này, cho hay Chính phủ của bà đã ký kết nhiều thoả thuận với Qatar và Oman để mua nhiên liệu, và đưa ra các biện pháp để nhập khẩu thêm than đá.
“Các bạn cần phải sử dụng điện một cách tiết kiệm. Chúng ta không đơn độc. Cả thế giới cũng đang phải đối diện với khủng hoảng nhiên liệu do cuộc chiến ở Ukraine”, bà nói.
Cơn bĩ cực chưa dứt
Các ngành công nghiệp của Bangladesh, bao gồm cả ngành quần áo may sẵn (RMG) chiếm hơn 80% doanh thu từ xuất khẩu của nước này, đã chịu ảnh hưởng lớn do tình trạng cắt điện. Nhiều chủ nhà máy nói rằng cuộc khủng hoảng này làm tăng chi phí sản xuất, buộc họ phải giảm sản lượng hoặc tạm ngừng sản xuất.
Sazzad Hossain, chủ một công ty RMG, trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera cho hay máy móc bên trong xưởng của ông đã tạm ngừng hoạt động suốt nhiều giờ do điện bị cắt thường xuyên.
“Chúng tôi đang phải sản xuất chạy theo thời hạn chót, bởi nếu chúng tôi lỡ hạn, bên mua sẽ không thanh toán cho chúng tôi”, ông nói.
Ông Hossein cho hay ông buộc phải lựa chọn một biện pháp tốn kèm nhiều chi phí hơn để kịp thời hạn giao hàng: thuê một chuyến bay và gửi chúng bằng đường không.
“Biện pháp này đôi lúc khiến chúng tôi không có lãi, thậm chí là lỗ. Nó khiến doanh thu từ xuất khẩu của chúng tôi bị giảm, và càng khiến cho khủng hoảng dự trữ ngoại hối thêm nghiêm trọng”, ông cho hay.
Shamsul Alam, cố vấn năng lượng của Hiệp hội Người tiêu dùng Bangladesh (CAB), nói rằng khủng hoảng năng lượng sẽ không thể được giải quyết trong tương lai gần.
“Chính phủ luôn nói như thế trong suốt cả năm qua, nhưng thực tế là tình hình chỉ trở nên tồi tệ hơn”, ông nói.
Alam cho hay khủng hoảng điện không chỉ là do chiến sự ở Ukraine mà còn do những bất cập trong chính sách năng lượng của Chính phủ.
“Chúng tôi đã đặt quá nhiều trứng vào cùng một giỏ, và sản xuất điện năng của chúng tôi dựa dẫm rất nhiều vào khí tự nhiên”, ông nói, nhấn mạnh rằng ít nhất 52% điện năng của Bangladesh được sản xuất bằng khí tự nhiên.
“Trữ lượng tại các mỏ khí đang giảm và Chính phủ thay vì tập trung vào việc thăm dò mỏ mới lại lựa chọn nhập khẩu khí hoá lỏng vốn rất đắt đỏ”, ông cho hay.
Alam nói rằng phụ thuộc vào khí hoá lỏng là điều nguy hiểm bởi những sự kiện diễn ra trên thế giới như một cuộc chiến có thể làm gián đoạn thị trường và gây ra tình trạng tăng giá đột biến.
“Chính phủ của chúng tôi nên lựa chọn giải pháp hỗn hợp để giảm sự phụ thuộc vào một nguồn nhiên liệu duy nhất”, ông nói./.
Nhiên liệu hoá thạch - 'cứu tinh' giúp EU đối phó với khủng hoảng năng lượng
Dọn rác dưới cống đen sì ở Bangladesh – nghề nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn cứ làm vì mưu sinh
Thêm Đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh bị chỉ trích vì ngoại giao “Chiến lang”
Theo Al Jazeera