Khu vực châu Á 'ngấm đòn' từ đà tăng trưởng chậm của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đà tăng trưởng chậm cùng các vấn đề khác của nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu ảnh hưởng tới khu vực châu Á.

Người đi bộ ở khu mua sắm Myeongdong ở Seoul, Hàn Quốc. Xuất khẩu của nước này trong tháng 7 giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 3 năm (Ảnh: FT)
Người đi bộ ở khu mua sắm Myeongdong ở Seoul, Hàn Quốc. Xuất khẩu của nước này trong tháng 7 giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 3 năm (Ảnh: FT)

Đà tăng trưởng chậm của Trung Quốc đang làm dấy lên nhiều cảnh báo về sự lây lan sang khu vực châu Á, khi nhu cầu tiêu dùng suy yếu và hoạt động sản xuất chậm làm ảnh hưởng đến các nước láng giềng vốn có quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tình trạng sụt giảm sản xuất ở Hàn Quốc đã tồn tại trong khoảng thời gian dài nhất trong suốt gần nửa thế kỷ qua, trong khi các nhà xuất khẩu lớn ở khu vực Đông Á cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu chậm.

Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, được coi là đầu mối của các chuỗi cung ứng công nghệ trong khu vực, giúp củng cố đà tăng trưởng toàn cầu trong nhiều thập kỷ.

Xuất khẩu của nước này trong tháng 7 đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 3 năm, đáng chú ý nhất là số lượng các lô hàng chip máy tính xuất sang Trung Quốc ít hơn, trong khi chỉ số quản lý thu mua (PMI) cho thấy hoạt động của nhà máy giảm trong tháng 8, đánh dấu tháng thứ 14 liên tiếp giảm, và là chuỗi giảm dài nhất từ trước đến nay.

Dữ liệu ở Nhật Bản – quốc gia đang phải đối mặt với suy giảm kinh tế trong tháng thứ 5 liên tiếp và Đài Loan (Trung Quốc) cũng cho thấy sản lượng của các nhà máy sụt giảm, nhu cầu từ nước ngoài suy yếu.

'Khi Trung Quốc hắt hơi, châu Á sẽ bị cảm lạnh'

Mối lo ngại càng tăng trong những tuần gần đây sau khi nền kinh tế Trung Quốc trượt vào giảm phát, làm dấy lên lo ngại về sụt giảm trong tiêu dùng, đồng tiền yếu, lĩnh vực bất động sản đang khủng hoảng và mức nợ công không bền vững của chính quyền các địa phương.

Trong một tín hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu suy giảm đang tiếp tục kéo tụt nền kinh tế Trung Quốc, lĩnh vực sản xuất của nước này trong tháng 8 vừa qua đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp, theo dữ liệu chính thức được công bố trong tuần trước.

“Mượn một câu ngạn ngữ cổ, khi Trung Quốc hắt hơi, châu Á sẽ bị cảm lạnh”, Vincent Tsui, nhà phân tích của nhóm nghiên cứu Gavekal ở Bắc Kinh, cho biết. “Trong khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chống lại lời kêu gọi thúc đẩy tăng trưởng đang suy yếu thông qua các biện pháp kích thích, hậu quả sẽ được cảm nhận trên toàn khu vực”.

Ông Tsui cảnh báo rằng các trung tâm thương mại và tài chính của Hong Kong và Singapore sẽ dễ bị tổn thương nhất trước một Trung Quốc đang suy yếu, do nhu cầu của Trung Quốc lần lượt chiếm 13% và 9% GDP của họ.

1.png
Tăng trưởng chậm ở Trung Quốc có thể còn ảnh hưởng tới khu vực rộng lớn hơn (Ảnh: Market Insider)

Bộ Tài chính Hàn Quốc đã thành lập một đội công tác đặc biệt để theo dõi tình hình kinh tế của Trung Quốc và nước này đã đưa ra một ngày nghỉ lễ toàn quốc mới nhằm cố gắng thúc đẩy tiêu dùng.

“Hàn Quốc khó có thể sớm phục hồi trừ khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng”, Park Chong-hoon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Standard Chartered ở Seoul, cho biết., đồng thời nhấn mạnh về những thách thức xuất phát từ căng thẳng Mỹ-Trung và làn sóng thay thế hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Trong khi đó, nền kinh tế Australia đã chứng minh được sự bền bỉ trong thời kỳ căng thẳng thương mại với Trung Quốc – khi Bắc Kinh áp dụng thuế đối với một số hàng hóa từ than đá, lúa mạch cho đến tôm hùm của Australia, nhiều mặt hàng trong số đó đã được dỡ bỏ hạn chế vào năm 2023.

Tuy nhiên, quốc gia này hiện có vẻ dễ bị tổn thương trước tình trạng bất ổn kinh tế của đối tác thương mại lớn nhất, khi đồng đôla Australia giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng so với đồng USD do kỳ vọng về tăng trưởng của Trung Quốc suy giảm.

Các công ty lớn nhất Australia, bao gồm cả công ty khai thác mỏ BHP, cũng bắt đầu nêu bật những quan ngại về triển vọng hoạt động của họ nếu Trung Quốc không thành công trong việc kích thích tăng trưởng.

Dữ liệu trong tháng này cho thấy tốc độ tăng trưởng của Malaysia đạt mức chậm nhất trong gần 2 năm, do nước này cũng chịu ảnh hưởng từ đà tăng trưởng chậm của đối tác thương mại chính – Trung Quốc.

Nền kinh tế Thái Lan cũng tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều so với kỳ vọng ​​trong quý 2, do bất ổn chính trị trong nước và lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc giảm.

Trong khi châu Á đang phải đối mặt với sức ép ngay tức thì, các nhà phân tích của Gavekal còn cảnh báo tình trạng này có thể lan rộng tới nhiều khu vực khác trên thế giới.

“Khi nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, các nhà cung cấp nước ngoài phát triển mạnh về cung cấp nguyên liệu thô và máy móc sẽ phải đối mặt với thời kỳ khó khăn. Khủng hoảng thị trường bất động sản ở Trung Quốc sẽ không thể nhanh chóng được đảo ngược và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi được cải thiện”, theo các nhà phân tích của Gavekal./.

Theo Financial Times