Lưu Diệc Phi trong phim "Hoa Mộc Lan" dự kiến công chiếu tháng 3/2020 |
+ Thưa ông, khán giả và rất nhiều văn nghệ sĩ Việt đang ồn ào kêu gọi tẩy chay “Hoa Mộc Lan” vì những phát ngôn ủng hộ bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp của nữ diễn viên Lưu Diệc Phi. Tương tự như thế là lời kêu gọi tẩy chay phim “Diệp Vấn 4” vì Chân Tử Đan cũng nằm trong số nghệ sĩ ủng hộ bản đồ “đường lưỡi bò”? Đây là phát ngôn của nghệ sĩ, nhưng công chúng lại đang tẩy chay việc phát hành phim?
- Tại thời điểm này, khi phim “Hoa Mộc Lan” và “Diệp Vấn 4” chưa chính thức công chiếu trên toàn thế giới, hẳn nhiên cũng sẽ khó biết hoặc khó thể kết luận về bất cứ điều gì liên quan hoặc không, đến chuyện vi phạm pháp luật Việt Nam, xét đơn thuần về mặt nội dung câu chuyện phim.
Tôi nói vậy là vì trước đó, các bộ phim Trung Quốc như phim hành động “Điệp vụ Biển Đỏ” (tựa gốc: “Operation Red Sea”, phát hành tại thị trường Việt Nam vào tháng 3/2018) hoặc phim hoạt hình “Everest: Người tuyết bé nhỏ” (tựa gốc: “Abominable”, phát hành tại Việt Nam vào tháng 10 /2019) đều có nội dung gây phương hại chủ quyền quốc gia Việt Nam, dù tưởng chừng không có liên quan gì mấy với bối cảnh Việt trong câu chuyện phim ở giai đoạn quảng bá ban đầu.
Mặt khác, ngay cả nếu phim “Hoa Mộc Lan” và “Diệp Vấn 4” có nội dung cùng hình ảnh không vi phạm pháp luật Việt Nam, thì khán giả đại chúng xứ Việt cũng có quyền kêu gọi tẩy chay một cách triệt để như hiện có, với lý do chính đáng là phim có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên gốc Trung quốc, nghệ sĩ Hoa ngữ trước đó đã từng lên tiếng ủng hộ công khai bản đồ “đường lưỡi bò” sai trái về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Hẳn nhiên, nhà phát hành nào đó vẫn có quyền nhập về phim này cho thị trường Việt. Và cơ quan chức năng là Hội đồng duyệt phim quốc gia, Cục điện ảnh Việt Nam hoặc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cũng có thể cấp phép phổ biến - phát hành phim tại Việt Nam, nếu bản thân bộ phim không vi phạm pháp luật Việt Nam hiện hành.
Chuyên gia truyền thông điện ảnh Châu Quang Phước
|
+ Nhà phát hành không sai, Cục Điện ảnh vẫn có thể cấp phép, nhưng nếu công chúng tẩy chạy thì liệu có ảnh hưởng trong việc bán vé?
- Vấn đề đương nhiên là cho dẫu nhà phát hành sai hoặc không sai về mặt luật pháp liên quan khi có ý định nhập về trình chiếu các phim “Hoa Mộc Lan” và “Diệp Vấn 4” tại thị trường Việt Nam, ắt hẳn với sự tẩy chay rộng khắp từ nhiều giới và nhiều đối tượng khán giả trong nước như đã thấy và sẽ còn bị phản ứng nhiều hơn thế nữa một khi phim này chính thức phát hành tại Việt Nam (dự kiến vào tháng 3/2020), liệu rằng nhà phát hành có dám bất chấp dư luận để phát hành? Bởi lẽ, ngoài việc sẽ có nguy cơ gây thất thu cao đối với doanh thu phim, nhà phát hành cũng sẽ gặp phải nguy cơ bị tẩy chay đồng loạt cùng với phim, chẳng hạn.
+ Nhà phát hành CJ CGV đã hai lần mắc lỗi trong việc đưa phim “Điệp vụ Biển Đỏ” và “Người tuyết bé nhỏ” vào thị trường Việt, nhưng chỉ bị xử phạt rất nhẹ. Liệu phản ứng càng lúc càng mạnh mẽ của công chúng có thể khiến nhà phát hành mất uy tín?
- Với liên tiếp 2 lần nhập phim Trung Quốc có nội dung và hình ảnh gây phương hại chủ quyền biển đảo Việt Nam, nếu nhà phát hành này vẫn bàng quan với án phạt hành chánh về số tiền phạt là 170 triệu đồng, xem chừng chỉ ở mức tượng trưng (nếu so với tổng giá trị sản phẩm phim liên quan, chẳng hạn như phim “Abominable” có kinh phí đầu tư sản xuất là 75 triệu USD; tổng doanh thu toàn cầu khoảng gần 168 triệu USD. Lưu ý: phim này đã được trình chiếu tại thị trường Việt trong 10 ngày, trước khi bị phát hiện và tháo gỡ tại khắp các hệ thống rạp trên toàn quốc). Khi ấy, ắt là câu chuyện sẽ không còn dừng lại ở việc bị phạt hành chánh ở khung tương tự, bằng “định mức khuây khỏa” như đã từng có! “Định mức khuây khỏa” là phim “James Bond” phần thứ 22, phát hành năm 2008.
Đã từng có nhiều ý kiến của dư luận chung đề nghị nên phạt nặng hơn so với mức phạt hành chánh như thế, chẳng hạn nên rút giấy phép kinh doanh của đơn vị phát hành này trong một thời gian nhất định, tùy theo mức độ cùng cấp độ vi phạm pháp luật liên quan vấn đề chủ quyền quốc gia Việt Nam.
Lưu Diệc Phi trong phim "Hoa Mộc Lan"
|
+ Lưu Diệc Phi lâu lắm mới có một vai diễn thì lại vướng mắc chuyện phát ngôn. Thưa ông, có phải văn nghệ sĩ quá lơ là, thiếu ý thức chính trị?
- Câu chuyện về các phát ngôn của giới văn nghệ sĩ Hoa ngữ là việc là quyền riêng của họ, nếu xét đơn thuần về góc độ họ là công dân Trung Quốc. Vấn đề là văn nghệ sĩ Việt cũng cần phải có thái độ phản ứng lại, bởi nghệ sĩ luôn có vị trí ảnh hưởng ít nhiều đối với công chúng khán giả của mình khi là người của công chúng - người nổi tiếng.
Tất nhiên, ý thức cá nhân như thế nào về chuyện chủ quyền đất nước đối với từng nghệ sĩ Việt cũng là quyền riêng, tùy theo mức độ cùng khả năng nhận thức của mỗi người - mỗi công dân. Nếu tất cả các nghệ sĩ Việt cùng nâng cao ý thức về chủ quyền quốc gia bằng hành động thiết thực nào đó, hoặc bằng các phát ngôn đầy tinh thần dân tộc, tôi nghĩ họ sẽ càng được công chúng khán giả quê hương yêu mến và nể trọng hơn.
+ Vì phát ngôn của mình, công chúng đang tẩy chay Lưu Diệc Phi, nhiều người phỉ báng luôn toàn bộ các vai diễn của cô ấy. Còn ông có ý kiến đánh giá thế nào về nữ diễn này?
- Về nữ diễn viên Lưu Diệc Phi, với cương vị là một nghệ sĩ có sức ảnh hưởng nhất định chẳng những đối với khán giả Trung Quốc mà còn với khu vực châu Á hoặc với thế giới (khi tham gia trong các bộ phim do Hollywood sản xuất, hoặc hợp tác với các hãng phim Trung Quốc), các phát ngôn liên quan cũng sẽ chịu sự chi phối và quan ngại của công chúng khắp nơi.
Với từng trách nhiệm nhất định, nhất là với các phát ngôn về bản đồ “đường lưỡi bò”- một chính sách có nhiều sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc với chủ quyền biển đảo, thì nữ nghệ sĩ này cũng buộc phải chịu sự lên án, tẩy chay, hoặc thậm chí bị phỉ báng luôn toàn bộ các vai diễn trong sự nghiệp của cô ấy trước giờ, đó cũng là lẽ thường tình dễ hiểu với sự mất thiện cảm từ công chúng Việt.
Nói riêng về bản thân tôi, một người làm nghề liên quan mật thiết đến lĩnh vực phim ảnh nội và ngoại nhập từ nhiều năm nay, phải thú nhận là tôi cũng từng có “kỷ niệm” ít nhiều với nữ diễn viên Lưu Diệc Phi vào thời gian trước đây.
Bộ phim “đầu tay” mà tôi từng phụ trách truyền thông tại thị trường Việt Nam chính là phim “Vua Kungfu” (tựa gốc: “The Forbidden Kingdom”, phát hành năm 2008, do Mỹ - Hong Kong - Trung Quốc hợp tác sản xuất). Phim có sự tham gia diễn xuất của các ngôi sao Hoa ngữ như Thành Long, Lý Liên Kiệt, Lưu Diệc Phi, Lý Băng Băng…
Vào thời điểm ấy, vấn đề Việt Nam và Trung Quốc chưa bị “leo thang” về việc xâm hại chủ quyền biển đảo như bây giờ. Cũng vậy, hồi ấy các diễn viên Thành Long, Lưu Diệc Phi… vẫn đang rất được công chúng khán giả Việt ái mộ, như chuyện thường tình của bất kỳ khán giả mộ điệu mê phim nào ở khu vực châu Á hoặc hơn. Bản thân tôi cũng từng “chết mê chết mệt” với vẻ đẹp tưởng chừng mong manh dễ vỡ của nữ diễn viên Lưu Diệc Phi thuở ban đầu mộng tưởng ấy…
Chân Tử Đan trong phim "Diệp Vấn 4", ngôi sao hoa ngữ này cũng đang bị kêu gọi tẩy chay do phát ngôn ủng hộ "đường lưỡi bò"
|
+ Vậy nếu công chúng tẩy chay không xem “Hoa Mộc Lan”, “Diệp Vấn 4”, có phải là điều đáng tiếc khi bỏ lỡ các phim hay?
- Tại thời điểm này trở đi, tôi nghĩ không có gì phải bàn cãi hoặc phân vân tự vấn rằng nếu khán giả Việt không được xem những bộ phim như “Hoa Mộc Lan” hay “Diệp Vấn 4” thì sẽ là một điều gì đó đáng tiếc.
Bởi lẽ, người ta không thể vì chuyện giải trí nhất thời mà phải chấp nhận đánh đổi chủ quyền đất nước, thông qua thái độ công dân của mình, với quyền tối thiểu và cơ bản của người dùng khi chọn lựa sử dụng hoặc buộc phải tẩy chay một sản phẩm tiêu dùng nào đó, cho dù đó có là một sản phẩm văn hóa như với một bộ phim thuộc hàng “bom tấn”!