Trong giai đoạn kinh tế mới mở cửa, các hãng ô tô nước ngoài đều tìm đến các đối tác trong nước để thành lập liên doanh sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Như Mercedes-Benz hay Isuzu thì liên doanh với Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - Samco; Hino Motor liên doanh với Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam – Vinamotor.
Một cái tên khá lạ lẫm với công chúng là Tổng Công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam – VEAM liên doanh với cả 3 hãng xe lớn là Ford (thông qua công ty Diesel Sông Công), Honda và Toyota.
Các liên doanh của VEAM đều rất thành công: Toyota có một thời gian dài thống trị lĩnh vực xe ô tô cá nhân còn Honda thống trị thị trường xe máy.
Tổng cộng VEAM đã góp 559 tỷ đồng vào 3 liên doanh trên. Đến cuối năm 2014, tổng giá trị của khoản đầu tư trên ghi nhận tương ứng với tỷ lệ sở hữu đã lên đến gần 8.400 tỷ đồng – tăng gấp 15 lần.
Đáng kể nhất là 30% vốn tại liên doanh Honda Việt Nam, tăng từ 253 tỷ lên thành hơn 7.100 tỷ đồng.
Chưa hết, trong hàng chục năm qua, các liên doanh này đã trả cho VEAM cả chục nghìn tỷ đồng cổ tức.
Đơn cử như trong năm 2014, công ty mẹ VEAM được lĩnh hơn 1.100 tỷ đồng cổ tức – chủ yếu từ các liên doanh này. Trên báo cáo hợp nhất, phần lợi nhuận mà VEAM được hưởng tương ứng với tỷ lệ sở hữu lên đến gần 3.500 tỷ đồng. Với việc ngành ô tô khởi sắc, lợi nhuận của các liên doanh của VEAM chắc chắn sẽ còn cao hơn nhiều.
Nhờ lợi nhuận từ các liên doanh mà trong năm 2014, VEAM đã trở thành đơn vị có lợi nhuân cao thứ 7 trong số các tập đoàn/tổng công ty 100% vốn nhà nước, cao hơn nhiều ông lớn như Tổng Công ty Cảng hàng không, Vinachem, Vinacomin…
Sẽ ra sao nếu không có các liên doanh?
Hoạt động chính của VEAM và các công ty con là sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô, động cơ, máy nông nghiệp… Công ty mẹ VEAM hiện có nhà máy lắp ráp ô tô tại Thanh Hóa, sản xuất xe tải mang thương hiệu VEAM Motor.
Cùng với đà tăng trưởng của ngành ô tô, lượng tiêu thụ xe của VEAM cũng đã tăng ấn tượng trong những năm qua: từ 1.900 xe năm 2013 lên 2.400 xe năm 2014 và 3.200 xe năm 2015.
Tuy vậy, hoạt động kinh doanh của VEAM và các công ty con lại không mấy khả quan xét về mặt tài chính. Không khó để nhận thấy nếu tách riêng lợi nhuận từ các liên doanh ra, VEAM có thể lỗ hàng trăm tỷ trong các năm qua.
Rõ ràng đây là vấn đề nan giải VEAM cần khắc phục nếu muốn trở thành một doanh nghiệp mạnh thực sự của ngành ô tô trong nước.
Theo Trí thức trẻ