Lừa đảo trực tuyến - Bài 4: Góc nhìn của Luật sư

"Không có sự khác biệt về mức hình phạt giữa lừa đảo trực tuyến và lừa đảo trực tiếp"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, không có sự khác biệt về mức hình phạt giữa lừa đảo trực tiếp và lừa đảo trực tuyến bởi đơn giản tính chất và hậu quả của các hành vi đó là như nhau, có khác chăng là cách thức tiến hành.

"Không có sự khác biệt về mức hình phạt giữa lừa đảo trực tuyến và lừa đảo trực tiếp"

Như đã đề cập trong bài viết trước, lừa đảo trực tuyến đang là vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội, gây thiệt hại tài chính cho nhiều cá nhân. Có những cá nhân đã mất hơn 25 tỉ đồng vì những chiêu trò lừa đảo tinh vi của kẻ xấu.

Để cảnh báo cho người dân trước các chiêu trò lừa đảo trực tuyến, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã nhiều lần đưa ra những khuyến cáo, tuyên truyền và liệt kê cả danh sách 24 kiểu lừa đảo nhắm đến các nhóm nạn nhân khác nhau.

Các Bộ, ngành cũng tăng cường các thông tin về các website giả mạo, khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi truy cập vào các website cũng như các đường link gửi qua email, mạng xã hội.

Tuy nhiên, vấn nạn lừa đảo trực tuyến chưa có xu hướng giảm tại Việt Nam. Để đi tìm nguyên nhân của vấn nạn này cũng như cách hạn chế, VietTimes đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia công nghệ, luật sư và nhà quản lý.

Bài viết này là cuộc trao đổi giữa VietTimes với luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam xoay quanh chủ đề trên.

Theo thống kê của Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm 2023 số vụ lừa đảo trực tuyến đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm trước. Các hình thức lừa đảo rất đa dạng. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này? Theo quy định của pháp luật hiện hành, mức độ xử phạt ra sao, thưa ông?

Các hành vi có tính chất lừa đảo qua mạng có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức độ nghiêm trọng hơn như gây thiệt hại vật chất lớn hoặc hành động có tổ chức, tái phạm nhiều lần thì nó trở thành tội phạm hình sự và có thể bị phạt tù với mức thấp nhất là 6 tháng và cao nhất có thể lên tới 20 năm hoặc tù chung thân.

Về cách tiếp cận vấn đề, tôi cho rằng không có sự khác biệt về mức hình phạt giữa lừa đảo trực tiếp, tức trong môi trường thật, và lừa đảo trực tuyến, tức trong môi trường ảo. Bởi đơn giản tính chất và hậu quả của các hành vi đó là như nhau, có khác chăng là cách thức tiến hành.

Vấn đề quan trọng cần bàn là tính thách thức của các hành vi lừa đảo trực tuyến. Đó là sự thách thức đến từ một lực lượng xã hội bao gồm các cá nhân hay thậm chí cả tổ chức có các năng lực công nghệ đặc biệt để có thể che đậy cả danh tính lẫn các hành vi xấu của mình, trục lợi bằng cách gây hại nhưng lại dễ dàng trốn thoát khỏi sự phát hiện và truy tìm.

Có nghĩa rằng, thay vì đơn giản là tăng hình phạt thì chúng ta hãy tập trung vào tăng cường các năng lực xử lý và thực thi pháp luật trong bối cảnh hoàn toàn mới như hiện nay. Nói điều này, tôi nhớ đến lời của một quan chức FBI ở Hoa Kỳ khi bị công ty Apple từ chối mở khoá chiếc điện thoại là tang vật của tội phạm. Ông ta nói rằng đó là một thách thức mà nhờ nó, sau một thời gian nỗ lực, các nhân viên FBI đã nâng cao được năng lực công nghệ của mình.

Vậy pháp luật của các quốc gia khác xử lý tội danh này như thế nào, thưa luật sư?

Các quốc gia khác chắc chắn có quy định khác nhau về hình phạt đối với tội lừa đảo. Như tôi biết, thông thường hình phạt tù của họ nhẹ hơn nhưng việc phạt tiền hay bồi thường thiệt hại lại cao hơn. Tôi chưa có thông tin về cách áp dụng các chế tài khác nhau giữa lừa đảo qua mạng hay trực tuyến và lừa đảo thông thường.

Lừa đảo trực tuyến có tính chất lặp đi, lặp lại nhiều lần, với nhiều người và ngày càng diễn biến phức tạp. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Tôi hay thấy người ta đổ lỗi cho các nạn nhân của lừa đảo vì sự ngây thơ, cả tin và cả lòng tham hay tính hám lợi của họ. Đúng là các nạn nhân cũng có lỗi về phần mình nhưng tiếc thay đó lại là bản tính tự nhiên của con người, mà nếu không có nó một cách tuyệt đối, tôi e rằng đời sống loài người chẳng còn gì thú vị.

Cái mà xã hội đang thiếu, do đó không phải chỉ là cảnh báo hay tuyên truyền - là điều mà các cơ quan chức năng vẫn đang làm, mà hơn thế là sự giáo dục về các kỹ năng công nghệ hay tổng quát gọi là Năng lực số (tiếng Anh là Digital Literacy). Có thể hiểu như trước đây chúng ta phấn đấu để toàn dân hết mù chữ thì ngày nay phải làm rất nhiều để người dân hết mù về công nghệ và sự tương tác trong môi trường số, môi trường ảo hay tương tác trực tuyến. Mục đích là mỗi người là không biến mình thành yếu thế để không bị người khác khá hơn về năng lực có thể lừa bịp và thao túng. Công việc này khó khăn, cần đầu tư nhiều nhưng phải bắt đầu sớm từ trong nhà trường và đòi hỏi một quá trình dài hơi và liên tục.

Kẻ xấu liên tục thay đổi các thủ đoạn, phương thức lừa đảo, thậm chí gần đây đã áp dụng những công nghệ cao như deepfake, AI để lừa đảo. Theo luật sư, sự phát triển của công nghệ có làm gia tăng nguy cơ bị lừa đảo hay không? Khuôn khổ pháp lý có theo kịp để kiểm soát mặt trái của công nghệ?

Tôi hiểu về bản chất thời đại của chúng ta hiện nay, gọi là thời của cách mạng công nghiệp 4.0 hay nền kinh tế số, là thời đại của công nghệ. Tức công nghệ số và các kỹ thuật, phương tiện hạ tầng nền tảng đang dần chi phối tất cả, chưa nói tới Trí tuệ nhân tạo (AI) và robot. Chúng ta mới thấy và hưởng thụ những tác dụng và hiệu ứng tích cực và ngay lập tức của các đặc tính mới của thời đại này. Trong khi đó, các khó khăn và thách thức lớn còn đang ở phía trước, đó là sự buộc phải thay đổi hay chuyển đổi có tính cách mạng toàn bộ các hệ thống hạ tầng và thượng tầng của xã hội mà con người đã từng sáng tạo nên và dựa vào nó, trong đó có cả hệ thống pháp luật.

Trở lại câu chuyện về lừa đảo, sẽ có một vấn đề pháp lý mới đặt ra. Chẳng hạn, nếu lừa đảo thông qua AI hay robot thì có xử phạt được không và xử phạt ai, ngay cả khi bằng chính công nghệ đã phát hiện ra tội phạm? Bởi trong hệ thống hiện tại thì chỉ con người và tổ chức của con người mới là chủ thể của pháp luật. Ngoài ra, vì pháp luật hiện hành là một hệ thống tinh vi nên các cá nhân là con người đơn lẻ sẽ rất khó lẩn trốn để đứng ngoài. Nhưng nếu là các thực thể AI thì sao, bởi khi đó trình độ tinh vi của nó sẽ có thể cao hơn các hệ thống mà con người bình thường tạo ra. Cho nên, tôi e rằng trước các rủi ro tiềm tàng đã được cảm nhận thì xã hội còn đang đối mặt với nhiều câu hỏi chưa được trả lời.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đối mặt với các vấn để cụ thể như tội phạm lừa đảo trực tuyến mà chúng ta không thể làm gì. Đó chính là các yêu cầu chính thức về nghĩa vụ hành động và phối hợp từ phía các cơ quan chức năng đối với các công ty công nghệ, đặc biệt là các công ty đang sở hữu và vận hành các nền tảng trực tuyến. Lẽ đương nhiên, chúng ta không thể yêu cầu một công ty vận hành đường cao tốc ngăn ngừa kẻ gian đi trên con đường ấy, nhưng vì bởi đó là vấn đề của công nghệ, các công ty này hoàn toàn có thể được yêu cầu phối hợp để bắt tội phạm bằng cách lắp đặt các camera để theo dõi người đi. Theo cách này, tôi biết một số công ty nền tảng, như Facebook, thông qua các biện pháp công nghệ đã và đang hợp tác rất tốt với các cơ quan chức năng để ngăn chặn và xử lý các tin xấu có tính tiêu cực đối với lợi ích cộng đồng.

Theo luật sư, cần có giải pháp gì để giúp người dân giảm thiểu thiệt hại từ lừa đảo trực tuyến?

Về phía cơ quan chức năng, tôi cho rằng có thể tiến hành ba biện pháp trước mắt có ý nghĩa thực tế và khả thi. Đó là:

Thứ nhất, tăng cường các hoạt động giáo dục, tuyên truyền và cảnh báo để người dân nâng cáo năng lực phòng ngừa;

Thứ hai, thiết lập, tổ chức nhiều hơn để dễ tiếp cận và phổ biến rộng rãi các thiết chế đầu mối để tiếp nhận và xử lý tố cáo, khiếu nại về các hành vi lừa đảo trực tuyến;

Thứ ba, cần hoàn thiện và thúc đẩy cơ chế thực thi pháp luật để bảo về quyền của các bên bị hại, bao gồm các thủ tục tố tụng tư pháp rõ ràng, thuận tiện và minh bạch, ít tốn kém để giải quyết các khiếu nại và khởi kiện của người dân.

Với tư cách một luật sư, tôi vẫn tin rằng nếu các vụ việc lừa đảo cụ thể được xử lý hiệu quả và công khai thì sẽ là thực chứng hữu ích, mang lại tác dụng tốt nhất cho việc răn đe kẻ xấu và hướng dẫn, giáo dục người tốt nhằm giảm bớt tình trạng lừa đảo trực tuyến hiện nay.

Xin cảm ơn luật sư về những trao đổi này!

ntl.png

Luật sư Nguyễn Tiến Lập hiện là luật sư thành viên cấp cao của Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự.

Từng được đào tạo tại những trường hàng đầu trên thế giới và tích lũy được kinh nghiệm chuyên môn sâu qua hơn 30 năm hành nghề, Luật sư Lập tập trung tư vấn trong các lĩnh vực liên quan tới đầu tư vĩ mô, xây dựng, sở hữu trí tuệ, ngân hàng, hợp đồng, quản trị doanh nghiệp. Là luật sư cao cấp trong nước và quốc tế với kinh nghiệm và vốn kiến thức sâu rộng, Luật sư Lập đã tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và các công ty xuyên quốc gia. Ngoài ra, Luật sư Lập cũng dành nhiều tâm huyết cho hoạt động vận động chính sách, trọng tài và tranh tụng tại tòa, cũng như tham gia vào các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho cải cách pháp luật và phát triển xã hội ở Việt Nam.

Trước khi gia nhập NHQuang, Luật sư Nguyễn Tiến Lập là Phó Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch InvestConsult Group, và Luật sư Nguyễn Tiến Lập từng công tác tại Vụ Pháp luật Dân sự và Kinh tế, Bộ Tư pháp.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập là Học viên Chương trình đào tạo pháp luật mùa hè về thương mại toàn cầu, giải quyết tranh chấp, Trường Luật Davis, Đại học California, Hoa Kỳ, 2001 và Nghiên cứu viên Chương trình Thể chế pháp quyền và Phát triển tại Đại học Columbia – Nghiên cứu viên Chương trình luật công ích của Pilnet, New York, Hoa Kỳ trong năm 2014-2015.