Cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát hồi đầu năm ngoái đã kéo theo một cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đứng về một phía chống lại bên kia là Nga. Cuộc đối đầu này khiến người ta hình dung về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang định hình.
Mỹ và EU cáo buộc Nga gây ra cuộc khủng hoảng chính trị ở nước láng giềng Ukraine và kích động cuộc xung đột vũ trang đẫm máu ở miền đông Ukraine . Moscow bác bỏ thẳng thừng cáo buộc trên đồng thời tố ngược lại rằng chính Mỹ và phương Tây mới là kẻ đứng đằng sau giật dây cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng ở Ukraine xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình cuối năm 2013 phản đối quyết định của Tổng thống khi đó là ông Yanukovych trong việc tạm hoãn ký kết thỏa thuận hợp tác với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev . Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập trở lại Nga. Cùng với đó, cuộc xung đột vũ trang ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
Cuộc khủng hoảng trên đã phơi bày mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ người dân ở đất nước Ukraine với một bên có xu hướng thân phương Tây và bên kia muốn tiếp tục gắn bó với nước láng giềng Nga. Đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng chính là một cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở quốc gia Đông Âu giữa Nga và phương Tây. Cuộc đua tranh này được cho là diễn ra ngấm ngầm từ rất lâu.
Sau khi lực lượng Maidan thân phương Tây nổi dậy lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych thì cuộc chiến ở miền đông Ukraine chính thức được châm ngòi và cuộc đối đầu Đông-Tây cũng bùng phát lên cao trào. Mỹ và phương Tây đã nhanh chóng công nhận chính quyền mới ở Ukraine . Trong khi đó, Nga kiên quyết không thừa nhận chính phủ mới ở Kiev . Mỹ và phương Tây ngấm ngầm ủng hộ chiến dịch quân sự mà Kiev phát động nhằm chống lại những người biểu tình ở miền đông Ukraine không thừa nhận chính quyền mới. Về phần mình, Nga phản đối quyết liệt chính sách đàn áp quân sự này.
Mỹ và phương Tây bắt đầu lập một mặt trận dồn ép, bao vây Nga “tứ phía”. Ban đầu, mặt trận này tỏ ra hiệu quả khi cùng thống nhất tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, khiến Nga chịu không ít tổn thương.
Tuy nhiên, càng về sau này, mặt trận phương Tây do Mỹ dẫn đầu càng trở nên lỏng lẻo và đang có nguy cơ tan vỡ. Dường như không cần ra đòn, Nga cũng khiến liên minh phương Tây tự “vỡ trận”.
EU đang quay lưng với đồng minh lớn nhất?
Từ cách đây vài tháng, người ta đã nói đến việc EU mâu thuẫn với Mỹ trong chính sách với Nga. Ngay từ đầu, đã có thông tin cho rằng EU không hề muốn áp dụng chính sách trừng phạt đối với Nga bởi bản thân EU hiểu rất rõ, trừng phạt Nga chính là làm tổn thương đến chính họ. Tuy nhiên, dưới sức ép mạnh mẽ của Mỹ, EU buộc phải ra tay với đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của họ. Đây là điều đã từng được một quan chức cấp cao của Mỹ thừa nhận.
Trong quá trình áp dụng chính sách trừng phạt Nga, mâu thuẫn giữa EU và Mỹ lại càng lớn hơn. Nhiều nước EU bị ảnh hưởng nặng nề bởi những đòn trừng phạt nhằm vào Nga đã thể hiện sự phản đối đối với chính sách mà phương Tây và Mỹ đang áp dụng với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Sự bất mãn của phương Tây càng tăng khi nhìn sang phía Mỹ, họ thấy rằng nước dẫn dắt họ đi trên con đường gây sức ép, trừng phạt Nga lại không bị hề hấn gì mấy trong khi các nước EU lại chịu tổn thương sâu sắc, không kém gì Nga.
Trong một diễn biến mới nhất thể hiện sự không thống nhất của mặt trận phương Tây chống Nga, các ngoại trưởng EU đã tỏ ra không mấy mặn mà trong việc tiếp tục tung ra các đòn trừng phạt mới nhằm vào Moscow dù giới chức Mỹ liên tiếp lên tiếng đề cập đến viễn cảnh này.
Các ngoại trưởng EU có mặt trong cuộc họp hôm 7/3 vừa rồi để bàn về việc gây áp lực hơn nữa lên Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã thể hiện quan điểm về việc không ủng hộ những đòn trừng phạt thêm nữa nhằm vào Nga. Các nước này cho biết, họ muốn cho thỏa thuận ngừng bắn mong manh ở Ukraine một cơ hội trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc tung ra thêm các đòn trừng phạt Nga. Hầu hết ngoại trưởng các nước thành viên EU có mặtở thủ đô Latvia đều đặt hy vọng vào thỏa thuận Minsk mới nhất và nhất trí rằng EU chỉ nên tính đến việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga nếu như lệnh ngừng bắn vị vi phạm nghiêm trọng, ví dụ như lực lượng ly khai miền đông tấn công vào thành phố cảng Mariupol.
Ngoài việc phản đối tung thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, EU còn quay lưng với lời kêu gọi từ những “cái đầu nóng” ở Mỹ trong vấn đề cung cấp vũ khí gây sát thương cho chính quyền Kiev.
Hồi cuối tuần vừa rồi, EU đã tuyên bố thẳng thừng và công khai rằng nước này sẽ không bị lôi vào một cuộc đối đầu với Nga. Các quan chức EU đều đồng loạt thống nhất rằng tình hình ở Ukraine đang tiến triển và rằng họ đang đi tìm một lệnh ngừng bắn chứ không phải là một sự leo thang.
Rõ ràng, EU đang nóng lòng, sốt ruột muốn tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine để từ đó họ có thể thoát ra khỏi “cuộc chiến sứt đầu mẻ trán” với Nga.
Theo: VnMedia