Sáng ngày 14/6, bên hành lang Quốc hội, các Đại biểu đã có những nhận định liên quan đến việc chiều ngày 13/6, Cơ quan điều tra Công an Hà Nội đã (Công an Hà Nội) khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) để điều tra về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điều 123 Bộ luật Hình sự) và Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (điều 143 Bộ luật Hình sự).
"Tôi hy vọng các cơ quan có thẩm quyền mà trực tiếp là cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội sẽ tiến hành xem xét, đánh giá, nghiên cứu thấu tình đạt lý để đưa ra những quyết định sáng suốt. Điều này vừa giữ được kỷ cương, vừa tìm ra bản chất của sự việc nhằm đảm bảo sự công bằng, ổn định được tình hình của Hà Nội và cả đất nước", ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đây là điều khiến chúng ta suy nghĩ. Các cụ nói đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại. Thứ hai là phải xem xét nguồn cơn của việc phản ứng của người dân. Họ không tự mình gây ra việc xáo trộn này, mong muốn yên ổn làm ăn như những vùng quê khác. Vì vậy, theo tôi, những vấn đề này cần được xem xét một cách thấu đáo.
Đồng quan điểm trên, Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng việc khởi tố vụ án để điều tra là cần thiết.
Câu đầu tiên trong tâm thư của bà con Đồng Tâm là nhận lỗi và mong không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) nên cần phải điều tra xem mức độ thế nào trên tổng thể sự việc; xem gốc rễ vấn đề nằm ở đâu, ở người dân hay ở các cơ quan công quyền. Trên cơ sở đó mới xem xét có truy cứu TNHS hay không.
Đêm qua bà con có gọi điện thoại cho tôi, tôi nói bà con cứ bình tĩnh. Sự việc đã như thế thì phải nhìn nhận như thế, phải hợp tác với cơ quan điều tra. Nếu lẽ phải thuộc về mình thì càng phải như thế.
Ông nói thêm, hiện yếu tố tâm lý rất quan trọng, tuy qua điện thoại ông đã khuyên người dân bình tĩnh hợp tác để làm sáng tỏ vụ việc, nhưng mong các cơ quan nhà nước phải có cách tiếp cận để bà con ổn định.
"Pháp luật vào cuộc là để bảo đảm ổn định bền vững lâu dài, nhưng những kết luận liên quan đến đất đai cũng phải làm sáng tỏ ra, kể cả cách hành xử với cụ Lê Đình Kình cũng phải làm sáng tỏ", ông Quốc đề nghị.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, ủy viên thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng vấn đề khởi tố hay không khởi tố vụ án phải trên cơ sở pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì bất kể cơ quan tổ chức nào đều phải bị điều tra, không có trường hợp nào là đặc biệt và ngoại lệ.
Còn pháp luật quy định tình tiết giảm nhẹ, miễn trừ hình sự và hành chính. Trên cơ sở đó căn cứ tính chất mức độ hành vi vi phạm để quyết định xử hay không, miễn hay không, xử nặng hay nhẹ.
Khởi tố cũng có thể miễn TNHS, có thể miễn hình phạt, có thể xử nhưng cho hưởng án treo, hay xử phạt cảnh cáo, phạt tiền cải tạo không giam giữ… Nên vấn đề quan trọng nhất là thực thi pháp luật cho đúng và tình tiết sau khi cân nhắc đánh giá có thể xem xét miễn TNHS, miễn xử phạt, giảm nhẹ và các hình thức ở mức thấp theo quy định của pháp luật.