Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). |
Các bị cáo trong vụ án gồm: Lê Hòa Bình (SN 1954) - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1-5; Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1965) - nguyên Phó tổng giám đốc, kiêm Kế toán trưởng; Nguyễn Mạnh Cường (SN 1972) - nguyên Tổng giám đốc Công ty 1-5; Đào Duy Phong (SN 1958) - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (SN 1972, trú tại phường 10, quận 3, TP HCM).
Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình liết liên quan, lời bảo chữa của luật sư cũng như lời khai tại phiên tòa phúc thẩm của các bị cáo, Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Bình và Thoa về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, không chấp nhận kháng cáo của hai bị cáo này về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Cường.
Từ đó, Hội đồng xét xử tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để điều tra lại đối với các bị cáo Bình, Phong và Duy.
Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt bị cáo Lê Hòa Bình; Nguyễn Thị Kim Thoa cùng lĩnh án tù chung thân; Nguyễn Mạnh Cường 12 năm tù cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt, ngay tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đồng thời công bố Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Nguyễn Ngọc Sinh - nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land), Đào Duy Phong- nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (lao động tự do), Lê Hoà Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5, Nguyễn Thị Kim Thoa - Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5, Thái Kiều Hương - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vietsan về tội Tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Theo Hội đồng xét xử đưa ra quyết định trên căn cứ vào hồ sơ vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 820/2016 ngày 19/10/2016 của TAND Cấp cao tại Hà Nội, căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên toà phúc thẩm trong các ngày 13-14/3 đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa, Đào Duy Phong, Huỳnh Nguyễn Quốc Huy, trên cơ sở lời khai của bị cáo Lê Hoà Bình, bị can Đặng Sỹ Hùng và các đối tượng có liên quan như Thái Kiều Hương, Han Gi Cheol, ông Nguyễn Minh Quý, cùng lời khai của Nguyễn Ngọc Sinh, Trịnh Xuân Thanh.
Hội đồng xét xử cho rằng, có căn cứ xác định Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sinh và Đào Duy Phong - đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty cổ phần dịch vụ xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng của các cổ đông theo Hợp đồng đặt cọc ngày 27/3/2010 để hưởng khoản tiền chênh lệch giá 18 triệu đồng/m2.
Đồng thời, căn cứ đề nghị của đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy hành vi của Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại số 10 lô C4, khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng với Nguyễn Ngọc Sinh, Đào Duy Phong, Huỳnh Nguyễn Quốc Huy, Lê Hoà Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa, Thái Kiều Hương có dấu hiệu phạm tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn cho biết, quyết định khởi tố vụ án này sẽ được gửi tới VKSND Cấp cao tại Hà Nội.
Trước đó, vào ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự. Xác định bị can đã bỏ trốn, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.