Khó khăn và thách thức trong chiến lược phát triển năng lượng mặt trời của châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Châu Âu đang đẩy mạnh phát triển ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, độc lập về năng lượng và đạt được những mục tiêu về khí hậu.

Năng lượng mặt trời được coi là có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh năng lượng, đạt được mục tiêu khí hậu và giải quyết việc làm của châu Âu. Châu Âu đã lắp đặt khối lượng công suất quang điện kỷ lục 41,4 gigawatt vào năm 2022 - tăng 47% so với năm 202, theo tuyên bố của tập đoàn công nghiệp SolarPower Europe.

Một vấn đề quan trọng, hiện nay Trung Quốc đang thống trị ngành công nghiệp năng lượng mặt trời. Số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, có trụ sở tại Paris dự đoán, đến năm 2025, tại Trung Quốc sẽ tập trung tới 95% công suất năng lượng mặt trời của thế giới.

Những khó khăn và thách thức trong chiến lược phát triển điện mặt trời của châu Âu. Video EuroNews

Burghausen ở Đức là cơ sở sản xuất của công ty Wacker Chemicals, một trong những nhà sản xuất polysilicon hàng đầu thế giới, nguyên liệu thô cho các tấm pin điện mặt trời. Ông Tobias Brandis, chủ tịch công ty Wacker Polysilicon trong cuộc phỏng vấn với Euronews cho biết: “Lĩnh vực sản xuất của chúng tôi thực sự thuộc ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Có thể tưởng tượng rằng tại đây và tại địa điểm sản xuất thứ hai của chúng tôi ở Sachsen, sử dụng khoảng 0,7 đến 0,8% nhu cầu điện của Đức, một con số cực kỳ lớn.

"Đối với hoạt động đầu tư trong tương lai, điều có ý nghĩa quan trọng là phải có mức năng lượng cạnh tranh, nhưng cũng phải là mức năng lượng có thể dự đoán được," ông nói thêm.

Wacker là một trong những nhà sản xuất hàng đầu châu Âu về polysilicon, nhưng phần lớn polysilicon được sản xuất trên lãnh thổ Trung Quốc.

Ông Tobias Brandis giải thích: "Trung Quốc thực sự đã hành động trên hướng này. Bắc Kinh coi đây là một trong những ngành có ý nghĩa then chốt trong sự phát triển và đã tiến hành các hoạt động đầu tư mang tính chiến lược vào năng lượng mặt trời",

Tobais Brandis, Chủ tịch của công ty Wacker Polysilicon. Ảnh Euronews

Tobais Brandis, Chủ tịch của công ty Wacker Polysilicon. Ảnh Euronews

"Châu Âu và Mỹ trong giai đoạn này, không chỉ phải cạnh tranh về tốc độ phát triển mà còn phải cạnh tranh về điều kiện sản xuất nhằm tăng năng suất và giảm chi phí tiêu hao năng lượng."

Là một phần trong khuôn khổ chiến lược rộng lớn để giải quyết những thách thức về sự phát triển điện tái tạo, EU đã thành lập Liên minh năng lượng mặt trời, tập hợp các doanh nghiệp và những cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu liên quan nhằm tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy đầu tư và đa dạng hóa nguồn cung, thiết lập một ngành công nghiệp Sản xuất năng lượng mặt trời tại Châu Âu.

Sự phát triển các nguồn điện năng ở châu Âu trong 1 thập kỷ. Video EuroNews

Phát biểu tại buổi ra mắt của Liên minh, Ủy viên thị trường nội bộ EU Thierry Breton đã nói về một "nghịch lý xanh", cho thấy năng lượng mặt trời là chiến lược quan trọng để khử carbon và độc lập năng lượng, nhưng châu Âu hiện đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Ông cho rằng, thị trường chung EU sẽ tạo điều kiện cho sự hợp tác của châu Âu nhằm tăng cường năng lực sản xuất. Di chuyển tự do cho phép các công ty trong chuỗi giá trị điện mặt trời liên kết phối hợp làm việc, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành năng lượng mặt trời Châu Âu.

Tái chế tấm pin mặt trời, một nhiệm vụ khó khăn

Tại thành phố Grenoble, đông nam nước Pháp, công ty khởi nghiệp Pháp ROSI xử lý đầu cuối của chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời, tái chế các tấm pin mặt trời đã qua sử dụng.

Sự gia tăng của số lượng các tấm pin mặt trời được lắp đặt trong những năm gần đây sẽ phản ánh bằng sự gia tăng của những tấm pin sắp hết vòng đời khai thác sử dụng. Đây là một thách thức lớn đối với ngành tái chế độc hại này.

Công ty ROSI đã phát triển một phương pháp trích xuất những thành phần có giá trị nhất từ tấm pin mặt trời. Ảnh Euronews

Công ty ROSI đã phát triển một phương pháp trích xuất những thành phần có giá trị nhất từ ​​​​tấm pin mặt trời. Ảnh Euronews

“Chúng tôi có năng lực tái chế tới 3.000 tấn tấm pin mặt trời thải loại, tương đương với khoảng 100.000 tấm pin có thể được tái chế mỗi năm,” Antoine Chalaux, Tổng Giám đốc của ROSI trong cuộc phỏng vấn với Euronews cho biết: "Nhưng trong tương lai nhà máy sẽ không chỉ phải tái chế 3.000 tấn mà sẽ phải tái chế hàng chục nghìn tấn vì ở Pháp, dòng chất thải pin mặt trời tiếp tục tăng lên."

Châu Âu trong tương lai phải đối mặt với một thách thức lớn về số lượng tấm pin mặt trời thải loại cần được tái chế. Ảnh ROSI

Châu Âu trong tương lai phải đối mặt với một thách thức lớn về số lượng tấm pin mặt trời thải loại cần được tái chế. Ảnh ROSI

Sự phát triển mạnh mẽ pin điện mặt trời sẽ dẫn đến sự bùng nổ về số lượng rác thải, tấm pin mặt trời trên khắp châu Âu cần phải tái chế.

ROSI hiện đang chiết xuất các nguyên tố kim loại giá trị cao từ pin mặt trời là silicon và bạc, sử dụng phương pháp nhiệt phân để phân tách các thành phần khác nhau. Đây là quy trình phân loại, tách các tế bào quang điện ra khỏi thủy tinh và quá trình tẩy rửa hóa học sẽ tách bạc ra khỏi những tế bào pin mặt trời. Đáp ứng sự ra tăng nhanh chóng pin điện mặt trời thải loại, ROSI mở rộng quy mô sản xuất với một nhà máy sắp khai trương tại La Mure.

Antoine Chalaux, Tổng giám đốc, ROSI. Ảnh Euronews

Antoine Chalaux, Tổng giám đốc, ROSI. Ảnh Euronews

Cùng với việc hình thành một thị trường duy nhất, châu Âu coi sự đổi mới bền vững là định hướng chiến lược để ngành sản xuất điện tái tạo EU trở nên linh hoạt hơn và có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Ông Antoine Chalaux giải thích: “Tái chế là lĩnh vực mà Châu Âu luôn có ưu thế vượt trội và dẫn đầu trên toàn thế giới. Nếu chúng ta muốn xây dựng ngành công nghiệp quang điện hiệu quả ở châu Âu trên quy mô lớn, năng lực sản xuất và tái chế những vật liệu chủ yếu trong pin điện mặt trời sẽ giúp ngành năng lượng EU có sức cạnh tranh hơn trên toàn thế giới."

Thế giới nói chung và EU đang đối mặt với những mối đe dọa như khí hậu, an ninh năng lượng và việc làm. Thực tế này buộc châu Âu phải phát triển nguồn năng lượng tái tạo và hình thành chuỗi cung ứng vòng tròn bao gồm cả sản xuất và tái chế nhằm đảm bảo vững chắc chủ quyền và độc lập năng lượng tái tạo.

Theo EuroNews