VPBank đã mở rộng những phân khúc mà nhiều ngân hàng vẫn đang "né" hoặc chưa tham gia |
Như BizLIVE thông tin cuối tuần qua, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã có buổi trao đổi trực tuyến với cổ đông và nhà đầu tư về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2021.
Một lần nữa lãnh đạo ngân hàng này nêu rõ quan điểm, chiến lược và khẩu vị lựa chọn có phần khác biệt so với nhiều thành viên khác trên thị trường. Lựa chọn này như đứng trước một chiếc gương, hình ảnh phản chiếu có những điểm mà họ thừa nhận còn chưa hẳn tốt và đang tiếp tục hoàn thiện.
Mô hình khác biệt
Một lần nữa bởi trước đây lãnh đạo VPBank từng đề cập đến lựa chọn đó, lựa chọn mô hình khác biệt.
Cụ thể, theo giới thiệu tại buổi trao đổi trên, đây là ngân hàng duy nhất phục vụ tất cả các phân khúc từ cận phổ thông (lower mass) đến nhóm khách hàng ưu tiên đối với khách hàng cá nhân (KHCN); từ tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vi mô đến khách hàng doanh nghiệp lớn.
Mô hình này đã tạo cú hích gia tăng tệp khách hàng từ chỉ 2,1 triệu vào năm 2015 lên tới hơn 19 triệu tại 30/6/2021; đi cùng là gia tăng doanh thu, lợi nhuận và vào top ngân hàng hiệu quả trên thị trường, nhất là xét về ROA…
Nhưng, đổi lại, như đứng trước gương, báo cáo tài chính VPBank ghi nhận một số kết quả không hẳn như mong muốn. Tỷ lệ nợ xấu tại đây luôn cao hơn hẳn nhiều thành viên khác, nhiều năm qua không có những con số đẹp như chỉ quanh 1%; tỷ lệ trích dự phòng bao phủ nợ xấu cũng chưa như nhiều nhà băng khác đã trên 100%, thậm chí trên 200%, trên 300%.
Đặt thẳng luôn một thực tế, tại buổi trao đổi, bà Lưu Thị Thảo - Phó tổng giám đốc cao cấp của VPBank nêu điểm tưởng như nhạy cảm: “Tại sao vẫn có những khách hàng không hài lòng với cách thu hồi nợ của VPBank?”. Quả thực, quá trình hoạt động những năm gần đây từng có những điều tiếng về điểm này.
Lý giải đưa ra: tại những phân khúc khác nhau có những cách thức thu hồi nợ khác nhau. Trong đó, VPBank khai mở phân khúc gần như chưa có cách thức thực sự phù hợp và hiệu quả tại Việt Nam là tín dụng tiêu dùng, mà đó lại là phân khúc được xem như dưới chuẩn.
Cụ thể hơn, bà Lê Hoàng Khánh An, Giám đốc Khối tài chính VPBank lý giải: mô hình ngân hàng truyền thống tại Việt Nam cho vay chủ yếu phải có tài sản đảm bảo, đặc biệt với đối tượng khách hàng cá nhân; với doanh nghiệp thì phải có báo cáo tài chính. Thế nhưng, nhiều tiểu thương, doanh nghiệp SME hay cá nhân tiêu dùng họ không có tài sản đảm bảo, không có báo cáo tài chính… nhưng có nhu cầu vay chính đáng và cần tiếp cận nguồn tín dụng chính thống. Nếu cứ phải theo chuẩn truyền thống, một lượng lớn đối tượng trong nền kinh tế không vay được vì “dưới chuẩn”.
“Với hơn 90 triệu dân, ở phân khúc nào cũng có nhu cầu sản phẩm ngân hàng. Chúng tôi phục vụ và đáp ứng. Mỗi phân khúc có cách thức phục vụ khác nhau, có những tập khách hàng riêng để xây dựng sản phẩm phù hợp; mỗi phân khúc có một khối phục vụ chuyên biệt…”, bà Thảo bổ sung thêm, khi giới thiệu về mô hình và lựa chọn khác biệt của VPBank so với nhiều ngân hàng khác.
Vừa chạy vừa hoàn thiện
Ở những phân khúc như vậy ngân hàng sẽ xây dựng các chuẩn xếp hạng tín nhiệm, mô hình quản trị rủi ro và phát triển phù hợp. Với những khối khách hàng như tín dụng tiêu dùng cá nhân, tiểu thương, SME siêu nhỏ…, khó có đúc kết hoặc kế thừa từ cách làm của ngân hàng truyền thống, nên phải tiên phong và tự hoàn thiện.
“Không phải chúng tôi làm cái gì đó chưa có tiền lệ, mà luôn chọn ra thông lệ tốt nhất về quản trị, đầu tư và mời các chuyên gia hàng đầu về để xây dựng và hiện thực hóa các mô hình. Chúng tôi ý thức rất rõ khi tham gia vào phân khúc này thì mức độ rủi ro thế nào, các thông lệ hiện nay như thế nào, hiểu và nắm rõ để chủ động quản trị rủi ro, tạo niềm tin và an toàn cho cổ đông”, bà Thảo nói.
Liên quan, bà Lê Hoàng Khánh An - Giám đốc Khối tài chính VPBank đặt ra thực tế là tỷ lệ nợ xấu của VPBank thường cao so với thị trường. Điều này được lý giải ở khẩu vị rủi ro trong những phân khúc mới có độ rủi ro hơn.
“Phải chấp nhận khẩu vị rủi ro đó. Tuy nhiên, song song với đó chúng tôi đầu tư cho công tác thu hồi nợ, chính sách tín dụng liên tục được đánh giá lại để đảm bảo an toàn và hiệu quả tối đa, như tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng mẹ giảm dần các kỳ gần đây, chi phí tín dụng thuần sau thu hồi nợ giảm dần…”, bà An nói, cũng như cho biết ngân hàng linh hoạt theo thực tế triển vọng từng phân khúc.
Như vừa qua, trước tác động của COVID-19, một số phân khúc bị ảnh hưởng và VPBank chủ động hạ tỷ trọng, rà soát lại và chuẩn bị cho giai đoạn sau khi đại dịch được kiểm soát.
Đặc biệt, quá trình vừa chạy vừa hoàn thiện ở những phân khúc mới như vậy được thúc đẩy và hiệu quả hơn khi ứng dụng số hóa. Điển hình như với hỗ trợ của dữ liệu lớn (Big Data), ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích tệp khách hàng, chấm điểm tín dụng, kiểm soát rủi ro trong cho vay tiêu dùng… Sự hoàn thiện này thể hiện ở tỷ lệ nợ xấu tại FE Credit đã giảm dần, cũng như hoạt động cho vay tự động tại VPBank đã ở tỷ trọng cao.
Cũng chính số hóa là giải pháp để VPBank hoàn thiện mô hình tổng thể, bao trùm hầu hết các phân khúc khách hàng hiện nay. Với mức độ bao trùm đó, bao những phân khúc mà nhiều ngân hàng khác đang “né” ra, nhưng VPBank lại là thành viên có kết quả kiểm soát chi phí và tối ưu chi phí hàng đầu hiện nay. Đến cuối quý 2/2021, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của VPBank chỉ 23,4%, thấp nhất thị trường.
“Nhưng CIR thấp như vậy có phải do cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phí? Không hẳn. Chúng tôi liên tục đầu tư cho những cái hiệu quả cho tổ chức, chỉ cắt giảm những cái không hiệu quả”, bà An nói, cũng như gắn với một kết quả là 98% lượng giao dịch hiện nay đã được thực hiện qua kênh ngân hàng số và ngân hàng tự động - giảm thiểu chi phí và thời gian cho cả ngân hàng và khách hàng.
Thực tiễn “gà đẻ trứng vàng”
Như trên, chấp nhập khẩu vị rủi ro cao, VPBank tham gia vào những phân khúc mới. Dù có những phản chiếu không hẳn như mong muốn khi “soi gương”, như tỷ lệ nợ xấu và điều tiếng đang phải hoàn thiện về cách thức thu hồi nợ…, nhưng đổi lại là thực tiễn đáng chú ý.
1,4 tỷ USD bán cổ phần FE Credit đang là kỷ lục trên thị trường Việt Nam. Nhưng, sau khi bán 49% cổ phần, lợi nhuận từ “con gà đẻ trứng vàng” này sẽ bị chia sẻ.
Trước sự chia sẻ này, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank nói tại buổi trao đổi trên rằng: “FE Credit lớn nhất trong 20 công ty trên thị trường, và chúng tôi không muốn mất thị phần này. Chúng tôi muốn có thêm sức mạnh hơn nữa”.
Theo ông Vinh, tín dụng tiêu dùng nhiều rủi ro, nhưng đặc biệt phát triển ở các nước đang phát triển do nhu cầu lớn. Đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng. Việc bán cổ phần và liên kết với đối tác Nhật Bản nhằm củng cố vị trí dẫn đầu của FE Credit trên thị trường. Việc bán 49% cổ phần thì thu nhập san sẻ, nhưng đổi lại được hỗ trợ nguồn vốn rẻ, tầm hoạt động ra khu vực và kinh nghiệm của đối tác hàng đầu trên thế giới…
“Khi kinh tế phục hồi nếu phát triển đúng lĩnh vực thì sẽ tạo ra những giá trị không hề nhỏ. Như trước khi COVID-19 xẩy ra, lợi nhuận FE Credit năm 2019 đã đạt tới 4.900 tỷ đồng. 2020-2021 đại dịch xẩy ra, lĩnh vực này khó khăn… Nhưng rồi cuộc sống cũng sẽ trở lại bình thường, phục hồi cuối năm nay và năm tới. Theo đó, năm 2022 FE Credit có thể đạt lợi nhuận trên dưới 6.000 tỷ, sau đó tăng trưởng hy vọng có thể đạt tốc độ trước COVID xẩy ra, thậm chí năm 2023 có thể tăng khoảng 80% và duy trì dến 2025, đưa lợi nhuận một công ty tài chính sánh ngang với top 5 NHTMCP hiện nay…
Nói như vậy để thấy tiềm năng. Chúng tôi bán “con gà đẻ trứng vàng”, nhưng với 51% sở hữu thì vẫn là tạo nguồn thu nhập lớn cho chúng tôi”, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh tính toán.
Theo BizLIVE