Là bởi, ở Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2021 tăng 1,52% so với tháng trước - mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 so với tháng 1 trong tám năm gần đây. So với tháng 12-2020, chỉ số này cũng tăng 1,58%, làm người ta lo ngại cho mục tiêu lạm phát 4% cả năm. Thế nhưng, nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2 chỉ tăng 0,7% - thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay.
Có lạm phát hay không?
Đây là câu hỏi tưởng như đơn giản, quá rõ ràng mà lại khó trả lời. Chẳng hạn như lạm phát ở Việt Nam hiện nay là cao hay thấp thì tùy vào so sánh mức lạm phát tháng 2 với tháng 1-2021, hay so sánh mức tăng giá tháng 2-2021 với tháng 2-2020. Mặt khác, còn có những yếu tố chỉ diễn ra một lần mà tác động đến giá cả nữa. Vậy cho nên cần phải tiếp tục quan sát xu thế chứ không thể lấy lạm phát một tháng mà kết luận ngay xu thế.
Rõ ràng ngân hàng trung ương mỗi nước đang lựa chọn những hành động khác nhau dựa trên mức độ chấp nhận một mức lạm phát cao hơn của mình.
Một câu chuyện tương tự như vậy đang khiến nhiều chuyên gia kinh tế và thống kê của châu Âu tranh cãi dữ dội.
Câu chuyện là số liệu chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 của khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng mạnh nhất trong vòng một thập kỷ, lên đến 0,9%, trong khi đa số chuyên gia chỉ dự báo mức tăng 0,5%. Chỉ số lạm phát lõi tăng còn mạnh hơn, tăng từ 0,2% của tháng 12-2020 lên 1,4% của tháng 1-2021. Với khu vực này ở châu Âu, đây là con số rất đáng lo ngại đối với mục tiêu lạm phát cả năm là 2%.
Tuy nhiên, một số chuyên gia thống kê cho rằng đây là hiện tượng chỉ diễn ra một lần vì dịch bệnh đã khiến nhiều tiệm bán quần áo đóng cửa, vì vậy các đợt giảm giá hàng năm không diễn ra. Mặt khác, do điều chỉnh rổ hàng hóa chi tiêu trong dịch để thích ứng với điều kiện mới đã vô tình làm tăng tỷ trọng hàng lương thực, thực phẩm, những khoản chi chính của các hộ gia đình trong dịch, giảm đi những khoản chi đi lại, du lịch, mua sắm đồ tiệc tùng, dạ hội...
Một số nhà phân tích như Andrew Kenningham của Capital Economics, cho rằng sau đợt tăng giá tạm thời đầu năm nay, sẽ có giai đoạn châu Âu rơi lại vào tình trạng giảm phát ở những tháng mùa thu, khi mà lượng cầu chi tiêu tăng mạnh sau mở cửa dần cạn kiệt. Nền kinh tế vẫn khó khăn là nguyên nhân chính khiến các chuyên gia này dự báo rằng lạm phát sẽ chỉ vọt lên rồi rớt xuống và mức lạm phát cả năm vì vậy sẽ không cao.
Ngược lại, cũng có nhiều chuyên gia của Ngân hàng Trung ương Đức và Hà Lan cho rằng đây là đánh giá phiến diện, thiếu tính toán đến các yếu tố thay đổi có tính cấu trúc do dịch bệnh mang lại đối với các loại chi phí và đặc biệt là không nhìn nhận đầy đủ tác động của việc bơm một lượng tiền quá lớn trực tiếp đến tay doanh nghiệp và người dân (thay vì như trước đây là ngân hàng bơm qua việc mua trái phiếu và thúc đẩy tín dụng bằng cách giảm dự trữ bắt buộc và lãi suất điều hành). Chi tiêu tài khóa có thể tạo ra lạm phát cao hơn bơm tiền bằng chính sách tiền tệ.
Câu chuyện ECB tính mua thêm trái phiếu làm người ta nhớ lại một câu chuyện buồn cười là phía Đức từng... kiện ECB và ra phán quyết là việc ECB mua trái phiếu là vi phạm hiến pháp của Đức.
Đây cũng là cách nhìn của Giáo sư Jeremy Spiegel - trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania của Mỹ và Larry Summers - cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Mỹ Barrack Obama và là cựu Chủ tịch của Đại học Harvard.
Nhưng phía Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và nhiều nhà phân tích trên thị trường cổ phiếu Mỹ thì lại không đồng tình. Một số nhà kinh tế của các tổ chức phân tích ở Mỹ như Carl Weinberg của High Frequency Economics chỉ ra rằng trước đây cũng có những gói bơm tiền lớn của Fed nhưng tiền không đi vào nền kinh tế, không tạo ra tăng lương thì không tạo ra lạm phát cao.
Do đó mức lạm phát hay lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng chỉ là do người ta đang lo ngại lạm phát sẽ tăng, một phần do họ thấy giá dầu thô tăng lại trên 60 đô la Mỹ/thùng từ mức chỉ vài đô la Mỹ của tháng 4 năm ngoái. Nhưng đó chỉ là lo ngại, và ông cho rằng thị trường việc làm còn yếu thì chưa thể có lạm phát.
Tuy nhiên, Giáo sư Spiegel chỉ ra rằng sai lầm của việc so sánh gói hỗ trợ kinh tế lần này với đợt khủng hoảng lần trước là ở chỗ gói hỗ trợ kinh tế lần trước mà Fed chi ra thì tiền chỉ loanh quanh trong các khoản dự trữ của ngân hàng, rất ít tiền hỗ trợ của lần trước chảy trực tiếp vào doanh nghiệp tư nhân.
Nguyên nhân là do đợt khủng hoảng lần trước phần nhiều liên quan đến việc ngân hàng không nắm đủ dự trữ và Fed hỗ trợ giúp họ tăng thêm dự trữ. Kết quả là phần lớn tiền do Fed bơm ra nằm lại ở dự trữ thặng dư của các ngân hàng thương mại, và rất ít tiền được bơm ra nền kinh tế qua kênh tín dụng.
Trong khi đó, lần này thì các hoạt động hỗ trợ kết hợp của Bộ Tài chính Mỹ và Fed đã thật sự đi thẳng vào tay người tiêu dùng, qua chương trình hỗ trợ trả lương, gửi tiền mặt trực tiếp cho người dân và tăng ngân sách chi phúc lợi cho các bang và thành phố của Mỹ.
Tiền tươi, thóc thật vào tay dân sẽ làm tăng lạm phát. Giáo sư Spiegel cho biết việc ông đánh giá như vậy không có nghĩa là lạm phát sẽ phi mã, mà chỉ là sẽ cao hơn con số mục tiêu 2% của Fed. Ông cũng dự đoán là lợi suất trái phiếu vì vậy sẽ tăng và Fed cùng lắm chỉ có thể trì hoãn chứ không thể đảo ngược xu thế đó. Ông cho rằng lạm phát cao sẽ tác động xấu đến người mua trái phiếu.
Trong thư gửi cổ đông vừa công bố, tỉ phú Warren Buffett cũng có nhận định rằng trái phiếu không phải là công cụ đầu tư tốt vào lúc này. Ông dự đoán nhà đầu tư mua trái phiếu sẽ có những ngày tháng tồi tệ trong tương lai (nguyên văn “bleak future”). Ông cho rằng nhiều nhà đầu tư trái phiếu đang chấp nhận mức lợi suất quá thấp so với rủi ro mà họ đang gánh chịu.
Mà nếu lạm phát cao hơn thì có tăng lãi suất không?
Ngay cả trong trường hợp người ta đồng ý rằng lạm phát sẽ cao hơn dự đoán, phản ứng chính sách của các nước cũng khác nhau. Trong khi Trung Quốc đang rút lại thanh khoản trên thị trường tiền tệ từ giữa tháng 1, ở Mỹ thì Fed vẫn đang cam kết tiếp tục hỗ trợ thị trường.
Ở nơi khác, Ngân hàng Trung ương Nhật và Úc đã có các hoạt động can thiệp thông qua các đợt mua trái phiếu ngoài dự kiến để kềm chế không để lợi suất trái phiếu tăng mạnh, sau khi nhà đầu tư các nước này đã bán trái phiếu ra, đẩy lợi suất trái phiếu tăng mạnh do lo ngại lạm phát sẽ tăng.
Rõ ràng ngân hàng trung ương mỗi nước đang lựa chọn những hành động khác nhau dựa trên mức độ chấp nhận một mức lạm phát cao hơn của mình. Chẳng hạn Fed đã “rào trước” khả năng lạm phát cao hơn dự đoán bằng cách tuyên bố rằng chính sách tiền tệ sẽ phản ứng theo diễn biến của thị trường việc làm và chấp nhận lạm phát có thể vượt qua mục tiêu 2% một chút, miễn là lạm phát trung bình một thời kỳ vẫn ở mức 2%.
Điều này là Fed sử dụng tỷ lệ lạm phát thấp của các năm trước để tạo ra một vùng đệm cho khả năng lạm phát năm 2021 tăng vượt 2% mà họ không cần tăng lãi suất, ít nhất là cho đến cuối năm.
Tình huống của hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc thật ra là khác nhau nên động thái chính sách của nhà điều hành hai nước khác nhau cũng dễ hiểu. Số liệu thống kê cho thấy người Trung Quốc đã chi tiêu tổng cộng 821 tỉ nhân dân tệ (127 tỉ đô la Mỹ) để mua sắm và ăn uống trong dịp Tết Âm lịch, tăng 29% so với một năm trước (thời điểm dịch bệnh) và cao hơn 4,9% so với cùng thời điểm năm 2019.
Ding Shuang, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đại Trung Hoa của ngân hàng Standard Chartered nhận định rằng khóa van nước tiền tệ (monetary policy tapering) là xu thế. Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và các chỉ số kinh tế đang đi đúng hướng thì ngân hàng trung ương sẽ quyết tâm “khóa van” hơn.
Chí ít thì Chủ tịch Fed Powell cảm thấy Mỹ chưa đến giai đoạn đó. Số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đang giảm mạnh, nền kinh tế bắt đầu vận hành lại, Apple vừa công bố mở cửa hết tất cả cửa hàng của mình và người ta kỳ vọng sự trở lại của các nhà hàng và tiệm ăn. Thế nhưng thị trường việc làm vẫn cần khởi sắc hơn nữa để thuyết phục Chủ tịch Fed rằng nền kinh tế không cần hỗ trợ thêm và lãi suất có thể bắt đầu tăng để đón đầu lạm phát.
Trong phát biểu chính sách gần đây, ông Powell vẫn tỏ ra lo ngại khi mà đà hồi phục của thị trường việc làm đã có dấu hiệu chững lại trong tháng 12 và tháng 1. Fed rõ ràng đang chấp nhận rủi ro lạm phát để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế cho đến khi họ thấy có dấu hiệu lạm phát quá cao so với mục tiêu.
Ở châu Âu, sự mâu thuẫn rõ ràng nhất là giữa Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Giới chức của Bundesbank lo ngại lạm phát năm nay ở Đức sẽ vọt qua mức 3% và đang yêu cầu cần sớm tăng lãi suất. Lãnh đạo của Bundesbank đồng thời là thành viên hội đồng chính sách của ECB, ông Jens Weidmann, đã bày tỏ quan điểm rõ ràng như vậy từ giữa tháng 2 với truyền thông.
Tuy nhiên, ông lại được xem là thành phần “diều hâu” nhất trong hội đồng chính sách tiền tệ của ECB và người Đức luôn được xem là quá thận trọng với nỗi lo lạm phát cao của họ, trong khi nhiều nền kinh tế khác bị tác động nặng hơn bởi dịch bệnh và suy thoái, cần một mức lãi suất thấp để hồi phục.
Chủ tịch ECB, đồng thời cũng là một thành viên chính sách tiền tệ là bà Christine Lagarde lại có quan điểm rằng lãi suất chính sách cần giữ ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế và không loại trừ khả năng tiếp tục mua thêm trái phiếu để kéo lãi suất dài hạn xuống thấp hơn nữa. Bà không cho rằng lạm phát sẽ vượt qua 2% trong nhiều năm nữa (nghĩa là ông Weidmann dự đoán lạm phát cao hơn bà tới... 50%).
Câu chuyện ECB tính mua thêm trái phiếu làm người ta nhớ lại một câu chuyện buồn cười là phía Đức từng... kiện ECB và ra phán quyết là việc ECB mua trái phiếu là vi phạm hiến pháp của Đức. Vào thời điểm đó (tháng 5-2020), lần đầu tiên một Tòa án hiến pháp ra một quyết định trái với Tòa án công lý châu Âu, gây ra thắc mắc về chuyện ai có quyền ra quyết định ở cấp độ châu Âu với các chính sách tiền tệ.
Mâu thuẫn lần này của Bundesbank và ECB không phải là lần đầu tiên, mà tồn tại từ lâu, và một lần nữa cho thấy điều hành chính sách tiền tệ không hề đơn giản, đôi khi người ta bất đồng đến độ... kiện nhau ra tòa.
Mà chung quy lại, vì lạm phát có cao hay không, tăng có nhanh hay không là vấn đề thuộc về tương lai. Dự đoán tương lai luôn khó, cho nên dự đoán lạm phát và ra các chính sách tiền tệ dựa trên dự đoán đó là vô cùng khó. Các chuyên gia mâu thuẫn nhau là điều dễ hiểu.
Trong điều kiện Việt Nam, chuyện dự đoán trái chiều nhau càng dễ diễn ra vì những dữ liệu đầu vào và thuyết minh dữ liệu để dự báo lạm phát vô cùng thiếu thốn. Đôi khi nhiều chuyên gia cũng không thể tìm được thông tin cụ thể một khoản mục thành phần để tính chỉ số giá như giao thông hay dịch vụ giáo dục là bao gồm những thứ gì trên trang web của Tổng cục Thống kê. Vì vậy, đôi khi các chuyên gia độc lập muốn bình luận hay dự báo về lạm phát ở Việt Nam còn khó hơn ở các nước. Mà ở các nước phát triển, thông tin rõ ràng rồi, chuyên gia của họ còn cãi nhau như vậy kia mà.
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Theo TheSaiGonTimes