Đại tá Nguyễn Xuân Vọng, Chính ủy Sư đoàn 372, mắt dõi theo đường bay, nói với tôi: “Nếu máy bay cất cánh trong mùa mưa vô cùng phức tạp, đòi hỏi yêu cầu rất cao. Nhiều khi bộ đội đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả ngày, nhưng vẫn phải hoãn bay vì không đủ điều kiện. Vì thế, chúng tôi phải tranh thủ thời gian luyện tập thêm nhiều phương án để chinh phục bầu trời".
Được biết, nhiệm vụ trọng tâm của sư đoàn hiện nay là cùng lúc huấn luyện máy bay Mig-21 và huấn luyện chuyển loại máy bay Su-22 để nhanh chóng đưa toàn bộ máy bay Su-22 vào trực chiến. Tuy nhiên, để hoàn thành được chỉ tiêu, đơn vị phải “vượt lên chính mình”, một số phi công trước đây lái máy bay Mig-21, nay chuyển sang Su-22 là cả một vấn đề. Vì vậy, đội ngũ phi công cần phải được huấn luyện một cách bài bản, tỉ mỉ thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Trao đổi về công tác huấn luyện, Đại tá Ngô Vĩnh Phúc, Phó sư đoàn trưởng, cho biết: "Su-22 có sự khác biệt với Mig-21 cả về khí động lực và tính năng. Thời gian làm việc của phi công trên máy bay Su-22 cũng dài hơn Mig-21. Do vậy, đòi hỏi người phi công phải rèn luyện, đáp ứng yêu cầu cao cả về trình độ chuyên môn, bản lĩnh và thể lực. Anh em cần phải được huấn luyện kỹ các khoa mục như: Động cơ, thiết bị hàng không, vô tuyến điện tử, nguyên lý máy bay, dẫn đường, khí tượng…".
Từ yêu cầu nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch huấn luyện sát thực tế chiến đấu. Các phi đội luôn vận dụng sáng tạo cách đánh và nghệ thuật quân sự độc đáo của Không quân nhân dân Việt Nam. Những kinh nghiệm từ thực tiễn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được nghiên cứu, áp dụng vào điều kiện tác chiến hiện nay. Anh em phi công còn tích cực nghiên cứu các phương án tác chiến mới để tìm ra cách đánh thích hợp.
Sự nỗ lực của tập thể cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã khiến cho việc tiếp nhận, huấn luyện chuyển loại máy bay Su-22 trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Họ đã “vượt lên chính mình” để làm chủ trang bị, góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của Bộ đội Không quân.
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG