Khan hiếm vật liệu xây dựng công trình, Đà Nẵng nâng công suất các mỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hiện Đà Nẵng có 1 mỏ đất vật liệu san lấp công suất 200.000 m3/năm và 9 giấy phép khai thác đá xây dựng khối lượng 851.500 m3/năm, trong khi nhu cầu lên đến hơn 4,03 triệu m3 đất san lấp/năm và hơn 1,71 triệu m3 đá/năm

Một góc dự án hạ tầng dùng chung cảng Liên Chiểu (TP Đà Nẵng)
Một góc dự án hạ tầng dùng chung cảng Liên Chiểu (TP Đà Nẵng)

Ông Lê Thành Hưng – Trưởng Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng - cho biết: "Sau mùa mưa bão năm 2023 là dự án cảng Liên Chiểu sẽ đi vào tăng tốc xây dựng. Khối lượng vật liệu, đất đá cần cho công trình lên đến hàng triệu khối. Tuy nhiên, hiện nay, vật liệu cát hạt trung thay nền móng đê, đá hộc thi công trên địa bàn Đà Nẵng rất khan hiếm, nên việc thực hiện dự án gặp khó khăn hơn".

Để đảm bảo tiến độ, Ban quản lý dự án và Liên danh Nhà thầu đã tìm kiếm thêm các nguồn cát, đá tại các địa phương lân cận, như Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trong thời gian tới, rất mong UBND TP Đà Nẵng cho phép nâng công suất khai thác các mỏ đá ở Đà Nẵng, để giải quyết một phần khó khăn về nguồn vật liệu cho dự án.

Cũng theo phản ánh của các Ban quản lý dự án xây dựng trên địa bàn TP Đà Nẵng, tình trạng khan hiếm đất đá, vật liệu xây dựng trên địa bàn TP Đà Nẵng đang diễn ra khá căng thẳng. Nhất là sau đại dịch COVID-19, gần như các mỏ khai thác vật liệu bị ngưng trệ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công công trình, nhất là các công trình trọng điểm của địa phương.

vt_tu 1 1 2023 ap dung khung diem moi cho phan loai do thi.jpg
Đà Nẵng đang khan hiếm vật liệu cho công trình xây dựng

Ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng - cho biết, Đà Nẵng hiện đang có 1 mỏ đất làm vật liệu san lấp đang hoạt động khai thác với công suất khai thác là 200.000 m3/năm và 9 giấy phép đang được khai thác đá xây dựng đang khai thác với khối lượng 851.500 m3/năm chủ yếu trên địa bàn huyện Hoà Vang.

Tuy nhiên, theo quy hoạch đã được phê duyệt thì tổng nhu cầu về đất san lấp xây dựng các công trình trên địa bàn TP cần hơn 4,03 triệu m3/năm và đá xây dựng hơn 1,71 triệu m3/năm. Ngoài ra, Sở TN&MT TP đã yêu cầu các Ban quản lý dự án rà soát nhu cầu sử dụng đất san lấp và đá xây dựng cho các dự án triển khai trong giai đoạn từ 2023 đến 2025 như sau: Đất san lấp công trình là 1,45 triệu m3, đá xây dựng 1,94 triệu m3.

"Do vậy, với khối lượng cấp phép khai thác như trên cho thấy hiện nay tình trạng thiếu cục bộ ở một số dự án, tại một số thời điểm như phản ánh là có thật. Song việc thiếu này vẫn trong phạm vi kiểm soát của TP”- ông Chương khẳng định.

Để giải quyết vấn đề này, ông Chương cho biết, UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương đối với vấn đề khai thác đất đá phục vụ xây dựng các công trình theo hướng các mỏ đang còn công suất thì tiếp tục hoạt động và cho phép nâng công suất sau khi rà soát, đánh giá cụ thể từng đơn vị.

Riêng đối với việc hoàn thổ đối với các mỏ đất, đá đã kết thúc khai thác, ông Chương cho biết, trên địa bàn TP có 33 khu vực mỏ đã kết thúc việc khai thác. Trong số này có 20 khu vực mỏ của các tổ chức đã được UBND TP phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đang tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác theo Đề án đã được phê duyệt.

vt_vo nguyen chuong 1.png
Ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng

Đối với 13 khu vực mỏ đã kết thúc khai thác đang lập Đề án đóng cửa mỏ để tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Ngoài ra, một số mỏ đã kết thúc khai thác tại xã Hòa Nhơn chưa chưa lập thủ tục đóng cửa theo quy định gây ảnh hưởng, thiệt hại cho người dân.

“Trong thời gian dài, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hầu hết các mỏ phải đóng cửa và dừng toàn bộ hoạt động. Một số doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng phá sản và giải thể, nên các doanh nghiệp khai thác này cam kết trong tháng 11/2023 sẽ bồi thường thiệt hại cho người dân. Nếu hết tháng 11/2023 không thực hiện thì từ ngày 10/12 tới sẽ có những biện pháp mạnh hơn để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”- ông Chương nói.