Tân tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã tuyên bố việc đầu tiên ông làm khi bước chân vào Nhà trắng (ngày 20/1/2017) sẽ là hủy hiệp định thương mại TPP mà Mỹ đã ký với 12 nước trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Les Echos lưu ý TPP là công trình mà chính quyền Obama đã dày công xây dựng nhằm phục vụ chiến lược của Mỹ ở châu Á, trong đó có mục tiêu ngăn chặn đà ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng này.
Thông báo của Trump khiến nhiều nước châu Á sững sờ, nhưng đồng thời lại là tin mừng cho Bắc Kinh. Les Echos đăng bài «Thương mại: Nước Mỹ của Trump quay lưng với châu Á, Bắc Kinh hưởng lợi lớn». Theo Les Echos, hủy TPP đã được ký nhưng chưa được phê chuẩn, như vậy Donald Trump muốn cho thấy ông «thà phản bội các đồng minh của mình còn hơn phản bội cử tri».
Nhật báo kinh tế Pháp phân tích, việc từ bỏ hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương đánh dấu một bước đi đầu tiên của một nước Mỹ được bảo hộ dưới thời Trump. Điều này sẽ báo trước một cách chắc chắn hiện tượng khu vực hóa gia tăng trong buôn bán giữa Mỹ và châu Á. Sự rũ bỏ đó cũng có thể coi như là một sự sỉ nhục đối với các bạn hữu châu Á của Washington, những nước đã mất nhiều năm trời để thương lượng và thuyết phục dân chúng về hiệp định này.
Người thất vọng đầu tiên là thủ tướng Nhật Bản. Ông Shinzo Abe tuyên bố: «Không có Mỹ thì thỏa thuận mất hết ý nghĩa». Còn thủ tướng Singapore trong chuyến thăm Washington hồi tháng 8 vừa qua đã từng khẳng định TPP chính là uy tín của nước Mỹ.
Theo Les Echos thì quả là nghịch lý, «quyết định quay lưng lại với châu Á của Donald Trump sẽ là một món quà vô cùng lớn cho Trung Quốc».Tờ báo Pháp phân tích, TPP đã được xây dựng nhằm hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực và thiết lập các nguyên tắc thương mại theo kiểu phương Tây. Vì thế, tuần qua, tại Lima tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama đã cảnh báo rằng: "Không áp dụng hiệp định (TPP) tức là làm suy yếu vị thế của chúng ta (Mỹ) trong vùng».
Một ngày sau thông báo của ông Trump, hôm 22/11 chính phủ Trung Quốc thông báo ý định khởi động các cuộc đàm phán về một hiệp định đối tác kinh tế toàn bộ khu vực» với 9 nước châu Á và châu Đại Dương trong đó đặc biệt có Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc. Bắc Kinh cũng ngỏ ý sẽ ký được hiệp định trong thời gian sớm nhất. Báo Pháp đánh giá, các nước như Singapore, Việt Nam và Malaysia dường như cũng quan tâm tham gia vào dự án mới này của Trung Quốc.
Hậu quả của việc TPP tiêu tan và được thay thế bằng một hiệp định mới với Bắc Kinh sẽ ra sao? Les Echos dẫn ý kiến của ông Fréderic Neumann, phụ trách nghiên cứu kinh tế của ngân hàng HSBC tại Hong Kong nhận định: «Mỹ sẽ mất ảnh hưởng ở châu Á, trên phương diện kinh tế cũng như chính trị Trung Quốc sẽ đưa những nước mới vào quỹ đạo của họ».