Kế hoạch tăng trưởng mới có thể giúp kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ trong 10 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Giới chức Trung Quốc sẽ mở cuộc họp trong tuần này để vạch ra giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo, trong thời điểm kỳ bầu cử Tổng thống ở Mỹ chỉ sắp diễn ra.
Người dân ăn tối tại một nhà hàng ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 25/10 (Ảnh: Reuters)
Người dân ăn tối tại một nhà hàng ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 25/10 (Ảnh: Reuters)

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc được dự báo là sẽ xoay quanh những đột phá về công nghệ, nền kinh tế tự chủ và môi trường trong sạch hơn. Giới chức Trung Quốc cũng sẽ đặt ra những mục tiêu cho 15 năm tới, trong lúc mà ông Tập đang muốn thực hiện cam kết cải tổ đất nước bằng việc giành vị trí dẫn đầu trong công nghệ và các ngành công nghiệp chiến lược khác. Cuộc họp này không có sự tham dự của báo giới, và những quyết định chủ chốt có thể chỉ được đưa ra khi vòng họp khép lại vào hôm thứ Năm tuần này.

Nếu nền kinh tê sTrung Quốc – hiện đang hồi phục nhanh chóng sau “cú sốc” đại dịch COVID-19 – có thể giữ được đà tăng trưởng như những nằm gần đây, nó sẽ vượt qua Mỹ chỉ trong vòng 10 năm. Viễn cảnh xung đột gia tăng với Mỹ càng giúp củng cố chiến lược đẩy nhanh kế hoạch giúp Trung Quốc né được những biến động của nền kinh tế toàn cầu.

“Nó phản ánh lại những đánh giá thực tế của Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hiện nay” – Fred Hu, người sáng lập Primavera Capital Ltd, quỹ tài sản tư nhân có trụ sơ taij Bắc Kinh, nhận định – “Tự chủ chính là phát triển những năng lực nhất định trong nước, thông qua đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và sáng tạo, đây là bước đi cần thiết để ứng phó với những sự bất chắc từ bên ngoài”.

“Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ từ bỏ chính sách “mở cửa” mà họ áp dụng từ lâu và thu mình” – ông Hu nói thêm.

Giới chức cấp cao Trung Quốc mới đây đã khẳng định rằng nền kinh tế nước họ sẽ tiếp tục mở cửa với các nguồn vốn đầu tư và cạnh tranh nước ngoài, điều này phản ánh những mối quan ngại về cách mà thế giới sẽ phản ứng trước những kế hoạch sắp tới của họ. Trong một bài phát biểu tại Thâm Quyến hồi tháng trước, ông Tập Cận Bình tuyên bố sẽ tăng cường đột phá trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời giảm nhẹ thông điệp này bằng tuyên bố rằng ông muốn “một hệ thống kinh tế mới cởi mở”.

Điều này là do ông muốn tránh việc các kế hoạch mới trở thành tâm điểm tranh cãi trong mối quan hệ đang suy giảm với Mỹ và các đối thủ thương mại khác. Trước đây, một chiến lược có tên “Made in China 2025” đã gây tranh cãi sau khi nó gây phẫn nộ cho một số quan chức có quan điểm cứng rắn trong thương mại trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và khiến cho nhiều nền kinh tế ở châu Âu cùng khu vực khác khó chịu.

Hiện đang ngày càng có nhiều sự ủng hộ ở nhiều nơi, từ Washington cho tới Canberra, đối với việc hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ chiến lược. Quan điểm cứng rắn với Trung Quốc của Tổng thống Trump giờ nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng, và giới chức Trung Quốc cũng lo ngại rằng ông Joe Biden có thể còn làm hiểu quả hơn trong việc quy tụ các đồng minh để ngăn chặn sự phát triển của họ.

Lý do mà các kế hoạch mới “sẽ không chi tiết như trước đây, là bởi kế hoạch Made in China 2025 từng gây ra quá nhiều rắc rối cho Trung Quốc và làm tăng sự phản đối từ Mỹ”; ông Chen Zhiwu, Giám đốc Viện Toàn cầu châu Á thuộc ĐH Hong Kong, nói.

“Bởi vậy, tôi cho rằng họ sẽ tập trung vào các văn bản hướng dẫn chung mà không nêu cụ thể” – ông Chen nói thêm.

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc nói rằng điều gì tốt cho Trung Quốc thì cũng tốt cho thế giới.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên mới đây đã dẫn một số báo cáo của giới truyền thông, chỉ ra rằng 1/3 lợi nhuận của Mercedes Benz AG đến từ Trung Quốc trong quý 3, và rằng doanh thu phòng vé chiếu phim của Trung Quốc cũn vượt 2 tỷ USD so với Bắc Mỹ lần đầu tiên trong năm nay.

Điều này chứng minh rằng thị trường đồ sộ của Trung Quốc sẽ tạo nên “động lực bền vững cho đà tăng trưởng kinh tế của cả Trung Quốc lẫn thế giới”; ông Triệu Lập Kiên nói.

Tuyên bố này cũng được ủng hộ bởi các dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tính toán của chuyên trang Bloomberg dựa trên các con số dữ liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc sẽ là động cơ tăng trưởng lớn nhất thế giới trong những năm tới. Không giống như nhiều nước khác, nền kinh tế Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn duy nhất được dự báo tăng trưởng dương trong năm nay, sau khi chính quyền ra sức ngăn chặn đà lây lan của COVID-19.

Thế nhưng, số lượng các quốc gia coi các công ty công nghệ Trung Quốc như một mối đe dọa an ninh quốc gia lại đang tăng lên. Một số nước đang hợp tác với nhau để giảm bớt sự phụ thuộc từ nguồn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhiều công ty toàn cầu cũng đang muốn xem xét lại các chuỗi cung ứng của họ, sau khi có nhiều báo cáo về lao động cưỡng ép cùng các chính sách với Hong Kong của Trung Quốc.

Sự phản kháng từ cộng đồng quốc tế đang buộc Trung Quốc phải tìm kiếm các nguồn lực nội tại để thúc đẩy tăng trưởng. Đến nay, các đòn trừng phạt và hàng rào thuế quan gần như không có nhiều tác dụng trong việc thay đổi hành vi của Trung Quốc. Nước này vẫn duy trì một danh sách các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Trung Quốc có khả năng trở thành mục tiêu, trong khi những hành động mới đây nhằm vào hàng xuất khẩu của Australia cho thấy họ đã chuẩn bị sẵn tâm lý đáp trả khi cảm thấy lợi ích bị đe dọa.

Nhưng một nỗ lực có phối hợp có thể kéo châu Âu, Nhật Bản cùng các đồng minh khác của Mỹ cùng đưa ra hành động chung có thể đẩy Trung Quốc vào một con đường cô lập hơn.

Sự thận trọng từ các nền kinh tế trên có thể gây ảnh hưởng tới dòng chảy các nguồn đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài; ông Hu nhận định, và có khả năng là khoản đầu tư của chính phủ hỗ trợ vào các thị trường như mỹ, Anh hay Australia sẽ giảm; tham vọng với các dự án khác, như Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng phải đánh giá lại.

Các kế hoạch 5 năm gần đây của Trung Quốc đều tập trung vào tái cấu trúc ngành công nghiệp và duy trì đà tăng trưởng từ trung bình đến cao. Kênh truyền thông nhà nước cho hay Trung Quốc rất có thể hạ thấp mục tiêu GDP trong kế hoạch sắp tới bởi họ chuyển hướng tập trung sang đà tăng trưởng chất lượng cao./.