Tờ Jane's Defence Weekly Anh ngày 5/7 cho rằng Việt Nam được coi là thị trường có tiềm năng to lớn của đại đa số các nhà thầu quốc phòng trên thế giới. Một mặt, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam đang tăng nhanh. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với các “đồng minh” mới.
Điều này có nghĩa là sự lệ thuộc truyền thống vào Nga của Việt Nam sẽ từng bước giảm đi. Đồng thời, danh sách mua sắm vũ khí trang bị của Việt Nam lại rất dài.
Một nhân tố quan trọng khác là tháng 5/2016 Mỹ hủy bỏ trừng phạt quân sự lâu dài đối với Việt Nam. Việc làm này đã làm gia tăng khả năng Việt Nam mua sắm vũ khí trang bị từ các đồng minh của Mỹ. Việt Nam quyết tâm nâng cao sức mạnh quân sự của mình.
Công nghiệp quốc phòng của Việt Nam mặc dù phát triển nhanh chóng, nhưng vẫn có khoảng cách nhất định so với nhu cầu không ngừng gia tăng của các quân binh chủng Việt Nam. Điều này có nghĩa là Việt Nam vẫn có nhu cầu mạnh mẽ đối với việc nhập khẩu vũ khí trang bị kỹ thuật của nước ngoài.
Việt Nam coi ngân sách quốc phòng là bí mật quốc gia, rất ít tiết lộ ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, dựa trên những số liệu do Bộ Tài chính Việt Nam công bố ngẫu nhiên thì vẫn có thể đưa ra dự đoán.
Tạp chí Jane's Defence Budget đã sử dụng phương pháp này và tính được, năm 2017 chi tiêu quốc phòng của Việt Nam khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,9 tỷ USD.
Ba quân chủng của Việt Nam đều có rất nhiều tài sản quân sự dự trữ, những tài sản quân sự này đang trở nên cũ kỹ, nhiều tài sản có thể sắp cho nghỉ hưu.
Để đáp ứng ít nhất một số nhu cầu trong đó, Việt Nam bắt đầu chuyển sự chú ý đến Mỹ. Từ khi Mỹ hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam đến nay, điểm quan tâm chính của Việt Nam luôn là “Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa” (US Excess Defense Articles program) của Mỹ. Chương trình này nhằm chuyển nhượng các tài sản quân sự dư thừa cho các đồng minh của Mỹ.
Điều không thể nghi ngờ là, Nga vẫn sẽ là nhà cung ứng vũ khí trang bị chính của Việt Nam, nhưng do Việt Nam tìm cách đa dạng hóa nhà cung ứng, cơ hội thị trường dành cho các đối thủ cạnh tranh của Nga đang gia tăng.
Tìm kiếm đa dạng hóa nhà cung ứng là một bộ phận trong chiến lược được đề cập tới ở “Sách trắng Quốc phòng” do Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố vào năm 2009.
Căn cứ vào con số thống kê “cân bằng thương mại” của tạp chí Jane’s, Nga vẫn chiếm khoảng 80% thị phần ở thị trường vũ khí Việt Nam. Do ý thức được Chính phủ Việt Nam tìm cách đa dạng hóa nhà cung ứng, quan chức công nghiệp quốc phòng Nga gần đây cho biết họ hy vọng thông qua quan hệ ngành nghề và tìm cách chuyển đổi từ quan hệ mua bán truyền thống sang quan hệ đối tác trong việc mua sắm, để củng cố vị thế của Nga ở thị trường Việt Nam.
Ngoài tiếp xúc với Chính phủ và Bộ Quốc phòng Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia đấu thầu của các nước cũng muốn giữ liên hệ với các tập đoàn và tổ chức thương mại của Việt Nam, tiến hành hợp tác theo quy định của Luật đầu tư mới.
Bài viết cho rằng thị trường vũ khí Việt Nam đã tạo cơ hội cho các nhà cung ứng sẵn sàng nhẫn nại chờ đợi và sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp quốc phòng của Việt Nam.
Báo Anh dự đoán Việt Nam có thể tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, trong khi đó các doanh nghiệp quốc phòng của Việt Nam còn thiếu thực lực, hơn nữa trong giai đoạn sắp tới Việt Nam sẽ có nhu cầu nhập khẩu công nghệ của nước ngoài. Điều này sẽ làm cho triển vọng thị trường vũ khí của Việt Nam sáng sủa hơn.