Cậu bé nọ - giờ đã bị mù lòa sau khi bị cha mẹ cho uống độc chất methanol vì chót dại tin rằng nó có thể chống virus corona chủng mới – chỉ là một trong số hàng trăm nạn nhân của một cuộc khủng hoảng khác ở Iran xuất hiện ngay giữa đại dịch COVID-10.
Giới truyền thông Iran đưa tin có gần 300 người đã tử vong và hơn 1.000 người khác ở nước này nhập viện vì uống methanol, mặc dù uống rượu bị nghiêm cấm ở nước này. Một vị bác sĩ đang hỗ trợ Bộ Y tế Iran nói với hãng tin AP rằng vấn đề này nghiêm trọng hơn so với báo cáo, với con số tử vong thực tế là 480 và 2.850 người nhập viện.
Các vụ ngộ độc xuất hiện giữa lúc mà luồng thông tin giả mạo về thứ thuốc trị virus corona lan tràn trên mạng xã hội ở Iran.
“Các nước khác chỉ có một vấn đề duy nhất, đó là đại dịch virus corona chủng mới. Nhưng chúng tôi đang phải chiến đấu trên 2 mặt trận” – Tiến sĩ Hossein Hassanian, cố vấn của Bộ Y tế Iran trong cuộc chiến chống COVID-19, nói – “Chúng tôi vừa phải chống virus corona, vừa phải cứu những người bị ngộ độc cồn”.
Đại dịch COVID-19 hiện đang lây lan trên khắp thế giới, khiến vô số bệnh viện quá tải, hủy diệt các nền kinh tế và buộc nhiều chính phủ phải áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển hà khắc. Một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất chính là Iran, nước Trung Đông 80 triệu dân.
Hiện chưa có phương pháp điều trị hay vaccine ngừa virus corona chủng mới hữu hiệu.
Thế nhưng, trong những đoạn thông điệp lan nhanh chóng mặt trên mạng xã hội ở Iran, nhiều người tung tin thất thiệt rằng một giáo viên ở Anh và nhiều người khác đã tự chữa khỏi bệnh COVID-19 bằng rượu whiskey và mật ong – dựa trên công thức mà một tờ báo lá cải đưa ra hồi đầu tháng 2 năm nay.
Rượu lậu là vấn nạn ở Iran từ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 (Ảnh: Al Arabiya)
|
Cùng với một số thông tin về việc sử dụng các lại nước tẩy rửa có chứa cồn, nhiều người có niềm tin mù quáng rằng uống cồn nồng độ cao có thể tiêu diệt virus corona chủng mới trong cơ thể họ.
Iran hiện có trên 29.000 ca nhiễm và hơn 2.200 ca tử vong vì virus corona chủng mới, cao nhất trong số các nước ở khu vực Trung Đông. Nhiều chuyên gia quốc tế con lo sợ rằng Iran có thể đang đưa ra con số thấp hơn thực tế.
Nỗi lo sợ virus corona chủng mới, cùng với sự thiếu hiểu biết và những lời đồn thổi trên mạng, hàng chục người ở tỉnh Khuzestan và thành phố Shiraz lân cận đã phải nhập viện vì uống rượu lậu có chứa methanol.
Một số đoạn clip được truyền thông Iran đăng tải cho thấy nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu nằm bất động trên giường bệnh với đủ loại mọi dây, ống truyền trên người…Truyền thông Iran cũng báo cáo về nhiều ca ngộ độc rượu ở thành phố Karaj và Yazd.
Ở Iran, chính phủ có chỉ thị các nhà sản xuất chất methanol phải cho thêm màu nhân tạo vào các sản phẩm của họ để người dân có thể phân biệt với ethanol, một loại cồn có thể được sử dụng để rửa vết thương. Ethanol cũng là loại cồn có trong các loại đồ uống có cồn, mặc dù việc sản xuất chúng là bất hợp pháp ở Iran.
Thông tin giả, sự lo lắng trước đại dịch COVID-19 khiến nhiều người Iran uống rượu lậu để ngăn ngừa (Ảnh: AP)
|
Một số kẻ nấu rượu lậu ở Iran sử dụng độc chất methanol, thêm vào chút chất tẩy để tẩy trôi màu nhân tạo, và bán ra thị trường như một thứ đồ uống. Đôi lúc nó được trộn với cồn có thể tiêu thụ được để tăng nguồn cung, còn lại chỉ đơn thuần là cồn methanol.
Người ta không thể nhận biết được mùi và vị của methanol trong đồ uống. Loại độc chất này gây tổn thương nội tạng và não. Các triệu chứng bao gồm đau ngực, buồn nôn, thở gấp, mù và thậm chí là hôn mê.
Ông Hassanian nói rằng con số người chết và nhập viện vì cồn methanol mà ông đưa ra bao gồm con số mà các nhà mai tang ghi nhận và cả những người tử vong bên ngoài bệnh viện. “Không may thay, ở một số tỉnh, bao gồm Khuzestan và Fars, số người chết vì uống cồn methanol còn vượt quá số người chết do virus corona chủng mới” – ông nói.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, ngộ độc methanol đã là vấn nạn ở Iran. Một nghiên cứu hàn lâm cho thấy ngộ độc methanol khiến 786 người Iran nhập viện và 76 người tử vong trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10/2018.
Ở Iran, những người uống rượu sẽ bị phạt tiền và 80 roi. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ người Công giáo, Do Thái vẫn có thể uống đồ uống có cồn, dù không phải ở nơi công cộng.
Mặc dù cảnh sát Iran thường xuyên tổ chức bắt giữ những kẻ sản xuất rượu lậu, nhưng hoạt động buôn bán ngầm vẫn diễn ra.
Thứ đồ uống địa phương có tên Arak làm từ nho khô lên men – còn có tên là Arash sagi – bán với giá 10 USD với mỗi chai 1,5 lít. Trong khi rượu Vodka nhập khẩu bán với giá 40 USD/chai.
Farhad, một người tự nhận mình là bợm nhậu sống ở trung tâm thủ đô Tehran, nói rằng đồ uống có cồn vẫn có thể dễ dàng được tìm thấy. “Thậm chí sẽ có người ra mời bạn mua rượu khi bạn đang đi bộ trên phố”, anh nói.
Kể từ năm 1979, 40 nhà máy sản xuất cồn của Iran đã chuyển sang các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu dược phẩm và nước tẩy rửa. Một số khác thì ngừng hoạt động, như nhà máy Shams nằm ở phía Đông thủ đô Tehran.
Nhưng hiện tại, trong thời điểm mà ngay cả một số Nhà thờ Hồi giáo ở Iran cũng phân phát nước rửa tay có chứa cồn nồng độ cao, giới chức nước này có kế hoạch khởi động lại nhà máy Shams để sản xuất 22.000 lít cồn 99% mỗi ngày.