Trong năm 2022, CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) ghi nhận 789,7 tỉ đồng chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Ở Việt Nam, các công ty chứng khoán thường dành nhiều nguồn lực để duy trì hoạt động của các nghiệp vụ môi giới chứng khoán, lưu ký chứng khoán, hoặc bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán.
Tuy nhiên, trong năm 2022, những nghiệp vụ này chiếm chưa tới một nửa chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ ở TCBS.
Chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ của TCBS trong năm 2022 |
Thay vào đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ của TCBS là các chi phí dịch vụ khác, với giá trị ghi nhận trong năm 2022 lên tới 586,9 tỉ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Đây là chi phí cho các chương trình của TCBS, gồm: chương trình Két vàng sinh lợi, chương trình tích lũy điểm và đổi điểm giao dịch chứng khoán, chương trình đối tác phát triển kinh doanh, chương trình nền tảng đầu tư cộng đồng và các chi phí khác.
Theo giới thiệu của TCBS, chương trình ‘iSave – Két vàng sinh lợi’ cho phép khách hàng nộp rút linh hoạt 24/7, với lợi tức theo ngày lên tới 5,5% - 11%/năm.
Cụ thể, đối với chương trình iSave Plus, khách hàng sẽ được hưởng mức lợi tức ngày từ 7,5-9,0%/năm. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ được tặng thêm các mức thưởng lợi suất từ 0,5 – 2%/năm khi cam kết duy trì số dư theo các mốc thời gian từ 3-12 tháng.
Đồng nghĩa, nếu đáp ứng đủ điều kiện, khách hàng có thể được hưởng mức lợi tức lên tới 11%/năm (bao gồm lợi tức theo ngày và thưởng duy trì kỳ hạn).
Theo khảo sát của VietTimes, đây là mức vượt trội so với lãi suất chào mời của nhiều nhà băng, công ty chứng khoán, hay ứng dụng đầu tư trên thị trường.
Tại VNDirect, chương trình DMoney dành cho khách hàng đang chờ cơ hội đầu tư cũng cho phép rút tiền 24/7, với mức lãi suất tối đa ở mức 9,7%/năm.
Trong đó, ở kỳ hạn dài nhất (từ 270 – 365 ngày), VNDirect chào mời lãi suất lên tới 9,5%/năm dành cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Khách hàng gửi từ 10 tỉ đồng/giao dịch có thể hưởng thêm lãi suất nhưng cũng chỉ ở mức 0,2%/năm.
Mức lãi suất từ 7,2% - 7,8%/năm cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng hiện phổ biến ở nhiều ngân hàng. Ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) – nhà băng thường có biểu lãi suất tiền gửi cao nhất hệ thống - các khoản tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng có thể hưởng lãi suất ở mức 9%/năm.
Khảo sát tại Finhay, ứng dụng đầu tư mới nổi này chào mời tỷ suất lợi nhuận cho khoản tích lũy kỳ hạn 12 tháng ở mức 10%/năm.
Trở lại với TCBS, tính đến thời điểm ngày 31/12/2022, số dư phải trả khách hàng cho hoạt động giao dịch chứng khoán được áp dụng chương trình ‘Két vàng sinh lợi’ ở công ty chứng khoán này đã lên tới 5.296,2 tỉ đồng, tăng 2.933,6 tỉ đồng so với đầu năm.
Việc ‘Két vàng sinh lợi’ hút tiền không chỉ giúp bồi đắp nguồn vốn hoạt động, mà còn thể hiện khả năng thu hút và níu giữ khách hàng của TCBS.
Đáng chú ý, nó còn diễn ra trong bối cảnh các quỹ trái phiếu, bao gồm Techcom Capital, chứng kiến làn sóng rút tiền mạnh mẽ trong năm 2022 sau các sự kiện ở Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.
Ở một chi tiết khác, tại ngày 31/12/2022, TCBS còn ghi nhận khoản phải thu khác lên tới 3.450,2 tỉ đồng, trong khi ở thời điểm đầu năm, khoản mục này có số dư chưa tới 1 tỉ đồng. Khoản mục này không được TCBS thuyết minh chi tiết./.