Các hành động của Không quân-vũ trụ Nga (VKS) ở Syria đã cho phép ngăn chặn sự tan vỡ nhà nước ở Cận Đông, đánh dấu sự chấm hết đối với “Mùa xuân Arab” và sự quay lại vũ đài quốc tế của Nga với tư cách một đấu thủ tích cực.
Yếu tố quan trọng của đối kháng khu vực là tình hình trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 ở khu vực thành phố Azaz và loạt vụ oanh tạc của không quân Nga nhằm vào các vị trí của người Turkman (người Syria gốc Thổ), chính quyền Ankara đã quyết định tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực biên giới. 20 xe tăng М60Т được tung đến đây mà theo ý đồ của ban lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là sẽ răn đe, kiềm chế sự tiến quân của các đơn vị tăng-thiết giáp của quân đội Syria trong cuộc tấn công chống phiến quân của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) và các nhóm phiến quân khác.
Sức mạnh xe tăng
Các đơn vị quân đội Syria đang tiến công theo hướng Bắc được biên chế các xe tăng Т-90S của Nga. Do đó, các chuyên gia của tổng công ty sản xuất vũ khí trang bị hàng đầu Trung Quốc NORINCO đã tiến hành so sánh tính năng kỹ-chiến thuật của các xe tăng chủ lực của quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Một bài báo do một viện nghiên cứu vũ khí trang bị Trung Quốc viết có nêu rằng, hiện nay, cấu thành lực lượng chủ lực của các đơn vị tăng-thiết giáp quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là 170 xe tăng hiện đại hóa М60Т do công ty IMI của Israel nâng cấp từ các xe tăng lỗi thời М60А1/А3.
Hợp đồng trị giá 688 triệu USD đã được ký vào tháng 9/2002. Sau khi hoàn thành hợp đồng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dự định nâng cấp thêm 792 chiếc М60А1/А3. Các chuyên gia Israel đã thay thế động cơ Mỹ AVDS-1790-5A bằng động cơ Đức MTU KA-501, nhưng việc sử dụng thử đã phát lộ một vấn đề nghiêm trọng: trong điều kiện nhiệt độ môi trường cao, động cơ thường bị quá nhiệt và hỏng hóc nghiêm trọng. Nội dung hiện đại hóa thứ hai là pháo tăng М68 (do Mỹ sản xuất) được thay bằng pháo MG251 từ xe tăng chủ lực Merkava Mk3 của Israel, cho phép bắn các loại đạn tiêu chuẩn của NATO.
Đối với vỏ giáp của М60Т, các chuyên gia Israel bổ sung một phần bằng giáo treo lấy từ Merkava Mk3, nên không bảo đảm bảo vệ xe trước tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet/Kornet-EM và ngay cả trước đạn pháo xuyên giáp 125 mm của Nga. Theo giới quân sự và chuyên gia vũ khí Trung Quốc, tăng М60Т của Thổ Nhĩ Kỳ là tăng thế hệ 2 với một số yếu tố của thế hệ 3.
Các chuyên gia Trung Quốc đã miêu tả cặn kẽ các tính năng của xe tăng Nga Т-90. Được liệt vào các mặt mạnh của nó là khả năng của pháo 2А46М-1 125 mm, cũng như của hệ thống điều khiển hỏa lực và thiết bị nạp đạn tự động, cho phép bắn với tốc độ 9 phát/phút trở lên. Khi cần, Т-90 có thể bắn đến 4 phát bắn trong 15 s.
Họ cũng lưu ý đến ưu thế của các khí tài nhìn đêm, máy ngắm toàn cảnh và máy ngắm hồng ngoại, cho phép bắn ổn định ở cự ly 2.000 m, cũng như đến việc cơ số đạn pháo của xe tăng Nga nhiều hơn 5 lần so với xe tăng Thổ, còn các quả đạn xuyên giáp 3ВМ42 của T-90 cho phép tiêu diệt các mục tiêu có vỏ giáp dày hơn 550 mm ở cự ly 2.000 m. Nhược điểm duy nhất là hoạt động không ổn định của máy tính đường đạn khi bắn trong hành tiến.
Cơ hội duy nhất để các đơn vị Thổ Nhĩ Kỳ gây ảnh hưởng đến các hành động của xe tăng-thiết giáp Nga là hành động phục kích hay từ hầm hào ẩn nấp vì trận đánh tăng tao ngộ chắc chắn sẽ kết thúc bằng việc M60T bị tiêu diệt. |
Động cơ và hệ thống truyền động của xe tăng Nga có độ tin cậy cao và có khả năng hoạt động tin cậy ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. T-90 cũng có ưu thế rõ ràng so với М60Т trong lĩnh vực vỏ giáp và các hệ thống phòng vệ tích cực chống đạn pháo xuyên giáp và tên lửa chống tăng có điều khiển các loại.
Cơ hội duy nhất để các đơn vị Thổ Nhĩ Kỳ gây ảnh hưởng đến các hành động của xe tăng-thiết giáp Nga là hành động phục kích hay từ hầm hào ẩn nấp vì trận đánh tăng tao ngộ chắc chắn sẽ kết thúc bằng việc M60T bị tiêu diệt.
Sức mạnh hải quân
Yểm trợ cho các hoạt động tiến công của các đơn vị quân đội Syria không chỉ có các xe tăng Т-90, xe bọc thép chở quân BTR-82 và xe ô tô bọc thép Tigr. Các nhà phân tích và chuyên gia vũ khí Trung Quốc, cũng như tình báo quân sự Thổ Nhĩ Kỳ còn chú ý sát sao đến các tàu mặt nước và tàu ngầm của Nga tham gia chiến đấu chống IS.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, Hải quân Nga đang trên đường khôi phục sức mạnh chiến đấu mà bằng chứng là việc đóng hàng loạt tàu ngầm điện-diesel lớp Projekt 636.3 Kilo và tàu tên lửa nhỏ lớp Projekt 21631 Buyan-M trang bị hệ thống tên lửa hành trình Kalibr. Biến thể tên lửa hành trình trang bị được thay đổi tùy thuộc vào phương tiện mạng là tàu mặt nước hay tàu ngầm.
Các tàu ngầm thông thường lớp Projekt 636.3 với số lượng 6 chiếc sẽ là chủ lực của Hạm đội Biển Đen trong lĩnh vực đối kháng với tàu ngầm và tàu mặt nước của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Để tác chiến thắng lợi chống các tàu ngầm điện-diesel hiện đại HDW209 và HDW214 do Đức đóng của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, các tàu ngầm Nga không được giảm kho vũ khí ngư lôi để tăng số lượng các tên lửa mà kinh nghiệm của chiến dịch Syria cho thấy là đã tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu mặt đất ở tầm xa.
Trong bối cảnh tàu ngầm Projekt 636.3 có kích thước nhỏ, cần có cơ cấu đạn dược hợp lý, theo các nhà phân tích quân sự Trung Quốc thì việc bổ sung thêm một khoang với các bệ phóng thẳng đứng dùng cho tên lửa hành trình là phù hợp (xét đến chi phí), cho phép các tàu ngầm điện-diesek ít ồn tác chiến hiệu quả chống tàu mặt nước, cũng như các mục tiêu bờ. Có lẽ các tàu ngầm điện-diesel của Nga sẽ được trang bị 4 tên lửa Kalibr-PL và 14 ngư lôi. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, khoang bổ sung chứa các bệ phóng tên lửa thẳng đứng trên tàu ngầm sẽ không ảnh hưởng đến các phẩm chất đi biển của nó.
Cần lưu ý rằng, chiều dài của tên lửa Kalibr-NK và trọng lượng của nó (tên lửa chứa lượng nhiên liệu lớn để bảo đảm tầm bắn 1.500-2.500 km) có tác động không tốt đối với khả năng đi biển của tàu tên lửa Buyan-M vì lượng giãn nước của lớp tàu này chỉ có 949 tấn. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc thừa nhận rằng, 8 tên lửa 3М14Т hay 3М14S là một sức mạnh đột kích rất mạnh đối với một tàu chiến như vậy.
Hải quân Trung Quốc hiện có các tàu ngầm hạt nhân và điện-diesel có tính năng có thể sánh với tàu ngầm Projekt 636.3 của Nga. Trong số đó có tàu ngầm điện-diesel lớp 032 vốn được đóng làm tàu thí nghiệm để thử nghiệm tên lửa đường đạn (có 2 bệ phóng thẳng đứng), tên lửa chống hạm và tên lửa hành trình có tầm bắn khác nhau như Trường Kiếm-10 [CJ-10] (Đông Phong-10) và Ưng Kích-18 [YJ-18] (4 bệ phóng thẳng đứng).
Theo các chuyên gia đóng tàu hải quân Trung Quốc, các tàu tên lửa nhỏ Buyan-M của Nga là hình mẫu cho ngành đóng tàu quân sự hiện đại. Chúng có thể cạnh tranh với các frigate hạng nhẹ lớp 056 của Trung Quốc mà điểm khác biệt duy nhất của chúng so với tàu tên lửa nhỏ là trạm thủy âm và vũ khí ngư lôi cho phép tác chiến với tàu ngầm đối phương.
Hung thần Tupolev
Các chuyên gia Trung Quốc theo dõi sát sao việc VKS sử dụng máy bay ném bom chiến lược Tu-22М3, các máy bay này trong tháng 1/2016 đã thực hiện đợt ném bom thứ ba vào các vị trí của nhóm IS ở Syria (đợt 1 thực hiện vào tháng 11/2015 và đợt 2 vào tháng 12/2015). Máy bay có biệt danh sát thủ tàu sân bay từ thời chiến tranh lạnh.
Các tính năng kỹ-chiến thuật của Tu-22М3 cho phép thực hiện các chuyến bay xa gần 5.500 km và thực hiện các đòn không kích bằng tên lửa và bom vào các mục tiêu mặt đất và mặt nước. Đối thủ gần nhất của Tu-22M3 trong không quân Trung Quốc là máy bay ném bom chiến lược H-6K (sao chép Tu-16 của Liên Xô), có tầm bay 3.500 km. Sự khác biệt ở Tu-22M3 là tải trọng chiến đấu từ 12-24 tấn tùy thuộc nhiệm vụ và loại vũ khí sử dụng.
Trên cơ sở phân tích tài liệu hình ảnh và video, các chuyên gia của các cơ quan tình báo quân sự Trung Quốc đã kết luận rằng, VKS chưa sử dụng hết mọi khả năng của Tu-22М3. Có lẽ, tải trọng bom của các máy bay Tu-22M3 tham chiến chỉ dao động từ 3-5 tấn, nghĩa là hoàn toàn chỉ sử dụng loại bom FAB-250/270 ở số lượng 12-24 quả. Tuy vậy, Tu-22М3 có thể nâng cao đáng kể độ chính xác không kích khi sử dụng bom có điều khiển hay bom liệng có điều khiển hiện có trong kho vũ khí của VKS. Ngoài ra, các máy bay này còn có khả năng phóng các tên lửa chống hạm Kh-22 và Kh-32.
Sở dĩ các chuyên gia quân đội Trung Quốc quan tâm đến loại máy bay này là vì Bắc Kinh đang cần có một máy bay ném bom như vậy để đánh bại các cụm tàu sân bay Mỹ một khi xảy ra xung đột vũ trang. Các kỹ sư quân sự Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến động cơ NK-32 (do Liên Xô phát triển), cho phép máy bay có trọng lượng cất cánh hơn 100 tấn đạt tốc độ bay hơn 2M (hơn 2 lần tốc độ âm thanh) và tầm bay hơn 5.000 km.
Máy bay ném bom chiến lược tương lai H-10 mà công nghiệp quốc phòng đang thiết kế cần có loại động cơ tương tự, bảo đảm khả năng bay siêu âm. Để chế tạo động cơ của mình, các chuyên gia công nghiệp quốc phòng Trung Quốc sẽ mất 30 năm và mấy chục tỷ nhân dân tệ. Họ đã không thể làm nhái Tu-22М3 mặc dù đã được Ukraine chuyển giao một phần tài liệu kỹ thuật vì trước khi Liên Xô sụp đổ, các máy bay này đã được triển khai cả trên lãnh thổ Ukraine. Đáng chú ý là ngoài Trung Quốc, Ấn Độ và Iran cũng muốn mua Tu-22М3: sự hiện diện của các máy bay như vậy sẽ cho phép giải quyết cả các nhiệm vụ quân sự lẫn chính trị.
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, đến năm 2020, trong biên chế VKS sẽ có gần 30 máy bay được nâng cấp theo chương trình Tu-22М3М. Sau khi được nâng cấp, các máy bay này sẽ có thiết bị avionics và phần mềm mới do Nga sản xuất, các điều kiện công tác của tổ lái sẽ được cải thiện. Người Trung Quốc cho rằng, chiến thuật sử dụng Tu-22М3 ở Syria (ném bom từ độ cao lớn) hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an toàn bay.
Các đòn không kích ồ ạt là rất cần thiết để tiêu diệt các đoàn xe chở dầu, các mục tiêu hạ tầng lớn của IS. Ngoài ra, mưa bom bão đạn trút từ Tu-22М3 có tác động tâm lý cực mạnh: bọn khủng bố sẽ tìm cách tránh tập trung và hành động thành nhóm vì biết rằng, việc tập trung đông sinh lực và trang bị kỹ thuật sẽ bị các máy bay ném bom chiến lược của Nga chú ý thích đáng.
Ngôi sao Su-34
Loại máy bay thứ hai thu hút sự chú ý của các sĩ quan không quân và nhà phân tích Trung Quốc là tiêm kích-bom Su-34 mà tính năng chiến đấu không thua kém F-15E, F-35 của Mỹ, JF-17 và JH-7 của Trung Quốc, cũng như các biến thể đầu của Su-30 (MKK/MK2, MKI, MK2V, MKM) đã được biên chế cho các đơn vị không quân, hải quân của Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Malaysia. Cần lưu ý rằng, so với các máy bay nêu trên, Su-34 là loại có uy lực mạnh nhất, nghĩa là cho phép thực hiện được nhiều nhiệm vụ hơn.
Các chuyên gia Viện nghiên cứu 201 của Tập đoàn công nghiệp Hoa Bắc (NORINCO) đã tiến hành phân tích chi tiết các khả năng, trang bị và vũ khí của Su-34, loại máy bay bắt đầu được phát triển từ năm 1986. Mẫu cơ sở để chế tạo Su-34 là tiêm kích thế hệ 3 Su-27 mà mẫu chế thử đầu tiên với ký hiệu Т-10В-1 đã trải qua thử nghiệm trong năm 1990, còn mẫu thứ hai được thử nghiệm phục vụ nhu cầu của Hải quân Nga nhằm chế tạo biến thể trên hạm, nhưng hướng nghiên cứu này sau đó đã bị đình chỉ.
Các chuyên gia Trung Quốc cho boeets, những chiếc Su-34 đầu tiên đã bắt đầu được trang bị cho Không quân Nga vào năm 2006, nhưng nhịp độ trang bị rất nhỏ giọt (2 chiếc/năm). Lần ra mắt đầu tiên của Su-34 trong thực chiến là chiến dịch cưỡng chế hòa bình đối với Gruzia kéo dài 5 ngày của quân đội Nga vào năm 2008, trong đó các máy bay này trước tiên gây nhiễu các radar phòng không Gruzia, sau đó là tiêu diệt chúng bằng tên lửa chống radar.
Từ năm 2010, trên các máy bay Su-34 được lắp các động cơ hiện đại AL-31F-M1/M2 và động cơ bổ trợ ТА14-130-35 dùng để cấp điện cho các hệ thống khi không có hệ thống bảo đảm của sân bay.
Theo các công trình sư công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, tiêm kích-bom bổ sung các khả năng của máy bay ném bom chiến lược Tu-22М3 bởi vì với tải trọng chiến đấu tối đa 8 tấn, Su-34 có thể sử dụng tất cả các loại bom đạn hàng không hiện có lớp không đối đất, không đối hạm. Hệ thống dẫn trên máy bay cho phép sử dụng bom có điều khiển và bom liệng có điều khiển các cỡ chính xác cao có sai số chỉ từ 3-5 m. Độ chính xác đó cần để tiêu diệt các cứ điểm, sở chỉ huy và kho tàng ngụy trang, kiên cố của IS ở Syria.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, Su-34 có thể liệt vào nhóm máy bay thế hệ 4++ vì nó có khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt đất và mặt nước, đối phó với các tiêm kích và hệ thống phòng không đối phương, cũng như hỗ trợ bảo vệ các hoạt động của lục quân trong một thời gian dài nhờ khả năng tiếp dầu trên không.
Các chuyên gia của Đại học hàng không thuộc không quân Trung Quốc cho rằng, Nga tăng số lượng Su-34 tại căn cứ Hmeimim từ 4 lên 12 chiếc và điều đến 4 tiêm kích Su-35 từ căn cứ không quân ở tỉnh Astrakhan, Nga là do tình hình phức tạp ở hướng tấn công phía Bắc của quân đội Syria.
Ở giai đoạn hiện nay chống IS, các phi công của VKS đang yểm trợ quân chính phủ Syria hoạt động ngay sát khu vực hoạt động của không quân và phòng không Thổ Nhĩ Kỳ. Trong điều kiện đó, ban lãnh đạo chính trị-quân sự Nga đã quyết định tăng cường lực lượng không quân Nga ở đây bằng các máy bay hiện đại (Su-34, Su-35) có khả năng bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, cũng như ngăn chặn mọi mưu toan “bắn lén”.
Trận chiến tần số
Liên quan đến việc quân đội Nga sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử, ví dụ cho hoạt động đối phó hiệu quả chống các máy bay và vệ tinh do thám là hoạt động của các trạm tác chiến điện tử cơ động 1L269 Krasukha-2 và 1RL257 Krasukha-4. Các hệ thống này đã “làm mù” thành công các hệ thống radar của các loại máy bay, máy bay không người lái (UAV) và vệ tinh của Không quân Mỹ sau đây: máy bay chỉ huy-báo động sớm Е-8, các máy bay do thám RC-135W Rivet Joint và RC-135S Cobra Ball, UAV trinh sát-tiến công MQ-1 Predator (các radar trên khoang băng tần J), UAV trinh sát chiến lược Globa Hawk (các radar trên khoang băng tần J), các vệ tinh do thám họ Lacross và KH (các radar băng tần S).
Ngoài ra, các hệ thống tác chiến điện tử của Nga phong tỏa hoạt động của khí tài trên máy bay do thám Е-3 Sentry (các radar trên khoang băng tần S) và UAV MQ-9A Reaper của Không quân Anh (các radar trên khoang băng tần Х), trên máy bay chỉ huy-báo động sớm Е-7Т của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Các hệ thống tác chiến điện tử của Nga gây nhiễu đối với các hệ thống thông tin liên lạc của các máy bay này với các sở chỉ huy trong bán kính 150-300 km tính từ vị trí đóng quân tại căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Nga ở Tartus.
Các chuyên gia Trung Quốc ở các viện nghiên cứu 56, 57, 58 thuộc Cục 3 và các viện nghiên cứu 29, 36, 38 thuộc Cục 4, Bộ tổng tham mưu quân đội Trung Quốc sau khi phân tích quy trình hoạt động của các hệ thống tác hiến điện tử họ Krasukha đã kết luận rằng, khi các hệ thống này hoạt động mạnh, sẽ không thể sử dụng các UAV СН-3, CH-4 do Trung Quốc sản xuất. Khí tài liên lạc và điều khiển của các UAV này không thể hoạt động trong điều kiện bị chế áp điện tử có chủ đích.
Ngoài tác chiến điện tử, một thành tố không thể tách rời của các xung đột vũ trang hiện đại là trinh sát liên lạc vô tuyến điện và tình báo điện tử. VKS ở Syria sử dụng máy bay Il-20 để chụp ảnh radar địa hình, chụp không ảnh địa hình và chặn thu các cuộc đàm thoại vô tuyến điện công khai. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, khí tài của Il-20 cho phép chặn thu và xử lý tín hiệu điện thoại di động và điện thoại vệ tinh.
Chuyên gia về không quân Song Xiaojun đánh giá, Il-20 về tính năng kỹ thuật hơi thua kém các máy bay hiện đại của Mỹ, nhưng việc đưa vào trang bị máy bay do thám tối tân Il-214R (hiện nay đang sử dụng 2 chiếc) sẽ cho phép thực hiện các chuyến bay trinh sát dài hơn trên lãnh thổ Syria, còn khí tài trinh sát của nó sẽ cung cấp thông tin cả về hoạt động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà phân tích của Tổng công ty Công nghiệp hàng không Trung Quốc số 1 (AVIC-1), nhà sản xuất trang bị kỹ thuật chủ yếu cho không quân Trung Quốc lưu ý rằng, các chuyên gia Nga đã thiết kế được máy bay chi viện hỏa lực tiên tiến Il-114TOP.
Các chuẩn đô đốc về hưu Trương Triệu Trung và Doãn Trác lưu ý đến hoạt động của các tàu trinh sát hạng trung của Hải quân Nga (tàu SSV-201 Priazovie của Hạm đội Biển Đen, SSV-208 Kurily của Hạm đội Thái Bình Dương và SSV-231 của Hạm đội Baltic), các hệ thống điện tử của chúng cho phép chặn thu các cuộc gọi của các tay súng IS trên kênh vô tuyến điện và liên lạc vệ tinh, cũng như theo dõi liên lạc vô tuyến điện của lực lượng không quân và hải quân các nước NATO đóng ở Đông Địa Trung Hải.
Các chuyên gia Trung Quốc không phụ thuộc vào vấn đề chính trị nội bộ nước này và có thái độ trung lập, khách quan đối với Nga. Vì thế, các đánh giá vừa tích cực vừa có tính phê phán của họ càng quan trọng.
Theo VND