Các chuyên gia Mỹ đặc biệt lưu ý khả năng bảo vệ của Mi-28N, kính chống đạn của buồng lái chống chịu được đạn 12,7 và 14,5 mm, các lá cánh quạt chịu được đạn pháo đến 30 mm. “Ngay từ đầu thiết kế, đã đặt ra các tiêu chuẩn sống còn cao đối với Mi-28N”, các chuyên gia nói thêm và cho hay, độ bộc lộ của các động cơ trực thăng ở phổ hồng ngoại được giảm đi 2,5 lần so với Mi-24.
Họ cũng đặc biệt chú ý đến hệ thống cắt bỏ lá cánh quạt và hất vòm kính buồng lái cho phép các phi công an toàn rời trực thăng trong tình huống sự cố khẩn cấp trên không.
Vũ khí của Mi-28N gồm: 1 khẩu pháo 30 mm 2А42, các tên lửa chống tăng có điều khiển 9M114 Shturm, 9М120 Ataka, rocket 80 và 122 mm, các tên lửa không đối không Igla-V cho phép tiêu diệt tất cả các loại mục tiêu trên chiến trường hiện đại.
Việc sử dụng pháo 2А42 vốn cũng được lắp trên các xe chiến đấu bộ binh Nga cũng cho phép đơn giản hóa việc huấn luyện các kỹ thuật viên trực thăng. Hệ thống phòng vệ và hệ thống avionics của trực thăng không thua kém các hệ thống của Mỹ.
Mi-28NE dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt đất và trên không. Trong các tài liệu tra cứu đã liệt kê các thành phần hệ thống điểu khiển điện tử trên trực thăng này. Nhưng vì lý do nào đó mà không có sự đánh giá về sự tương xứng của hệ thống avionics với chức năng nhiệm vụ của một trực thăng tiến công.
Đặc biệt đáng chú ý về mặt này là phân tích quy trình tiêu diệt xe thiết giáp và các mục tiêu mặt đất khác bằng tên lửa chống tăng có điều khiển Ataka, vũ khí chủ lực của Mi-28NE.
Trong trường hợp này, để điều khiển tên lửa, người ta sử dụng phương pháp dẫn bán tự động, theo đó nhân viên điều khiển vũ khí giữ máy ngắm trên mục tiêu cần tiêu diệt, còn hệ dẫn thì tự động dẫn tên lửa đến mục tiêu đó. Các tọa độ của tên lửa so với đường ngắm được xác định nhờ hệ thống quang học (lắp trên Mi-28NE) và bộ vạch đường lắp trên tên lửa. Các lệnh điều khiển từ trực thăng được truyền đến tên lửa qua kênh vô tuyến điện.
Tên lửa chống tăng có điều khiển Ataka có các tính năng chính như sau: trọng lượng tên lửa 42,5 kg, trọng lượng ống phóng với tên lửa 48,5 kg, đường kính tên lửa 130 mm, tầm bắn 6.000 m, tốc độ bay trung bình 400 m/s, phần chiến đấu kiểu tandem (2 lượng nổ xếp trước-sau), có thanh xuyên, hỗn hợp chất nổ áp nhiệt, trọng lượng phần chiến đấu 7,4 kg, khả năng xuyên giáp 800 mm, xác suất vượt qua giáp phản ứng nổ lắp liền dài 500 mm là 0,5.
Để giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu khác nhau, người ta trù tính 7 phương án trang bị vũ khí cho Mi-28NE, là sự kết hợp khác nhau các loại vũ khí: tên lửa chống tăng có điều khiển Ataka, tên lửa phòng không có điều khiển Igla, rocket (tên lửa hàng không không điều khiển) S-8 và S-13, cũng như đạn 30 mm của pháo 2А42.
Tên lửa Ataka có thể được trang bị hoặc là phần chiến đấu tandem để tiêu diệt xe thiết giáp, hoặc là phần chiến đấu có thanh xuyên để tiêu diệt mục tiêu bay, hoặc là phần chiến đấu chứa hỗn hợp chất nổ áp nhiệt để tiêu diệt mục tiêu mặt đất.
Một trong số ít nhược điểm của Mi-28N được nêu ra là việc các trực thăng Mi-28N, các radar lắp trên trục rotor và các khí tài quang-điện tử được cung cấp riêng rẽ cho quân đội.
Rocket S-8 (tầm bắn tối đa 4 km) với phần chiến đẩu xuyên lõm-tạo mảnh có khả năng xuyên giáp 400 mm, đủ để tiêu diệt hiệu quả xe không bọc thép hay bọc thép nhẹ. Nhưng Mi-28NE khi sử dụng vũ khí này có thể bị bắn hạ không chỉ bởi hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn, mà cả các hệ thống tên lửa phòng không mang vác như Stinger, Mistral có trong đội hình chiến đấu của đối phương.