Năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 150.800 tỷ đồng, tăng 65% so với 2020. Lợi nhuận sau thuế lần đầu cán mốc 34.520 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm và tăng 1,56 lần với năm trước. Tổng số nộp ngân sách Nhà nước trong năm là 12.500 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ.
Chỉ số ROE của Hòa Phát đạt 38% trong năm 2021, cao hơn vượt bậc so với mức 22,8% của năm 2020. Như vậy, cứ 100 đồng vốn bỏ ra, Hòa Phát sẽ thu về 38 đồng lợi nhuận.
Để thực hiện Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất 2022, các công ty niêm yết trên HSX và HNX được đánh giá qua nhiều bước. Ở vòng sơ loại, các công ty cần đáp ứng các điều kiện: có lãi trong năm 2021, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỉ đồng, công ty con hoạt động phụ thuộc vào công ty mẹ hoặc có vị thế kinh doanh quá thấp sẽ không được xem xét.
Ở vòng kế tiếp, các công ty được chấm điểm định lượng trên năm tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2017 — 2021. Tiếp theo, Forbes Việt Nam thực hiện điều tra định tính để đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị doanh nghiệp, triển vọng ngành…
Danh sách có sự hỗ trợ tính toán định lượng của công ty Chứng khoán SSI. Vốn hóa được chốt vào ngày 30.5.2022. Số liệu sử dụng tính toán là báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Năm 2013, Forbes Việt Nam lần đầu tiên thực hiện Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất. Trải qua một thập niên, có 138 doanh nghiệp được vinh danh nhưng chỉ có 9 công ty có mặt đầy đủ tất cả 10 lần trong đó có Hòa Phát.
Mới đây, Tạp chí Forbes cũng công bố danh sách Global 2000 năm 2022 bao gồm 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Trong số 5 đại diện của Việt Nam ở Global 2000, Tập đoàn Hòa Phát có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất và là doanh nghiệp sản xuất duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách này.