Hồ sơ chiến dịch diệt khủng bố của Nga tại Syria

Hơn 2 năm trước, ngày 30/9/2015, chiến dịch của quân đội Nga chống các tổ chức khủng bố IS và Jabhat al-Nusra (từ năm 2016 có tên là Jabhat Fath al Sham) ở Syria.
Đặc nhiệm Nga trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Syria
Đặc nhiệm Nga trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Syria
Cơ sở pháp lý cho chiến dịch
Ngày 30/9/2015, Hội đồng Liên bang Nga nhất trí thông qua yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin được sử dụng quân đội Nga bên ngoài lãnh thổ. Quyết định này đã cho phép ngay trong ngày bắt đầu chiến dịch ở Syria theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tình hình Syria tại thời điểm bắt đầu chiến dịch
Cuối hè năm 2015, các nhóm khủng bố đã kiểm soát khoảng 70% lãnh thổ Syria, phiến quân IS đã chiếm đóng Raqqa, Palmyra, Manbij, nhiều khu dân cư chiến lược, các tuyến đường giao thông, các mỏ dầu và khí đốt. Các lực lượng chính phủ đã không thể tự ứng phó với cuộc tiến công của phiến quân, các cuộc không kích của liên minh do Mỹ cầm đầu chống IS cũng không có hiệu quả cần thiết đối với các nhóm khủng bố.
Trong tình thế đó, chính quyền Syria đã kêu gọi Nga giúp đỡ. Ngày 26/8/2015, hiệp ước quốc tế về việc triển khai Không quân Nga ở Syria được ký kết.
Thành lập cụm xung kích của VKS
Tháng 9/2015, cụm không quân độc lập của VKS được tung đến sân bay Hmeimim, tỉnh Latakia, ở Tây Bắc Syria. Thành phần cụm không quân này bao gồm: các máy bay ném bom Su-24М, các cường kích Su-25, các tiêm kích Su-30SM, các trực thăng Mi-24 và Mi-8, máy bay trinh sát Il-20М1, cũng như các hệ thống máy bay không người lái. Biên chế của cụm không quân gồm các tổ lái từ các đơn vị thường trực của VKS.
Ngoài ra, được đưa đến căn cứ Hmeimim còn có lực lượng nhân viên mặt đất, bộ đội đổ bộ đường không và lính thủy đánh bộ để bảo vệ căn cứ không quân, binh sĩ của Lực lượng Tác chiến đặc biệt Nga (SSO), xe thiết giáp, các hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2 và Pantsir-S. 
Để bảo đảm cho lực lượng ở Syria, Nga đã tổ chức cơ động binh khí kỹ thuật, đạn dược, phụ tùng, binh sĩ bằng các máy bay của không quân vận tải, cũng như các tàu tàu đổ bộ và tàu vận tải của Hải quân Nga (có biệt danh là “tuyến tàu nhanh Syria” từ Syria đến Trạm bảo đảm vật chất-kỹ thuật 720 của Hải quân Nga ở cảng Tartus.
Diễn biến chiến sự
Ngày 30/9/2015, ngay sau khi có quyết định của Hội đồng Liên bang Nga, các phi công Nga đã thực hiện các cuộc không kích đầu tiên vào các mục tiêu của IS ở các tỉnh Homs và Hama. Ngày 6-7/10/2015, Hải quân Nga bắt đầu tham chiến: Các tàu mặt nước của Phân hạm đội Caspie đã từ biển Caspie tấn công vào các mục tiêu của IS bằng các tên lửa hành trình Kalibr (lần đầu tiên được sử dụng trong thực chiến, sau đó còn được sử dụng 8 lần nữa, tổng cộng đã phóng vào các mục tiêu ở Syria hơn 70 tên lửa).
Trong tháng đầu tiên của chiến dịch, đã thực hiện 1.391 phi vụ chiến đấu và tiêu diệt 1.623 mục tiêu khủng bố, trong đó có 249 sở chỉ huy và đầu mối thông tin và 51 trại huấn luyện. Các máy bay của VKS đã thực hiện trung bình 50-60 phi vụ/ngày.
Ngày 17/11/2015, khi giả thuyết chiếc máy bay chở khách Airbus A321 của Nga rơi ở Ai Cập là do khủng bố, tổng thống Putin đã hạ lệnh “tăng cường hoạt động chiến đấu của không quân”. Lập tức sau đó, số lượng phi vụ chiến đấu đã tăng lên đến 90-100 phi vụ/ngày. Nga đã huy động tham chiến các máy bay ném bom chiến lược Tu-160, Tu-95MS (lần đầu tiên trong lịch sử sử dụng trong thực chiến) và máy bay ném bom tầm xa Tu-22М3 của Không quân Tầm xa (không quân chiến lược).
Tình hình Syria trở nên căng thẳng hơn nữa sau khi Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24M của Nga vào ngày 24/11/2015 khiến Nga phản ứng rất gay gắt. Để bảo đảm phòng không cho lực lượng Nga, tàu tuần dương tên lửa Moskva được phái đến bờ biển Syria, một hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf được điều đến Hmeimim. Binh đoàn không quân Nga được tăng cường bằng tiêm kích Su-30SM và Su-35S, các máy bay ném bom Su-34, các trực thăng tiến công.
Ngày 22/1/2016, Nga lại thông báo tăng cường hoạt động của VKS, trong tháng 1-2/2016, mỗi tuần VKS thực hiện hơn 500 phi vụ, riêng từ ngày 4-11/2/2016 đã tiêu diệt kỷ lục 1.800 mục tiêu.
Ngày 27/2/2016, chế độ ngừng bắn đạt được với sự trung gian của Nga và Mỹ bắt đầu có hiệu lực ở Syria. Tham gia chế độ ngừng bắn có một bộ phận các nhóm vũ trang hoạt động ở Syria. Ngày 14/3/2016, ông Putin đã hạ lệnh bắt đầu rút đại bộ phận cụm quân Nga khỏi Syria. Sau đó, binh đoàn không quân đã bị cắt giảm từ 69 xuống còn 25 máy bay. Mùa xuân và mùa hè năm 2016, VKS đã tiếp tục không kích khủng bố để yểm trợ quân đội Syria tiến công ở các tỉnh Aleppo, Latakia và Deir ez-Zor.
Ngày 27/3/2016, quân chính phủ Syria đã thiết lập quyền kiểm soát đối với thành phố cổ Pamlyra, nhưng ngày 11/12/2016, sau cuộc công kích của IS, quân chính phủ Syria đã buộc phải rút khỏi Palmyra. Ngày 2/3/2017, Palmyra được tái giải phóng.
Ngày 15/12/2016, Tổng thống Assad thông báo về việc giải phóng thành phố lớn nhất Syria là Aleppo sau những trận đánh dai dẳng từ tháng 7/2012.
Tháng 11/2016-1/2017, binh đoàn không quân của tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga là tàu Đô đốc Liên Xô Kuznetsov đã tham chiến. Tàu này đã thực hiện cuộc hành quân dài đến Địa Trung Hải. Các phi công không quân trên hạm đã thực hiện 420 phi vụ chiến đấu, trong đó có 117 phi vụ đánh đêm, tiêu diệt 1.252 mục tiêu khủng bố.
Chiến đấu cơ trên hạm Su-33 của Nga xuất kích tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov sang tham chiến tại SyriaChiến đấu cơ trên hạm Su-33 của Nga xuất kích tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov sang tham chiến tại Syria
Từ năm 2016, hạ tầng của quân Nga ở Syria do binh sĩ của quân cảnh  quân đội Nga được trang bị vũ khí nhẹ bảo vệ. Lực lượng này cũng tuần tra trên các vùng lãnh thổ được giải phóng khỏi khủng bố, các khu vực giảm căng thẳng, hộ tống hàng viện trợ nhân đạo.
Năm 2017, chính phủ Syria khôi phục quyền kiểm soát đối với đối với các khu vực trải dài trên biên giới Syria-Iraq và Syria-Jordanie. Ngày 5/9/2017, quân đội Syria đã phá vỡ thành công sự phong tỏa thành phố Deir ez-Zor vốn đã nằm trong vòng vây của các khu vực do IS kiểm soát.
Ngày 1/12/2017, Nga thông báo bắt đầu chuẩn bị cho việc rút quân khỏi Syria vào cuối năm 2017.
Tổn thất của Nga
Theo số liệu chính thức của Bộ Quốc phòng và giới chức các khu vực của Nga, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở Syria, 36 lính Nga đã hy sinh. Bốn trong số đó được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga (Trung tá Oleg Peshkov, Thượng úy Aleksandr Prokhorenko, Đại úy Marat Akhmetshin, Đại tá Ryafagat Khabibullin).
Sĩ quan Nga cao cấp nhất hy sinh ở Syria là Trung tướng Valery Assapov, Trưởng Đoàn cố vấn quân sự Nga khi bị tử thương do đạn cối bắn vào sở chỉ huy vào tháng 9/2017. Ngoài ra, còn ghi nhận tổn thất phi chiến đấu một người (một lính hợp đồng tự tử).
Trong chiến dịch ở Syria, VKS tổn thất 4 trực thăng và 1 máy bay:
• Ngày 24/11/2015, Su-24M bị một tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi. Cùng ngày, phiến quân đã bắn rơi và sau đó tiêu diệt bằng súng cối một trực thăng Mi-8АМТSh của đội tìm cứu Nga.
• Ngày 12/4/2016, một trực thăng Mi-28N bị nổ ở khu vực thành phố Homs do sai sót điều khiển.
• Ngày 1/8/2016, một trực thăng Mi-8АМТSh đã bị tiêu diệt ở tỉnh Idlib do bị bắn từ mặt đất.
• Ngày 3/11/2016, một trực thăng (khả năng là Mi-35M) đã bị hỏa lực đối phương tiêu diệt ở tỉnh Hama.
Trong các vụ tai nạn, đã tổn thất 2 tiêm kích trên hạm cất cánh từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov gồm 1 MiG-29К (14/11/2016) và 1 Su-33 (5/12/2016).
Chỉ huy
Các tư lệnh lực lượng Nga ở Syria:
• Thượng tướng Aleksandr Dvornikov (9/2015-6/2016);
• Trung tướng Aleksandr Zhuravlyov (7-12/2016);
• Thượng tướng Andrei Karpatolov (12/2016-3/2017);
• Thượng tướng Sergei Surovikin (3-11/2017; 22/11/2017 được bổ nhiệm làm Tư lệnh VKS).
Tư lệnh binh đoàn không quân Nga ở Syria là Thiếu tướng Aleksei Maksimtsev (từ tháng 9/2015).
Kết quả chiến dịch
Sự tham gia của Nga đã cho phép quân đội Syria giành lại thế chủ động trong chiến tranh và làm suy yếu mạnh lực lượng khủng bố. Ngày 25/8/2017, tại diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế Army-2017 tổ chức ở ngoại ô Moskva, Tổng cục trưởng Tổng cục Tác chiến/BTTM quân đội Nga, Thượng tướng Sergei Rudskoi đã thông báo rằng, từ đầu chiến dịch quân sự, VKS đã thực hiện hơn 28.000 phi vụ chiến đấu, thực hiện gần 90.000 cuộc không kích.
Trong thời gian tiến hành chiến dịch, lãnh thổ do quân chỉnh phủ kiểm soát đã tăng từ 19.000 lên đến 78.000 km2. Đã đánh tan các đơn vị phiến quân lớn ở các khu vực Hama và Homs, quét sạch khủng bố khỏi tỉnh Latakia. Chính phủ giành lại quyền kiểm soát các mỏ dầu và khí đốt Giselle, Shaer, Haian, Magara và Arak.
Ngày 12/9/2017, Tham mưu trưởng Lực lượng quân đội Nga ở Syria, Trung tướng Aleksandr Lapin thông báo, quân chính phủ Syria đã giải phóng khỏi tay khủng bố gần 85% lãnh thổ Syria, “chỉ còn phải giải phóng gần 27.800 km2” để quét sạch hoàn toàn khủng bố IS khỏi Syria.
Tính đến cuối tháng 9/2017, quân chính phủ và Lực lượng Nga ở Syria tập trung nỗ lực để tiêu diệt đối phương ở khu vực Deir ez-Zor, nơi tập kết các đơn vị có sức chiến đấu nhất của IS chạy đến từ Raqqa và Mosul của Iraq.
Quá trình giải quyết chính trị
Những thắng lợi của quân chính phủ Syria giành được với sự yểm trợ của quân đội Nga đã cho phép khởi động quá trình giải quyết chính trị và hòa giải các bên thù địch. Từ ngày 30/12/2016, sau khi đạt thỏa thuận giữa phe đối lập vũ trang và chính phủ Syria (Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian), chế độ đình chiến có hiệu lực ở Syria.
Tháng 5/2017, tại Astana, Kazakhstan, các nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký biên bản (có hiệu lực từ ngày 6/5/2017) về việc thiết lập các vùng an ninh. Tính đến tháng 9/2017, có 4 vùng giảm căng thẳng hoạt động gồm ở Tây Nam Syria (các tỉnh Deraa, El Quneitra và As-Suwayda)ở Tây Bắc Syria (tỉnh Idlib), ở Đông Ghouta , ngoại ô Damascus và phía Bắc Homs; cũng như vùng giảm căng thẳng Tel Rifaat ở phía Bắc tỉnh Aleppo.
Dọc theo các vùng giảm căng thẳng đã thành lập các vùng an ninh để ngăn chặn đối đầu quân sự trực tiếp.
Quy chế của các  căn cứ quân sự Nga ở Syria
Tháng 1/2017, Nga và Syria đã ký kết biên bản kèm theo hiệp định về việc bố trí một binh đoàn không quân Nga trên lãnh thổ Syria. Biên bản nêu rõ, việc bảo vệ bên ngoài các địa điểm đóng quân Nga và ranh giới trên biển của Trạm bảo đảm vật chất-kỹ thuật ở cảng Tartus do lực lượng của phía Syria đảm nhiệm, còn nhiệm vụ phòng không, bảo vệ vòng trong và duy trì trật tự tại các địa điểm đóng quân thuộc trách nhiệm của phía Nga.
Biên bản xác định các cơ sở pháp lý quốc tế quy định các điều kiện tồn tại của binh đoàn không quân Nga ở Syria, tạo điều kiện cho lực lượng này thực hiện đầy đủ hoạt động của mình. Thời hạn của hiệp định và biên bản là 49 năm kể từ ngày ký với khả năng các lần gia hạn thêm 25 năm. Chi phí hàng năm cho thực hiện biên bản là gần 20 triệu rúp lấy từ kinh phí của Bộ Quốc phòng Nga được xác định trong ngân sách liên bang Nga.