HIMARS do Mỹ cung cấp bị "vô hiệu hóa hoàn toàn" do tác chiến điện tử của Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các hệ thống pháo cơ động HIMARS do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã “hoàn toàn bất lực” trên chiến trường do hệ thống gây nhiễu điện tử của Nga.

Hệ thống HIMARS có khả năng bắn các mục tiêu xa tới 50 dặm (Ảnh: Getty)
Hệ thống HIMARS có khả năng bắn các mục tiêu xa tới 50 dặm (Ảnh: Getty)

Các hệ thống này, có khả năng phóng rocket do Mỹ sản xuất với tầm bắn lên tới 50 dặm nhằm vào các mục tiêu của Nga, nằm trong số những hệ thống bị coi là “nạn nhân” của chiến lược tác chiến điện tử được lực lượng quân đội Nga sử dụng.

Một bản đánh giá vũ khí bí mật của Ukraine được tờ The Washington Post tiết lộ mới đây cho thấy Ukraine đã buộc phải ngừng sử dụng nhiều loại vũ khí do phương Tây cung cấp vì các vấn đề về nhắm mục tiêu.

Chúng bao gồm đạn pháo dẫn đường bằng GPS Excalibur, loại đạn này không còn có khả năng bắn vào mục tiêu một cách đáng tin cậy.

Hệ thống gây nhiễu của Nga hoạt động từ mặt đất, phóng một khu vực can thiệp “hình nón” lên bầu trời, ngăn vũ khí liên lạc với vệ tinh để dẫn chúng tới mục tiêu.

Đánh giá cho biết Ukraine đã ngừng sử dụng đạn Excalibur vào năm ngoái sau khi loại vũ khí này “mất khả năng” và hiệu quả giảm xuống chỉ còn 10%.

Theo một nguồn tin quân sự Ukraine, hệ thống HIMARS, vốn được ca ngợi từ đầu cuộc chiến vì khả năng tiêu diệt mục tiêu chỉ bằng một phát bắn, giờ đây đã trở nên "hoàn toàn không hiệu quả".

“Người Nga đã triển khai chiến tranh điện tử, vô hiệu hóa tín hiệu vệ tinh và HIMARS trở nên hoàn toàn không hiệu quả”, nguồn tin cho biết.

Lầu Năm Góc và các nhà sản xuất vũ khí hiện đang tìm kiếm giải pháp cho phép các hệ thống này tránh được tác chiến điện tử gây nhiễu của Nga.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Ukraine nói với tờ The Washington Post: “Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Lầu Năm Góc về những vấn đề như vậy. Trong trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật, chúng tôi sẽ kịp thời thông báo cho đối tác để thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm giải quyết kịp thời”.

“Các đối tác của chúng tôi từ Mỹ và các nước phương Tây khác luôn hỗ trợ theo yêu cầu của chúng tôi. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên nhận được các đề xuất cải tiến thiết bị”, người này cho biết thêm.

Các hệ thống khác, bao gồm tên lửa Storm Shadow và Hệ thống tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS) ít bị gây nhiễu hơn.

Báo cáo mới xuất hiện sau khi Nga phá vỡ thành công mạng vệ tinh Starlink, do một công ty thuộc sở hữu của tỉ phú Elon Musk điều hành, mạng mà quân đội Ukraine dựa vào để kết nối Internet.

Các lực lượng Ukraine đã gặp phải tình trạng ngừng hoạt động ở tiền tuyến trong những tuần gần đây khi Moscow tăng cường các hoạt động tác chiến điện tử.

Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng kỹ thuật số Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tuần này rằng Starlink trước đây đã có khả năng chống lại hoạt động gây nhiễu của Nga, nhưng công nghệ của Nga dường như đã trở nên tinh vi hơn.

Ông cho biết lực lượng của Nga đã “thử nghiệm các cơ chế khác nhau nhằm phá vỡ chất lượng kết nối Starlink” bằng cách sử dụng vũ khí điện tử “mạnh mẽ”.

Theo Telegraph