Trong thông điệp liên bang năm 2020, Tổng thống V.Putin từng tuyên bố rằng, trong tương lai chỉ có con đường. Một là, để mất chủ quyền quốc gia và sẽ bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới. Hai là, giữ vững và bảo vệ chủ quyền quốc gia để tiếp tục phát triển thịnh vượng. Dĩ nhiên, nước Nga phải chọn con đường thứ hai.
Chủ quyền quốc gia là một khái niệm thiêng liêng, được khẳng định rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc. Là một trong những quốc gia sáng lập Liên hợp quốc sau khi đã đóng vai trò quyết định cứu loài người thoát khỏi thảm họa chủ nghĩa phát-xít trong Thế chiến II, lẽ ra Nga phải là quốc gia có quyền chủ quyền và được tôn trọng như bất cứ thành viên nào trong cộng đồng quốc tế. Thế nhưng, sau Chiến tranh Lạnh, mặc dù Liên bang Nga đã lựa chọn con đường hội nhập với phương Tây nhưng Mỹ và đồng minh vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược làm tan rã nước Nga như một quốc gia có chủ quyền. Vì thế, thành quả lớn nhất của Tổng thống V. Putin sau 20 năm cầm quyền là khẳng định chủ quyền quốc gia của Nga. Nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1993 chính là nhằm khẳng định, củng cố và tăng cường chủ quyền quốc gia của Nga.
Khoản 4 Điều 15 của Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định: “Những nguyên tắc và tiêu chuẩn pháp lý quốc tế đã được thừa nhận cùng với các hiệp ước quốc tế mà Nga ký kết cũng là bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật của Nga. Nếu hiệp ước quốc tế do Liên bang Nga ký kết quy định những điều luật trái với luật pháp Nga thì sẽ áp dụng các điều luật của hiệp ước quốc tế”. Với những quy định này, Hiến pháp 1993 đã tước bỏ chủ quyền quốc gia của Nga.
Để khẳng định chủ quyền quốc gia, trong bản Hiến pháp sửa đổi năm 2020 có bổ sung Điều 79 với nội dung: “Những yêu cầu của luật pháp và các điều ước quốc tế, cũng như các quyết định của các cơ quan quốc tế chỉ có thể có hiệu lực trên lãnh thổ Nga một khi chúng không hạn chế các quyền lợi và quyền tự do của công dân Nga, không mâu thuẫn với Hiến pháp Liên bang Nga”. Điều khoản bổ sung này bác bỏ các quyết định phi lý của Mỹ và các nước phương Tây hoàn toàn trái với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm chống phá Nga sau sự kiện bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014.
Người dân Nga đi bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi bản Hiến pháp năm 1993 (Ảnh: Moscow Times)
|
Điều 62 của Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định: “Theo luật pháp liên bang hoặc hiệp ước quốc tế, công dân Liên bang Nga có thể có quốc tịch nước ngoài (quốc tịch kép). Việc các công dân Nga có quốc tịch nước ngoài sẽ không hạn chế quyền và quyền tự do của họ, cũng không loại bỏ trách nhiệm công dân Nga của họ nếu không có những quy định khác trong luật pháp liên bang hoặc trong hiệp ước quốc tế mà Liên bang Nga đã ký kết”.
Áp dụng Điều 62 của Hiến pháp 1993, rất nhiều công dân Nga là quan chức trong các cơ quan lập pháp và hành pháp của Liên bang Nga có hai quốc tịch, thậm chí họ mở tài khoản tại các ngân hàng nước ngoài và sở hữu tài sản ở nước ngoài. Dĩ nhiên, những quan chức này sẽ không hoạt động vì lợi ích của nhà nước Nga mà chỉ chăm chăm thu vén để làm giàu cho cá nhân. Để khắc phục tình trạng này, trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống V.Putin, vào ngày 14/7/2006, Quốc hội Nga thông qua đạo luật cấm các quan chức trong các cấp chính quyền của Nga có quốc tịch thứ hai hoặc quyền định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, đạo luật này đã không được thực thi. Tính đến ngày 14/5/2019 vẫn có nhiều quan chức cấp cao trong bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp của Nga có quốc tịch thứ hai hoặc quyền định cư ở nước ngoài.
Vì thế, trong bản Hiến pháp sửa đổi năm 2020 có sung thêm Điều 77 quy định: “Các công dân Nga là những người đứng đầu các chủ thể của Liên bang Nga, các thành viên Hội đồng Liên bang, đại biểu Hạ viện Nga, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng Liên bang, người đứng đầu các cơ quan hành pháp và tư pháp liên bang khác không được phép có quốc tịch nước ngoài, không được phép có giấy phép cư trú hoặc bất kỳ loại giấy tờ nào khác cho phép họ cư trú thường xuyên trên lãnh thổ một quốc gia khác; không được phép mở tài khoản và cất giữ tài sản tại các ngân hàng nước ngoài bên ngoài lãnh thổ Nga”. Riêng đối với những người muốn ra tranh cử Tổng thống Liên bang Nga, Điều khoản này được sửa đổi thành yêu cầu khắt khe hơn, theo đó những người đó phải cư trú thường xuyên trên lãnh thổ Nga không dưới 25 năm, không có quốc tịch nước ngoài hoặc giấy phép cư trú ở quốc gia khác không chỉ trong thời gian tham gia tranh cử mà còn cả những thời gian trước đó. Những sửa đổi này trong bản Hiến pháp 1993 có ý nghĩa như là “quốc hữu hóa” giới tinh hoa chính trị của Nga.
Theo nhận định của Anatoli Zyganov, Phó Giáo sư Khoa Chính trị thế giới thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow, Giám đốc Trung tâm dự báo quân sự thuộc Viện Nghiên cứu chính trị - quân sự của Nga, một khi các quan chức cao cấp trong hệ thống chính trị của Nga có quốc tịch hoặc quyền định cư ở nước ngoài thì họ sẽ không làm việc và hành động vì lợi ích của nước Nga mà sẽ vì lợi ích cá nhân của chính họ. Lợi dụng điểm yếu này trong Hiến pháp Nga 1993, trong Đạo luật cấm vận Nga của Quốc hội Mỹ đã đưa ra các biện pháp đe dọa đóng băng tài khoản của các quan chức trong hệ thống chính trị của Nga nếu họ không hành động chống lại Tổng thống V. Putin.
Để khẳng định chủ quyền quốc gia của Nga, Điều 67 của bản Hiến pháp sửa đổi năm 2020 xác định: Liên bang Nga là quốc gia kế thừa vị thế của Liên Xô trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia và trong quan hệ quốc tế cũng như các cơ quan và các tổ chức quốc tế; Liên bang Nga kế thừa truyền thống lịch sử hàng ngàn năm và có trách nhiệm bảo vệ ký ức lịch sử về những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc. Điều 68 của bản Hiến pháp sửa đổi xác định, tiếng Nga là ngôn ngữ quốc gia trên toàn lãnh thổ của Liên bang Nga có chức năng gắn kết các dân tộc tạo nên nhà nước Nga. Văn hóa Nga là di sản của quốc gia nhiều dân tộc và được nhà nước bảo vệ.
Để duy trì, củng cố và tăng cường chủ quyền quốc gia, Điều 67 của bản Hiến pháp sửa đổi xác định: Nhà nước Nga đặc biệt chú trọng phát triển dân số, trong đó coi việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và phát triển con trẻ là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất và quan trọng nhất của nhà nước Nga. Trong đó, nhà nước đặc biệt chú ý tạo dựng môi trường giáo dục trong gia đình, chịu toàn bộ trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ cho những trẻ em không nơi nương tựa.
Một trong những điều được dư luận Nga và quốc tế quan tâm nhất là trong số những nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1993 có đề cập đến việc bãi bỏ điều khoản hạn chế 2 nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp. Nếu điều khoản này không được sửa đổi thì Tổng thống V.Putin sẽ không được phép tái tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm 2024 khi ông kết thúc 2 nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2012.
Khoản 3 của Điều 81 trong bản Hiến pháp sửa đổi vẫn giữ nguyên quy định một người không được đảm giữ chức vụ tổng thống Liên bang Nga quá 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, khoản 3.1 của Điều khoản 81 bổ sung thêm nội dung xác định rõ: quy định trong Khoản 3 Điều 81 vẫn áp dụng đối với người đã hoặc đang giữ chức tổng thống Nga nhưng không tính số nhiệm kỳ đã hoặc đang đảm nhiệm vào thời điểm bản Hiến pháp sửa đổi này có hiệu lực. Như vậy, chiểu theo Khoản 3.1 Điều 81 của bản Hiến pháp sửa đổi, Tổng thống đương nhiệm V.Putin vẫn được quyền ra tranh cử vào năm 2024. Nếu đắc cử trong 2 cuộc bầu cử vào năm 2024 và 2030, ông V.Putin sẽ là Tổng thống Nga tới năm 2036.
Luật sư Mỹ Grigori Krasovskij: “Bản Hiến pháp sửa đổi cho phép ông V.Putin được ra tranh cử vào năm 2024 là cú sốc đối với những thế lực đang theo đuổi mưu toan tiến hành “cuộc cải tổ 2.0” để nước Nga quay trở lại quỹ đạo của những năm 1990 (Ảnh: "Экономика сегодня"). |
Việc bản Hiến pháp sửa đổi cho phép ông V.Putin được phép ra tranh cử vào năm 2024 là cú sốc đối với những thế lực đang theo đuổi mưu toan tiến hành “cuộc cải tổ 2.0” để nước Nga quay trở lại quỹ đạo của những năm 1990 dưới thời Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Chính vì thế, trong mấy ngày qua bộ máy tuyên truyền phương Tây ra sức thêu dệt nhằm cáo buộc cuộc trưng cầu ý dân về bản Hiến pháp sửa đổi là đã “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế” và “gian lận”.
Theo nhận định của luật sư người Mỹ Grigori Krasovskij, phản ứng bị sốc này của phương Tây xuất phát từ thất bại của họ khi cho hàng loạt “cố vấn” tới “giúp” Nga soạn thảo bản Hiến pháp năm 1993 và có mặt ở tất cả các cấp quản lý và lãnh đạo để ép buộc Nga phải hội nhập “cộng đồng văn minh” theo các điều kiện do họ áp đặt. Với bản Hiến pháp sửa đổi năm 2020, nước Nga đã hoàn toàn giành lại chủ quyền quốc gia để tiếp tục phát triển ổn định và thịnh vượng dưới sự dẫn dắt của V.Putin - một nhà lãnh đạo luôn đặt lợi ích của nước Nga và của nhân dân Nga lên trên hết./.