Hé lộ thú vui chi tiêu "điên cuồng" của Sam Bankman-Fried trước khi FTX sụp đổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – FTX phá sản vào tháng 11 năm ngoái vì không có đủ tiền đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng. Một phần nguyên nhân là do thói quen tiêu xài hết sức hoang phí, theo hồ sơ tòa án.

Hồ sơ toà án hé lộ thú vui chi tiêu hoang phí của FTX và ông chủ Sam Bankman-Fried (Ảnh: AP)
Hồ sơ toà án hé lộ thú vui chi tiêu hoang phí của FTX và ông chủ Sam Bankman-Fried (Ảnh: AP)

Kể từ sau sự sụp đổ của FTX và vụ bắt giữ người sáng lập kiêm CEO Sam Bankman-Fried, hồ sơ tòa án cùng một số báo cáo của giới truyền thông phương Tây đã hé lộ về những khoản chi tiêu hết sức phung phí.

Các luật sư cho hay, Alameda Research, công ty “họ hàng” của FTX được đồng sáng lập bởi Bankman-Fried, “đã mua nhiều máy bay, nhà cửa, tổ chức tiệc tùng, quyên góp chính trị” bằng hạn mức tài chính 65 tỉ USD tại FTX. Khó có thể nắm được số tiền chi tiết mà công ty này đã chi ra, nhưng những khoản chi tiêu này phần nào đã gây thiệt hại nặng nề cho khách hàng.

2.png
Sam Bankman-Fried xuất hiện tại tòa án quận Manhattan ngày 30/3 (Ảnh: Getty)

Sau khi CoinDesk đăng tải thông tin về mối quan hệ mật thiết giữa Alameda và FTX, nhiều khách hàng đổ xô đi rút tiền, nhưng FTX không có đủ tiền để chi trả cho họ.

Từ DoorDash, khu nghỉ dưỡng Margaritaville cho đến những căn hộ sang trọng và các đoạn quảng cáo đắt tiền, sau đây là những khoản chi tiêu phung phí nhất được hé lộ trong vụ phá sản FTX.

Bất động sản ở Bahamas: 256,3 triệu USD

4.png
Khu nghỉ dưỡng Albany chụp từ trên cao (Ảnh: Google Map)

Hồ sơ được tòa án công bố trong tháng 12 năm ngoái cho thấy FTX sở hữu 35 bất động sản ở Bahamas, nơi đặt trụ sở chính của họ, với tổng giá trị 256,3 triệu USD. Khối bất động sản bao gồm 15 căn hộ cao cấp có giá hàng triệu USD tại khu nghỉ dưỡng Albany, cũng tại đây, Bankman-Fried đã sống trong một căn nhà áp mái trị giá 30 triệu USD cho đến khi bị bắt giữ.

Khu bất động sản ven biển này còn có một bến tàu và sân golf riêng, từng là nơi tổ chức giải PGA Tour.

5.png
Vẻ đẹp của khu nghỉ dưỡng ven biển Albany (Ảnh: Albany)

Giới chức Bahamas cho hay họ đang cố gắng lấy lại các bất động sản này sau khi FTX sụp đổ. Họ cho biết thêm rằng công ty FTX Property Holding Ltd. không có bất cứ một thỏa thuận kinh doanh nào mà chỉ nắm giữ một số bất động sản ở quốc gia này.

Thuê khách sạn đắt tiền: 15 triệu USD

6.png
Khách sạn Grand Hyatt ở Bahamas (Ảnh: Handout)

Trong vòng 9 tháng, FTX đã tiêu tốn 15,4 triệu USD để thuê phòng khách sạn tại Bahamas, theo hồ sơ tòa án. Trong số này, đáng chú ý nhất là 5,8 triệu USD được dùng để thuê phòng tại khách sạn Albany. Theo tạp chí Fortune, giá phòng tại khu nghỉ dưỡng này có thể lên tới 60.000 USD/đêm trong mùa cao điểm.

Ngoài ra, công ty cũng đã chi 3,6 triệu USD để thuê phòng tại Grand Hyatt, một khách sạn 4 sao với mức giá phòng thấp nhất là 370 USD/đêm. Hơn nữa, FTX đã dành 800.000 USD để thuê phòng tại khách sạn 5 sao Rosewood, nơi giá phòng tối thiểu là 1.100 USD/đêm.

Du thuyền của John Samuel Trabucco: 2,5 triệu USD

Trước khi từ bỏ vị trí đồng CEO tại Alameda vào tháng 8 năm ngoái, John Samuel Trabucco đã bỏ ra 10 triệu USD tiền mặt để mua bất động sản, và một chiếc du thuyền có tên “Soak My Deck”, theo trang tin Protos.

Trong tháng 3, tòa án quận Manhattan công bố hồ sơ cho thấy Trabucco đã chuyển 2,5 triệu USD từ tài khoản của Alameda cho CLB Du thuyền Mỹ vào tháng 3/2022, với lý do được đưa ra là “vì lợi ích của John Samuel Trabucco”.

Khu nghỉ dưỡng Margaritaville: 600.000 USD

9.png
Logo của khu nghỉ dưỡng Margaritaville (Ảnh: Getty)

Hồ sơ của tòa án hồi đầu tháng 3 cũng cho thấy sàn giao dịch tiền mã hóa này đã chi ra một khoản tiền lớn để mua lại khu nghỉ dưỡng Margaritaville, gấp 10 lần so với cái giá được công khai ban đầu. Khu nghỉ dưỡng ven biển được đặt tên theo một bài hát ăn khách hóa ra đã khiến FTX tốn hết 600.000 USD.

10.png
Bãi biển tuyệt đẹp của Margaritaville (Ảnh: Getty)

Đội ngũ của Margaritaville trước đó nói với Bloomberg rằng công ty này có khoảng 20 khu nhà ở sang trọng dành cho nhân viên, và một chiếc xe buýt sẽ đưa họ tới văn phòng làm việc nằm ở phía bên kia của đảo New Providence.

Chuyên cơ chở hàng: 500.000 USD

11.png
Một chiếc máy bay thuộc hãng hàng không Prime Air (Ảnh: Getty)

Một số cựu nhân viên của FTX tiết lộ với Financial Times rằng sàn giao dịch này ký thỏa thuận với một hãng hàng không chỉ để chở hàng hóa mà họ đặt mua trên Amazon.com từ một kho hàng ở Miami đến Bahamas.

Các lãnh đạo của FTX đã nhận ra rằng tuyến đường bay dài 290 km này là cần thiết, bởi Amazon không thể giao hàng tới Bahamas. Trước đó, năm 2021, FTX đã dời trụ sở chính từ Hong Kong tới Bahamas.

Hiện chưa có thông tin chi tiết về số tiền mà FTX bỏ ra cho chuyên cơ chở hàng, nhưng hồ sơ tòa án cho thấy trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2022, công ty này đã bỏ ra 3,9 triệu USD thuê máy bay, thêm 500.000 USD “bưu phí và giao hàng”.

Đặt đồ ăn trên DoorDash: 400.000 USD

12.png
Ứng dụng gọi đồ ăn DoorDash trên điện thoại thông minh (Ảnh: AP)

Chỉ trong vài tháng, FTX đã bỏ ra khoảng 360.000 USD để đặt đồ ăn trên DoorDash. Hồ sơ tòa án cho thấy có 2 hóa đơn đã được thanh toán trong tháng 5 và tháng 7/2022, thế nhưng công ty giao đồ ăn này vẫn đang đòi Alameda thêm 46.000 USD.

Một số cựu nhân viên nói với Financial Times rằng FTX Mỹ trao cho nhân viên 200 USD mỗi ngày để đặt đồ ăn trên DoorDash. Món ăn sẵn có đắt tiền nhất có thể giao tới văn phòng của FTX ở Berkeley, California là món bò bít tết New York và tôm hùm của nhà hàng Nhật Hana với giá 59 USD. Bởi vậy, trên lý thuyết, mọi nhân viên của công ty này sẽ được thưởng thức 3 bữa ăn sang trọng như vậy mỗi ngày.

Lương, thưởng cho nhân viên điều hành: 3,2 tỉ USD

13.png
Sam Bankman-Fried bước ra khỏi tòa án quận Manhattan ngày 16/2 (Ảnh: AP)

Khoản tiền lớn nhất mà FTX chi ra chính là 3,2 tỉ USD chuyển từ tài khoản của công ty này cho các nhân viên điều hành của FTX và Alameda. Phần lớn trong số đó, 2,2 tỉ USD, được chuyển cho Sam Bankman-Fried.

Một khoản tiền 587 triệu USD khác được chuyển đến tài khoản của Nishad Singh, cựu giám đốc kỹ thuật của FTX, và 246 triệu USD chuyển cho Zixiao “Gary” Wang, người đồng sáng lập công ty. Tiếp đến là 87 triệu USD chuyển cho Ryan Salame, đồng CEO của FTX, 25 triệu USD cho Trabucco và cuối cùng là đồng CEO Caroline Ellison với 6 triệu USD.

Salame và Singh đã quyên góp hàng triệu USD cho các chính trị gia vào thời điểm trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 của Mỹ, nhưng một bản cáo trạng mới được công bố trong tháng trước cho rằng những khoản tiền này thực chất đến từ Bankman-Fried. Do ông chủ của FTX không muốn bị xem là thiên về một đảng nào nên đã chỉ đạo cấp dưới thay vì trực tiếp quyên góp tiền cho các ứng viên hay tổ chức chính trị.

Theo SCMP