Hé lộ âm mưu ám sát hụt Tổng thống Bill Clinton ở Philippines năm 1996

VietTimes – Thời điểm vợ chồng Tổng thống Bill Clinton hạ cánh ở Manila, trời đã tối. Khi chiếc Không lực Một hạ cánh, mật vụ đã chuyển thông tin tình báo về âm mưu đánh bom trên tuyến đường chính dẫn đến khách sạn.

Tổng thống Mỹ Bill Clinton tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Manila, Philippines ngày 24/11/1996 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Bill Clinton tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Manila, Philippines ngày 24/11/1996 (Ảnh: Reuters)

Chiếc Không lực Một (Air Force One) chở Tổng thống Bill Clinton và Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton đang trên đường đến Manila vào ngày 23/11/1996 thì Sở Mật vụ nhận được thông tin tình báo đáng báo động: một thiết bị nổ đã được gài trên tuyến đường vào thủ đô Philippines.

Hành động nhanh chóng, các đặc vụ chuyển sang tuyến đường dự phòng đến khách sạn mà gia đình Clinton lưu lại, ngăn chặn một âm mưu bị tình nghi là của al Qaeda nhằm ám sát Tổng thống Mỹ chỉ vài phút sau khi ông đến tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hàng năm.

Khi đoàn xe Tổng thống Mỹ gặp tắc nghẽn giao thông trên tuyến đường thay thế, các nhân viên an ninh Philippines đã phát hiện và thu giữ một quả bom cực mạnh trên cây cầu mà đoàn xe lẽ ra đã đi qua và một chiếc SUV bị bỏ lại gần đó có chứa súng trường tấn công AK-47, Reuters dẫn lời 4 đặc vụ đã nghỉ hưu kể lại.

Âm mưu ám sát, dường như là một trong những nỗ lực tấn công nước Mỹ sớm nhất của al-Qaeda, đã được đề cập ngắn gọn trong một số cuốn sách xuất bản năm 2010 và 2019.

Sau đó, 8 nhân viên mật vụ đã nghỉ hưu – 7 người trong số họ ở Manila – đã cung cấp cho Reuters bản tường trình chi tiết nhất về âm mưu này.

Theo Reuters, hiện không tìm thấy bằng chứng nào về cuộc điều tra của chính phủ Mỹ về âm mưu ám sát vợ chồng Tổng thống Clinton. Hãng thông tấn này cũng không thể xác định một cách độc lập liệu các cơ quan tình báo có tiến hành các cuộc điều tra mật hay không.

Đối với một số nhân viên mật vụ được Reuters phỏng vấn, các sự kiện ở Manila đã để lại những câu hỏi chưa được giải đáp. “Tôi luôn tự hỏi tại sao tôi không bị giữ lại ở Manila để theo dõi bất kỳ cuộc điều tra nào”, Gregory Glod, người đứng đầu cơ quan tình báo của Sở Mật vụ ở Manila và là 1 trong 7 đặc vụ đầu tiên lên tiếng về vụ việc, cho biết. “Thay vào đó, họ đưa tôi đi chỉ một ngày sau khi vợ chồng Clinton rời đi”.

4 cựu quan chức Mỹ, bao gồm cả Đại sứ Mỹ tại Manila vào thời điểm đó là Thomas Hubbard, đã xác nhận về âm mưu tấn công với Reuters, nhưng cho biết họ cũng không nắm bắt được về bất kỳ cuộc điều tra hoặc hành động tiếp theo nào của Mỹ.

13 năm sau cái chết của Osama bin Laden, al-Qaeda là một thế lực đã suy yếu. Nhưng cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào Israel đã "khơi dậy nỗ lực cực đoan hóa và tuyển mộ những người theo đạo mới trong các cộng đồng Hồi giáo ở châu Âu", một nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc viết trong một báo cáo ngày 29/1, trích dẫn lại một bản nội dung tuyên truyền của al Qaeda ủng hộ Hamas.

2-2666.jpg
Tổng thống Clinton tham gia sự kiện tại Manila, Philippines (Ảnh: Reuters)

Những thông tin tình báo đáng sợ

Ông Glod cho biết cơ quan tình báo Mỹ sau đó đánh giá rằng âm mưu này được các phần tử al-Qaeda và Abu Sayyaf – nhóm Hồi giáo Philippines được nhiều người coi là một nhánh của al-Qaeda – lên kế hoạch theo lệnh của bin Laden. Reuters cho hay họ không thể xác nhận đánh giá này, trong khi CIA từ chối bình luận.

Theo báo cáo của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (Crisis Group) năm 2022, al-Qaeda đang trong tình trạng hỗn loạn, chỉ còn một số ít thủ lĩnh còn sống.

Văn phòng Tổng thống Philippines, Bộ Ngoại giao và Cảnh sát Quốc gia không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

4 trong số các nhân viên mật vụ nói chuyện với Reuters còn tiết lộ rằng Ramzi Yousef - kẻ chủ mưu trong vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới lần đầu tiên năm 1993 và là cháu trai của “kiến ​​trúc sư” vụ khủng bố ngày 11/9 Khalid Sheikh Mohammed, người đã huấn luyện các chiến binh Abu Sayyaf - đã ở Manila vài ngày trước chuyến thăm năm của Tổng thống Bill Clinton vào năm 1994. Yousef hiện đang thụ án chung thân cộng thêm 240 năm tù trong nhà tù liên bang "bất khả xâm phạm" ở Colorado.

Một biên bản ghi nhớ của FBI về cuộc phỏng vấn đầu tiên với Yousef sau khi hắn bị bắt năm 1995 cho thấy kẻ này đã khảo sát các địa điểm ở Manila mà truyền thông đưa tin rằng ông Clinton sẽ đến thăm. Yousef "khai rằng hắn ta cân nhắc về việc đặt một thiết bị nổ ngẫu hứng ở một vị trí dọc theo tuyến đường của đoàn xe," theo biên bản ghi nhớ.

Cuối cùng, Yousef kết luận rằng có quá nhiều biện pháp bảo mật và không đủ thời gian cho một cuộc tấn công. 3 trong số các nhân viên mật vụ cho biết họ tin rằng Yousef đã chuyển sang chuẩn bị cho vụ tấn công năm 1996.

Tuy nhiên, luật sư của Yousef, Bernard Kleinman, nói với Reuters rằng mặc dù ông "có thể hình dung" rằng Yousef đã đến Manila vào năm 1994 để bắt đầu âm mưu tấn công vào năm 1996, nhưng ông vẫn nghi ngờ lời khai này. Ông cho rằng thân chủ của mình là một kẻ khoác lác, và chỉ khai như trên vì muốn "bản thân trở nên vĩ đại hơn".

Thế nhưng, mối đe dọa do al-Qaeda và Yousef gây ra cũng chỉ là một trong những yếu tố đáng lo ngại mà đội an ninh tiền phương của Sở Mật vụ Mỹ phải đối mặt. Philippines vào thời điểm bấy giờ đang phải chiến đấu chống lại sự nổi dậy của các nhóm Hồi giáo. Cảnh sát nước này phát hiện một quả bom tại sân bay Manila và một quả bom khác tại trung tâm hội nghị thượng đỉnh ở vịnh Subic vài ngày trước khi vợ chồng Tổng thống Clinton đến. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo về các mối đe dọa đối với các nhà ngoại giao Mỹ ở Manila chỉ một ngày trước khi vợ chồng Clinton bay đến.

Thiết bị nổ gắn trên cầu

Vào thời điểm vợ chồng Tổng thống Bill Clinton hạ cánh ở Manila, trời đã tối. Khi chiếc Không lực Một hạ cánh, nhân viên mật vụ Daniel Lewis đã chuyển thông tin tình báo cho đội mật vụ tại sân bay về một "thiết bị trên cầu" trên tuyến đường chính đến khách sạn Manila.

Lewis Merletti – người đứng đầu đội bảo vệ Tổng thống và sau này trở thành Giám đốc Sở Mật vụ - kể lại rằng ông cũng quyết định thay đổi tuyến đường đi sau khi nhận được một cuộc gọi cảnh báo nhắc tới một “đám cưới trên cầu”.

Ông Merletti giải thích rằng cụm từ "đám cưới" là "mã khủng bố chỉ một vụ ám sát". Theo kế hoạch trước đó, tuyến đường mà đoàn xe di chuyển phải băng qua 3 cây cầu. "Vậy là chúng tôi đã thay đổi lộ trình", ông nói.

Merletti, Lewis và Glod – lần lượt nghỉ hưu vào năm 1998, 2003 và 2011 – cho biết quả bom trong vụ việc được tìm thấy trên một hộp điện, đặt trên một cây cầu dọc theo tuyến đường ban đầu.

Các nhân viên an ninh Philippines cũng đã phát hiện một chiếc xe ô tô Mitsubishi Pajero màu đỏ bị bỏ lại ở đầu cầu, các đặc vụ cho biết. Họ cho biết nhiều khẩu súng trường tấn công AK-47 được tìm thấy bên trong cho thấy những kẻ tấn công có lẽ đã lên kế hoạch chặn cầu bằng chiếc xe và sau đó nổ súng.

Sáng hôm sau, Glod và Merletti cho biết họ đã được một quan chức tình báo Mỹ tại Đại sứ quán thông báo tóm tắt về âm mưu này và cho xem những bức ảnh về thiết bị nổ. Nó bao gồm những quả lựu đạn RPG xuyên giáp đặt trên một chiếc hộp chứa thuốc nổ TNT. Khối này được nối với một chiếc điện thoại Nokia, hoạt động như ngòi nổ.

Theo Reuters