Lo sợ con mắc bệnh
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sáng 16/3 chật kín bệnh nhân. Từ sáng sớm, nhiều phụ huynh đã có mặt ở đây để làm thủ tục xét nghiệm cho con. Theo thống kê của Bệnh viện, chỉ trong 3 tiếng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 600 trẻ.
Hàng trăm trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để khám vào sáng 16/3
|
Chia sẻ với phóng viên VietTimes, anh Phạm Hồng Th. (35 tuổi) cho biết, nhiều gia đình hẹn nhau cùng đi xe máy đến Hà Nội, dự kiến sẽ tới Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Song, từ rất sớm, đã thấy có nhiều phụ huynh đứng chờ sẵn ở đây. Vì vậy, mọi người lại cùng nhau đi tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. “Loanh quanh đi mất một vòng thành phố Hà Nội cũng chỉ mong muốn sớm có kết quả, để biết chắc rằng con có mắc bệnh hay không” – Anh T. nói.
Còn chị Nguyễn Thanh H. có con gái 5 tuổi, đang học tại trường Mầm non Đại Đồng Thành số 1 thì tâm sự: “Nhiều nơi ở huyện em lấy thực phẩm của Công ty Hương Thành, thế mà riêng ở xã Thanh Khương đã có mấy trẻ nhiễm sán rồi. Thấy nhiều cháu như thế, em sốt ruột lắm. Hiện cháu chưa có biểu hiện gì lạ, nhưng em chỉ sợ là bây giờ chưa biết được, nhưng một hai năm sau mới phát bệnh, lúc đó sợ chữa rất khó, nên phải cho con đi khám”.
Chờ đợi dưới tầng 1 của Bệnh viện, gương mặt các phụ huynh đều căng thẳng, lo âu. Cầm trên tay tờ giấy hẹn trả kết quả, ông Hoàng Văn T. (65 tuổi) thở dài: “Bác sĩ hẹn chúng tôi thứ 2 mới có kết quả, khuyên gia đình cứ về rồi sẽ được thông báo. Dù bác sĩ đã giải thích rồi, nhưng tôi vẫn cứ thấy lo lo”.
Phụ huynh tới đăng ký xét nghiệm cho con chật ních cả phòng hội trường của bệnh viện
|
Trách nhiệm thuộc về ai?
Được biết, tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cũng có hàng trăm trẻ tới khám và điều trị. Ước tính, con số này đã lên tới gần 800 cháu. Bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng, phải huy động toàn bộ lực lượng để tiếp đón người bệnh.
Ông Nguyễn Quang Thiều - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết: “Ngay từ sáng nay, số lượng bệnh nhân đã tới đông. Tuy là thứ bảy nhưng Bệnh viện đã huy động các y bác sĩ tại các phòng khám, các máy xét nghiệm làm việc liên tục từ sớm. Ngoài ra, Bệnh viện còn căng thêm bạt ngoài sân và tăng cường ghế ngồi để phục vụ người dân tới khám”.
Tuy số lượng trẻ tới khám rất đông, song bác sĩ Vũ Minh Điền (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, đây không phải là một vụ dịch, vì các chuyên gia chưa đủ căn cứ để kết luận nguồn lây bệnh cho trẻ, nhiễm tại chỗ hay nhiễm đã lâu,…
Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm cho các bé
|
Trước tình trạng trên, nhiều người đặt ra câu hỏi “để cho hàng loạt cháu bé bị nhiễm sán như vậy, trách nhiệm thuộc về ai?”. Tuy hiện nay các bác sĩ cho biết chưa thể kết luận nguyên nhân trẻ mắc sán, song các phụ huynh đều lo sợ và cho rằng trẻ đã ăn phải thịt bẩn nên nhiễm ký sinh trùng. Vì thế, người dân đang chờ đợi động thái của ngành Giáo dục- Đào tạo tỉnh Bắc Ninh trước vấn đề nghiêm trọng này.
Một phụ huynh bức xúc: “Nhà trường và cơ quan quản lý phải có trách nhiệm với tất cả các cháu, ít nhất là phải có sự giải thích thỏa đáng. Để hàng chục cháu mắc bệnh là không thể chấp nhận được. Đặc biệt, thừa biết là thực phẩm mất an toàn như thế, mà vẫn cho các cháu ăn, là tội ác với trẻ! Đề nghị các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm vụ việc này!"