Hải quân 5 nước này gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Ấn Độ. Nhân tố quan trọng nhất của hải quân các nước này chính là tàu sân bay và tàu ngầm lắp tên lửa đạn đạo.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tào Vệ Đông cho rằng, trong tương lai, Hải quân Trung Quốc sẽ trang bị tàu sân bay, theo đó, số lượng tàu khu trục cũng sẽ tăng lên tương ứng. Đây là nhu cầu của tác chiến hệ thống.
Trung Quốc hiện sở hữu 4 loại tàu chiến chủ yếu: tàu khu trục tên lửa Type 052D, tàu hộ vệ tên lửa Type 054A, tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 và tàu đổ bộ Type 071. Những tàu này đã được thiết kế hoàn thiện, đều có thể sản xuất quy mô lớn, sẽ là những chủ thể của hạm đội Hải quân Trung Quốc.
Đến năm 2030, Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu 4 tàu sân bay, 99 tàu ngầm, 102 tàu khu trục và tàu hộ vệ, 26 tàu hộ vệ hạng nhẹ, 73 tàu đổ bộ và 111 tàu tên lửa, tổng cộng là 415 tàu chiến – về số lượng đứng hàng đầu thế giới.
Nhưng, ngoài tàu sân bay thứ hai đang chế tạo, Chính phủ Trung Quốc chưa hề công bố kế hoạch chế tạo tàu sân bay thứ ba và tàu sân bay thứ tư.
Trong khi đó, Mỹ vẫn chiếm ưu thế về trọng tải tàu chiến. Đến năm 2030, kế hoạch đóng tàu 30 năm của Hải quân Mỹ sẽ hoàn thành một nửa, 3 tàu sân bay lớp Ford được chế tạo xong và bắt đầu thay thế cho các tàu sân bay lớp Nimitz hiện có.
Ngoài ra, tàu ngầm hạt nhân thế hệ tiếp theo của Quân đội Mỹ có thể sẽ thay thế tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio vào khoảng năm 2031; 3 tàu khu trục lớp Zumwalt sẽ bắt đầu hoạt động; hơn nữa Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục chế tạo 33 tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Tàu tuần duyên thế hệ tiếp theo cũng sẽ đưa vào sản xuất vào năm 2030.
Căn cứ vào kế hoạch hiện có, đến giai đoạn 2019 - 2034, Hải quân Mỹ sẽ đạt mục tiêu sở hữu 300 tàu chiến, nhưng sau đó, số lượng tàu chiến mặt nước sẽ bắt đầu giảm đi.
Có phân tích cho rằng sự phát triển của tàu chiến mặt nước Hải quân Trung Quốc mở đường cho sự xuất hiện của nhiều tàu sân bay hơn. Tào Vệ Đông cho rằng nếu Trung Quốc chế tạo nhiều tàu sân bay hơn trong tương lai, khi chúng ra khơi chắc chắn cần có tàu khu trục, tàu hộ vệ và tàu ngầm hộ tống.
Do Trung Quốc không có tàu tuần dương, vì vậy cần tới tàu khu trục cỡ lớn phát huy vai trò tương tự tàu tuần dương Mỹ.
Trung Quốc muốn chế tạo nhiều tàu khu trục tên lửa cỡ lớn để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ như phòng không, chống hạm, săn ngầm trong cụm chiến đấu tàu sân bay tương lai.
Vì vậy, cùng với việc biên chế tàu sân bay, số lượng tàu khu trục cũng tăng lên tương ứng. Đây là nhu cầu của tác chiến hệ thống.