Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng năm 2023 với Chủ đề “Kiến tạo dữ liệu số - Nền tảng phát triển kinh tế xã hội”, do UBND TP. Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức.
Nhắc tới Kế hoạch về chuyển đổi số năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường thông tin, có tổng số 75 nhiệm vụ giao cho 28 đơn vị thực hiện, tổng kinh phí thường xuyên dự kiến thực hiện gần 400 tỉ đồng. Các nhiệm vụ được giao tập trung vào việc số hóa, phát triển dữ liệu chuyên ngành hỗ trợ trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính; tiến tới xây dựng kho dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở.
Thực tế triển khai, Hải Phòng cũng là địa phương đi đầu cả nước thực hiện thành công một số lĩnh vực Chính phủ lựa chọn thành phố triển khai thí điểm như xây dựng dữ liệu dân cư, hóa đơn điện tử, cấp đổi giấy phép lái xe. 100% các bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý và liên thông dữ liệu với bảo hiểm xã hội. Hơn 2,6 triệu dữ liệu hộ tịch đã hoàn thành, đạt 90%. Thương mại điện tử đã kết nối được 250 mã sản phẩm nông sản, 179 sản phẩm OCOP.
Về chuyển đổi số cảng biển, logistic, Hải Phòng đang trong quá trình thử nghiệm liên thông dữ liệu giữa cảng vụ, hải quan và các doanh nghiệp.
Cùng với đó, ông Cường khẳng định, với sự quyết tâm của thành phố và sở, ngành, địa phương, năm 2023, TP. Hải Phòng đạt được nhiều kết quả quan trọng trong chuyển đổi số. Trong đó, 100% văn bản chỉ đạo điều hành được ký số, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 90%.
Đặc biệt, việc số hoá dữ liệu đã tạo ra sự khác biệt, thành phố được đánh giá là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thành công giải pháp quản lý đất đai, triển khai cấp giấy phép lái xe trực tuyến cấp độ 4. Hải Phòng là nơi nêu ra giải pháp duy nhất trên toàn quốc có thể kết nối liên thông kết quả khám chữa bệnh tại các bệnh viện với hệ thống phần mềm của Sở GTVT.
Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường nêu rõ, Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong chuyển đổi số, đến nay 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức 4 (hơn 1.700 dịch vụ). Trong năm 2023 xử lý hơn 956.000 hồ sơ trực truyến, chiếm 90,7% tổng số hồ sơ, tăng rất nhanh chóng từ 20% năm 2021, 60,2% năm 2022; tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm đến 50%; tỷ trọng gia tăng kinh tế số ICT ước đạt 24,5% của GRDP, đứng thứ 4/63 tỉnh.
Mục tiêu trong năm 2024 và 2025, Hải Phòng sẽ tập trung vào triển khai các giải pháp phân tích giúp tối ưu nguồn lực, hỗ trợ quản trị điều hành, có thêm các giải pháp, mô hình dịch vụ giá trị gia tăng mới, tạo ra các không gian phát triển kinh tế mới dựa trên dữ liệu.
Từ đó, Hải Phòng có thể xây dựng chiến lược chuyển đổi số đến năm 2030, hình thành mô hình chuyển đổi số cấp huyện, phát triển nền tảng chính quyền số, đô thị thông minh.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam – VINASA Nguyễn Văn Khoa cho biết, Hải Phòng có vị thế đặc biệt quan trọng trong vùng kinh tế Bắc bộ. Chuyển đổi số không chỉ tạo ra sự phát triển cho mình Hải Phòng mà còn là động lực, là sợ dây liên kết kéo theo sự phát triển của cả vùng kinh tế Bắc bộ.
Theo ông Khoa, để có thể phát huy tối đa những dư địa phát triển lớn, Hải Phòng cần những hạ tầng mới - chính là hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu số, cần những nền tảng mới – nền tảng chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực – đặc biệt là các lĩnh vực trọng điểm: Cảng biển – logistic, du lịch, thương mại…
Cùng với đó, Hải Phòng cần những dịch vụ, giải pháp công nghệ số mới trong quản trị, điều hành cũng như phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
"Hải Phòng có vị thế đặc biệt quan trọng trong vùng kinh tế Bắc bộ. Chuyển đổi số không chỉ tạo ra sự phát triển cho mình Hải Phòng, mà còn là động lực, là sợi dây liên kết kéo theo sự phát triển của cả vùng kinh tế. Vì vậy, nhiệm vụ này còn nặng nền hơn nhiều lần" - Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa nêu quan điểm.