Dữ liệu mới được Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố cho biết, năm 2020, CTCP Đường Man (Đường Man) lỗ sau thuế 51,5 tỉ đồng. Năm 2021, công ty này tiếp tục báo lỗ 92 tỉ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế hai năm lên mức 143,5 tỉ đồng.
Có thể hiểu về nguyên nhân thua lỗ khi năm 2020 và 2021 là cao điểm của đại dịch Covid-19 ở Việt Nam, gây nên sự đứt gãy kinh tế nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hai năm này đã bào mòn mạnh vốn chủ sở hữu của Đường Man. Theo đó, tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Đường Man đạt 1.490,9 tỉ đồng, song vốn chủ sở hữu đã giảm mạnh từ mức 209,7 tỉ đồng hồi cuối năm 2020 xuống còn 158,2 tỉ đồng.
Hiện tại, Đường Man có một lô trái phiếu đang lưu hành với giá trị 200 tỉ đồng, đáo hạn vào ngày 20/11/2024. Trong năm 2021, công ty này đã chi gần 5,5 tỉ đồng trả lãi trái phiếu và tiền phạt trả chậm do "chưa thu xếp đủ nguồn thanh toán tại ngày thanh toán theo kế hoạch".
Cơ nghiệp của đại gia Đường 'bia'
Như VietTimes từng đề cập, Đường Man là đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Hòa Bình của ông Nguyễn Hữu Đường (được biết đến rộng rãi với biệt danh Đường 'bia').
Công ty này được thành lập vào tháng 2/2002 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2004 với nhà máy sản xuất malt bia (hạt lúa mạch nảy mầm để chế biến rượu, bia) công suất 45.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Tiên Sơn - Bắc Ninh.
Tính đến tháng 11/2014, Đường Man có vốn điều lệ 277,5 tỉ đồng, trong đó ông Nguyễn Hữu Đường (Đường "bia") góp 244,2 tỉ đồng, sở hữu tới 88% vốn điều lệ.
Sinh năm 1954, ông Nguyễn Hữu Đường là Chủ tịch của Công ty TNHH Hòa Bình (Hoà Bình Group) - tập đoàn ghi dấu loạt công trình dát vàng như Khách sạn Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake, tòa Tháp quốc tế Hòa Bình, Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng.
Tính đến tháng 4/2021, Hòa Bình Group có vốn điều lệ 1.100 tỉ đồng, trong đó, ông Nguyễn Hữu Đường góp 524,48 tỉ đồng, sở hữu 47,68% vốn điều lệ. Tới tháng 10/2022, quy mô vốn điều lệ của Hòa Bình Group được điều chỉnh còn 600 tỉ đồng.
Tháng 4/2022, ông Nguyễn Hữu Đường bất ngờ tuyên bố Hòa Bình Group sẽ chỉ tập trung đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với mục tiêu khởi công 10.000 căn ngay trong năm 2022.
Ngày 2/6/2023, UBND TP.Hà Nội đã chấp thuận cho Hoà Bình Group và Công ty Đầu tư kinh doanh bất động sản và thương mại Vĩnh Hưng - đều thuộc sở hữu của ông Đường 'bia' - làm chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng tại số 4, 6, 8 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai.
Dự án này có quy mô khoảng 4.516 m2, tổng vốn đầu tư 1.183,4 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện dự án sẽ kéo dài từ quý 2/2023 đến quý 4/2025.
Trước đó, hồi tháng 10/2022, Hòa Bình Group đã đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội thuộc quy hoạch tổng mặt bằng khu thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp Đồng Văn II (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) có tổng vốn đầu tư dự kiến 620 tỉ đồng.
Tại Hải Phòng, Hòa Bình Group cũng góp mặt trong danh sách 3 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên với tổng chi phí thực hiện hơn 4.865 tỉ đồng.
Hiện nay, đại gia Đường 'bia' còn đứng tên tại một số pháp nhân khác như CTCP Đầu tư và Xây dựng nhà ở xã hội Hòa Bình (Hòa Bình Social House), CTCP Hồ Vàng Hà Nội (Hồ Vàng Hà Nội).
Thành lập vào tháng 2/2022, Hòa Bình Social House có quy mô vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, trong đó ông Nguyễn Hữu Đường góp 700 tỉ đồng, sở hữu 70% vốn điều lệ.
Trong khi đó, Hồ Vàng Hà Nội được thành lập vào tháng 10/2022, quy mô vốn điều lệ 500 tỉ đồng, trong đó ông Nguyễn Hữu Đường và bà Vũ Thị Tuyết Nhung là hai cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 47,68% và 44,82% vốn điều lệ./.