Đối với một tập đoàn sở hữu nhiều công ty thành viên như HAGL, việc có phát sinh phần lợi ích không thuộc quyền sở hữu của công ty mẹ (hay còn được biết đến là lợi ích của cổ đông thiểu số - “minority interest”; và nay phổ biến hơn với thuật ngữ cổ đông không kiểm soát - “non-controlled interest”) là thực tế khách quan.
Cơ sở hợp nhất báo cáo tài chính của HAG cho biết, lợi ích của cổ đông không kiểm soát là phần lợi ích trong lãi hoặc lỗ và trong tài sản thuần của công ty con không được nắm giữ bởi tập đoàn và được trình bày riêng biệt trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất giữa niên độ và được trình bày thành một chỉ tiêu riêng biệt thuộc phần vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán hợp nhất giữa niên độ.
Còn theo một cách hiểu đơn giản hơn, khoản mục này nhằm giúp phân biệt rõ lợi ích của các cổ đông không kiểm soát tại công ty con trong tổng thể lợi ích chung của cả nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ, khi hợp nhất báo cáo tài chính.
Tại ngày 30/9/2019, HAG ghi nhận có 6 công ty con trực tiếp và 20 công ty con sở hữu gián tiếp. Tuy nhiên, có tới 14 công ty con được hợp nhất trong báo cáo tài chính có tỷ lệ sở hữu của HAG chưa tới 50% vốn điều lệ. Đáng chú ý, tất cả trong số đó là những công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều công ty con được HAGL hợp nhất trên BCTC Quý 3/2019 dù tỷ lệ sở hữu chưa tới 50% vốn
|
Nổi bật hơn cả là trường hợp của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã CK: HNG) với tỷ lệ sở hữu của HAG chỉ ở mức 49,07% vốn nhưng vẫn được coi là công ty con của tập đoàn này.
Ngày 20/8/2019, HAG đã có công bố thông tin giải thích rõ về vấn đề này và cho biết tập đoàn đang nắm quyền kiểm soát với HNG do “ông Đoàn Nguyên Đức vẫn đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của HAGL Agrico và số lượng thành viên trong HĐQT của HAGL Agrico đại diện cho công ty vẫn chiếm đa số (4 thành viên trên 7 thành viên).
Dẫn chứng điều 9 của Chuẩn mực kế toán số 25 và Điều 189 Luật doanh nghiệp 2014, HAG khẳng định về mặt pháp luật HNG vẫn là công ty con của tập đoàn và vẫn được hợp nhất vào báo cáo tài chính.
Trong Quý 3/2019, HNG báo lỗ sau thuế của công ty mẹ lên tới 981,1 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến mức lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 của HNG được nâng lên mức 1.725 tỷ đồng.
Theo giải trình của HNG, nguồn doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ giảm tới 458 tỷ đồng so với Quý 3/2018.
Nguyên nhân giảm là do thiệt hại ngập lụt hơn 1.200 ha chuối đang trong giai đoạn thu hoạch tại Là. Bên cạnh đó, công ty này không ghi nhận doanh thu đối với thanh long, ớt, bò thịt và bất động sản. Nguồn thu còn sụt giảm do không hợp nhất từ nhóm Công ty Đông Dương, Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên. Mặt khác, HNG còn ghi nhận khoản lỗ khác lên tới 832 tỷ đồng trong Quý 3/2019 do đánh giá lại các tài sản không hiệu quả.
Quay trở lại với HAG, trong báo cáo tổng hợp giữa niên độ Quý 3/2019, công ty này báo lỗ sau thuế trong kỳ đạt 367,4 tỷ đồng, nâng tổng mức lỗ lũy kế sau 9 tháng lên mức 646,2 tỷ đồng./.