Habeco đã xử lý sao với các ý kiến của kiểm toán?

VietTimes -- Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco; Mã chứng khoán: BHN) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM về việc giải trình liên quan đến Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2017.
Habeco xử lý sao với các ý kiến của kiểm toán? (Ảnh: Internet)
Habeco xử lý sao với các ý kiến của kiểm toán? (Ảnh: Internet)

Theo Habeco, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo Kiểm toán Nhà nước ngày 6/2/2018 về việc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Habeco, Hội đồng quản trị (HĐQT) Sabeco đã thông qua việc thực hiện điều chỉnh hồi tố năm 2016 theo đúng kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại các Nghị quyết số 06/NQ-HĐQT-Habeco ngày 9/3/2018, số 08/NQ-HĐQT-Habeco ngày 27/3/2018.

Trong đó đã thực hiện điều chỉnh số dư đầu năm trên Báo cáo tài chính riêng năm 2017 với các nội dung sau:

(1) Hoàn nhập Quỹ đầu tư phát triển để chia cổ tức cho cổ đông số tiền 1.533 tỷ đồng.

(2) Tăng Doanh thu hoạt động tài chính, tăng lợi nhuận trước thuế, tăng lợi nhuận sau thuế trên Bảng kết quả kinh doanh riêng năm trước (năm 2016); Tăng phải thu khác, tăng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Bảng cân đối kế toán riêng đầu năm từ nguồn cổ tức được chia từ các công ty thành viên, số tiền 168,6 tỷ đồng (chi tiết: CTCP Bia Hà Nội – Hải Dương: 45 tỷ đồng; CTCP Bia Thanh Hóa: 32,9 tỷ đồng; CTCP Cồn Rượu Hà Nội: 90,7 tỷ đồng) do hoàn nhập Quỹ đầu tư phát triển để chia cổ tức theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại các công ty thành viên. Đồng thời điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tăng phải trả cho cổ đông trên Bảng cân đối kế toán riêng đầu năm số tiền 168 tỷ đồng.

“Tổng hai khoản phải trả cho cổ đông trên là 1.701 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông nên nội dung này chưa được Đại hội đồng cổ đông của Habeco thông qua”, phía Habeco cho biết.

Ngoài ra, theo Habeco, khoản hoàn nhập Quỹ đầu tư phát triển để chia cổ tức theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại các công ty thành viên đến thời điểm lập báo cáo tài chính riêng mới chỉ có Đại hội đồng cổ đông của Công ty Cổ phần Bia Hà Nội – Hải Dương thông qua phương án phân chia cổ tức từ việc hoàn nhập Quỹ đầu tư phát triển (45tỷ đồng). Hai đơn vị còn lại là Công ty Cổ phần Bia Thanh Hóa và Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (123,6 tỷ đồng) chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông nên chưa thông qua các kiến nghị trên. Các nội dung này kiểm toán đã nêu ở đoạn nhấn mạnh.

Riêng đối với Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội, đến thời điểm lập báo cáo, Habeco chưa nhận được các quyết định của công ty này về việc thực hiện kiến nghị về hoàn nhập Quỹ đầu tư phát triển để chia cổ tức cho cổ đông, số tiền là 90,7 tỷ đồng.

Do vậy, trong trường hợp Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội không thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước thì khoản mục doanh thu hoạt động tài chính, lợi nhuận kế toán trước thuế, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng năm 2016 và các khoản mục phải thu ngắn hạn khác, phải trả ngắn hạn khác (là khoản cổ tức phải trả cổ đông liên quan đến phân phối lợi nhuận từ khoản cổ tức nêu trên) trên bảng cân đối kế toán riêng đầu năm và cuối năm sẽ giảm tương ứng như kiểm toán viên đã nêu ở phần Ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Đối với Vấn đề cần nhấn mạnh tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, Habeco đã thực hiện điều chỉnh số dư đầu năm trên BCTC hợp nhất năm 2017 với nội dung: tăng khoản phải trả cho các cổ đông số tiền 1.701,7 tỷ đồng, giảm nguồn Quỹ đầu tư phát triển hợp nhất lũy kế đến 31/12/2016 của Công ty mẹ và các công ty con là 1.611 tỷ đồng và giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 90,7 tỷ đồng.

“Tuy nhiên do chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông nên nội dung này chưa được Đại hội đồng cổ đông Habeco thông qua”, văn bản nêu.

Nên biết rằng, về hình thức, Habeco là công ty cổ phần. Tuy nhiên, cơ cấu sở hữu của tổng công ty này rất cô đặc, chủ yếu thuộc hai cổ đông: Bộ Công thương (81,79%) và Carlsberg Breweries A/S (17,34%).

Với cơ cấu sở hữu như vậy, việc Đại hội đồng cổ đông ở Habeco chỉ có nhiều ý nghĩa về mặt hình thức. Cái “gật đầu” của Bộ Công thương hay nói cách khác là Nhà nước sẽ vẫn xác quyết hầu như mọi vấn đề của “ông lớn” ngành bia phía Bắc này.

 

Sau khi kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và các đơn vị thành viên, Kiểm toán Nhà nước xác định, doanh thu bán hàng năm 2016 của Công ty mẹ Habeco đạt gần 7.676 tỷ đồng, tăng 12,3% (tương đương 844 tỷ đồng) so với năm 2015, trong đó doanh thu từ việc bán 525,9 triệu lít bia là 6.629 tỷ đồng, doanh thu từ bán vật tư, nguyên liệu là 1.037 tỷ đồng, doanh thu từ kinh doanh khác hơn 9,5 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những bất cập, sai sót trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại Tổng công ty này.

Chẳng hạn, Habeco đã không thực hiện mua nguyên vật liệu chính thông qua đấu thầu mà thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho lô hàng trên 5 tỷ đồng. Điều này vi phạm Quyết định số 173 do chính Habeco đặt ra ngày 1/4/2016 là việc mua sắm nguyên vật liệu phải "vận dụng các quy định của pháp luật về đấu thầu trong mua sắm hàng hóa dịch vụ".

Hay, Habeco đã không tổ chức đấu thầu mua nguyên liệu Malt, chỉ chào hàng hạn chế, sau đó chọn giá chào thấp nhất để làm giá mua, số lượng mua không dành toàn bộ cho nhà cung cấp có giá thấp nhất mà phân bổ cho nhiều nhà cung cấp theo giá thấp nhất. Điều này là hạn chế tính cạnh tranh và tiềm ẩn nhiều rủi ro thông đồng giữa các nhà cung cấp.

Trên cơ sở chỉ ra những thiếu sót, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Habeco phải nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Habeco phải nộp tăng thêm 1.847 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, sau khi đã được giảm trừ các khoản phải thu gần 5,8 tỷ đồng.

Trong đó bao gồm tăng nộp thuế giá trị gia tăng gần 4,5 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 441 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 9 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân 381 triệu đồng và các khoản phải nộp khác gần 1.392 tỷ đồng./.