Theo đại diện Công ty cho biết, đây là loại chế phẩm được thiết kế đặc biệt theo đơn đặt hàng độc quyền của UBND TP Hà Nội. Ưu điểm của loại chế phẩm này là dễ sử dụng, công nhân chỉ cần một lần phun Redoxy-3C lên mặt hồ, sau 48 giờ là cho kết quả.
Hà Nội đang áp dụng chế phẩm này với trên 80 hồ nội thành, bước đầu cho kết quả khả quan. Mùi hôi tanh không còn, màu nước hồ ngày càng trong, chỉ tiêu oxy hoà tan tăng từ 2-3mg/l lên 8-9mg/l. Các chỉ tiêu vi sinh vật, chất thải rắn rắn lơ lửng trong nước... đều giảm và đạt chuẩn cho phép.
Quan trắc thành phần và mật độ thực vật, động vật nổi, nhóm nghiên cứu nhận thấy chế phẩm về cơ bản không ảnh hưởng thành phần các loài thực vật nổi, chỉ giảm mật độ thực vật nổi, hạn chế tình trạng phú dưỡng.
Ông Phan Hoài Minh, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: "Trước khi thử nghiệm trên các hồ, tổ công tác đã lấy mẫu nước Hồ Tây, Hồ Gươm và Ba Mẫu thử nghiệm trong téc tại trụ sở UBND thành phố, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Hà Nội và nhà khoa học, kết quả rất khả quan".
Khi Hồ Tây xảy ra sự cố cá chết hàng loạt, dưới chỉ đạo của UBND TP, một lượng chế phẩm đã được sục xuống cùng hệ thống máy sục khí, bước đầu lượng oxy trong Hồ Tây tăng cao. Tuy nhiên, cần phân tích và có phương án cụ thể hơn trước khi áp dụng với diện tích mặt nước lớn như Hồ Tây, ông Minh cho biết.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, hiện nay trong số 120 hồ nội thành, có 112 hồ ô nhiễm; 150 hồ ngoại thành, có 140 hồ cũng thuộc diện cần phải xử lý. Các hồ nước ô nhiễm đều có nước màu xanh, mật độ tảo dày và nước có mùi tanh, thối.
Dự kiến, đến hết quý IV-2016 công ty sẽ tiếp tục dùng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý nước hồ tại khu vực ngoại thành Hà Nội. Trước mắt, sẽ xử lý hồ thuộc địa bàn: Gia Lâm, thị xã Sơn Tây, Chương Mỹ, Thanh Oai.