Thông tin trên được Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đưa ra tại Hội nghị đánh giá chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi và triển khai công tác phòng chống dịch sởi, sốt xuất huyết trên địa bàn sáng 12/3.
Toàn cảnh buổi hội nghị
|
Trong số 412 ca mắc sởi, có có 108 bệnh nhân là trẻ dưới 9 tháng tuổi, 34 trường hợp là trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, 74 trường hợp trẻ từ 1 đến 5 tuổi, 87 trường hợp từ 6 đến 15 tuổi, trên 15 tuổi là 109 trường hợp.
Còn bệnh sốt xuất huyết, trong 2 tháng đầu năm, Hà Nội xuất hiện 15 ổ dịch rải rác tại 11 quận huyện, các ổ dịch chỉ có một bệnh nhân.
Theo bà Đặng Thị Kim Hạnh - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tỷ lệ mắc sởi gia tăng ở nhóm chưa đủ tuổi tiêm chủng và ngoài đối tượng tiêm chủng mở rộng (TCMR). Bên cạnh đó, khảo sát trên 412 bệnh nhân mắc sởi đầu năm 2019, tới 92% số bệnh nhân chưa tiêm chủng; chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc tiền sử tiêm chủng vaccine sởi không rõ ràng. Trong đó, 40 – 50% trẻ chưa tiêm chủng do ốm, 50% người lớn chưa tiêm.
Bà Hạnh cho biết, trong thời gian tới, do thời tiết chuyển mùa thuận lợi cho virus phát triển và tình trạng nhiều người dân không tin tưởng vaccine TCMR nên không cho trẻ tiêm phòng, các bệnh sốt xuất huyết, tay – chân – miệng, cúm,… và bệnh có vaccine như sởi, ho gà sẽ có khả năng tiếp tục gia tăng. Đồng thời, do đặc thù Hà Nội là nơi giao thương, đón tiếp nhiều khách du lịch, nên các dịch bệnh mới nổi, tái nổi như Ebola, Mers – CoV có thể xâm nhập bất cứ lúc nào.
Trên toàn quốc, hiện đã có 7.727 ca mắc sởi tại các tỉnh thành, chưa ghi nhận trường hợp tử vong do sởi; 35.069 trường hợp mắc sốt xuất huyết (2 ca tử vong tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang), tăng 3,8 lần so với cùng kỳ 2018.