Hà Nội: Hơn 10 năm mới cải tạo được 1% chung cư cũ

VietTimes -- Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thủ đô có 1.273 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô 2-5 tầng được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990. Đến nay mới có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đa số các nhà chung cư cũ đều hết niên hạn sử dụng và phân bố chủ yếu ở 4 quận nội đô. Cụ thể, quận Ba Đình có 214 nhà, quận Hoàn Kiếm có 99 nhà, quận Đống Đa có 415 nhà, quận Hai Bà Trưng có 244 nhà.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, quá trình sử dụng, các hộ dân đã tự cơi nới gây mất mỹ quan đô thị, nhiều nhà xuống cấp nghiêm trọng, một số nhà hư hỏng nặng, nguy hiểm.

Từ năm 2003, UBND TP. Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền quy hoạch lại 26 khu chung cư tập trung, 67 nhà chung cư độc lập.

Tuy nhiên, đến nay mới có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng. Có 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại, nhiều người dân chưa ủng hộ việc cải tạo.

Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất 6 cơ chế chính sách khung cải tạo chung cư cũ trong đó có chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư:

Hoàn trả diện tích căn hộ tái định cư với hệ số  k=1; Trường hợp diện tích căn hộ tái định cư tại chỗ lớn hơn thì chủ sở hữu phải trả tiền mua diện tích tăng thêm cho nhà đầu tư với giá thành xây lắp cộng 10% lợi nhuận định mức cho nhà đầu tư.

Những hộ tại tầng 1 đang kinh doanh được bố trí thuê 1 ki ốt để kinh doanh khi dự án cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư hoàn thành, đối với nhà thấp tầng giá trị bồi thường theo thực tế diện tích sử dụng hợp pháp.

Trường hợp nếu di chuyển ra ngoài vành đai 3 thì được ưu tiên mua căn hộ với hệ số k = 2 tại dự án nhà ở thương mại do doanh nghiệp thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư làm chủ đầu tư.

Được biết, hiện nay Thành phố đã giao cho 18 nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, lập quy hoạch 26 khu chung cư thành những khu đô thị đa chức năng. Tùy khu vực sẽ có cơ chế hỗ trợ, đối ứng đi kèm đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam:

Để cải tạo chung cư cũ cần linh động cho phép tăng số tầng của dự án. Ngoài ra, để bù đắp chi phí tài chính cho chủ đầu tư tại các dự án cải tạo chung cư cũ có thể quy hoạch thành dự án trung, cao cấp.

Bên cạnh đó, với chung cư hết niên hạn thì cần đưa vào cải tạo ngay chứ không cần kiểm định. Cơ quan chức năng cần quy hoạch tổng thể khu nào làm trước, khu nào làm sau. Để tạo sự đồng bộ về cảnh quan, với những tòa chưa đến hạn sử dụng nhưng đã xuống cấp thì cũng phải tính tới yếu tố quy hoạch để làm mới lại cho hiện đại.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội: Cải tạo chung cư cũ cần phải được lập quy hoạch cho toàn khu chung cư cứ không nên làm từng nhà riêng lẻ. Ngoài ra, quy hoạch này cũng phải tôn trọng quy hoạch chung của thành phố với các tiêu chí cần đảm bảo là mật độ dân số, không gian và hệ số sử dụng đất.