Chính sách này không chỉ tạo ra bước đột phá mới mà còn đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng vững chắc đội ngũ cán bộ nguồn của thành phố trong tương lai.
1.000 công chức nguồn sẵn sàng về xã, phường
Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã ký liên tiếp 2 quyết định về việc “công nhận kết quả thi tốt nghiệp kết hợp thi tuyển công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn” và “phân công công tác đối với công chức nguồn làm việc tại UBND các xã, phường, thị trấn” thuộc thành phố năm 2015.
Theo đó, có 245 công chức nguồn là những người đã vượt qua chương trình đào tạo của thành phố, được thành phố phân công về làm việc tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn trong đợt này. Những công chức này đều có độ tuổi còn rất trẻ, nhiều trường hợp vừa tốt nghiệp đại học nhưng cũng có nhiều trường hợp đã có bằng thạc sĩ. Số công chức nguồn này khi về các xã/ phường/ thị trấn nhận nhiệm vụ sẽ được phân công vào 5 chức danh gồm: văn phòng - thống kê, tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng, văn hóa - xã hội và tài chính - kế toán.
Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ ngày 19-1, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, 245 công chức nguồn vừa được tuyển dụng, phân công nhiệm vụ nói trên là những học viên khóa 2 được đào tạo theo Đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn làm việc tại xã/ phường/ thị trấn của Hà Nội giai đoạn 2012-2015. Trước đó vào tháng 5-2015, 235 học viên khóa đầu tiên đã được thành phố quyết định tuyển dụng, phân công về xã, phường công tác.
Tính đến nay, thành phố đã tuyển chọn, tổ chức đào tạo được 8 lớp công chức nguồn với 724 học viên và tới đây sẽ tiếp tục tổ chức thí điểm đào tạo 276 học viên công chức nguồn nữa, nhằm tuyển dụng đủ 1.000 công chức nguồn theo mục tiêu đề án đã đặt ra.
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, các học viên sau khi tốt nghiệp khóa học và được tuyển dụng sẽ được thành phố phân công, trong đó ưu tiên phân bổ về nhận nhiệm vụ tại các xã/ phường/ thị trấn vùng sâu, vùng xa, thời gian công tác tại cơ sở ít nhất là 5 năm. Cũng trong thời gian công tác này, tùy theo năng lực và khả năng được đánh giá, có thể được xét đề cử vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý tại xã/ phường/ thị trấn, sau đó có thể sẽ tiếp tục được cất nhắc về các cơ quan của quận, huyện và các sở ngành, UBND TP.
Xây nguồn cán bộ cho tương lai
Ông Nguyễn Đình Hoa cho biết thêm, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức cho cấp xã/ phường/ thị trấn được UBND TP Hà Nội rất quan tâm, chỉ đạo theo hướng đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức nhằm nâng cao chất lượng. Đặc biệt, việc thực hiện Đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn nói trên được thành phố đặt kỳ vọng rất lớn, không chỉ bổ sung nguồn công chức chuyên môn chất lượng cao cho chính quyền cấp cơ sở mà còn tạo nguồn cho đội ngũ công chức cấp huyện và cấp thành phố trong tương lai. Đề án này cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương cải cách hành chính, tạo ra bước đột phá, sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyển dụng, sử dụng và đào tạo đội ngũ cán bộ công chức của thành phố.
“Trong số gần 500 công chức nguồn đầu tiên đã được tuyển dụng, phân công về nhận nhiệm vụ tại các xã/ phường/ thị trấn trên toàn địa bàn thành phố đến thời điểm này, theo đánh giá của các chính quyền địa phương, các cán bộ công chức nguồn đều tiếp cận công việc một cách rất nhanh chóng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đó là những tín hiệu rất tích cực cho thấy công tác cán bộ này của Hà Nội đã phát huy hiệu quả, nhất là trong bối cảnh số lượng công chức cấp xã trên địa bàn Thủ đô hiện nay vẫn còn thiếu so với định biên được giao và chất lượng cũng chưa cao (số cán bộ có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo còn chiếm tới 36,57%)” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội nói.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa, một lý do khác để tin tưởng đội ngũ công chức nguồn sẽ phát huy tốt vai trò nhiệm vụ của mình và có thể trở thành nguồn cán bộ quan trọng của thành phố trong tương lai, đó là đội ngũ này được tuyển dụng đầu vào rất cao và chương trình đào tạo rất hiện đại.
Chẳng hạn, các học viên muốn được tuyển dụng vào đào tạo lớp công chức nguồn này của thành phố tối thiểu phải có bằng đại học công lập hệ chính quy trong nước loại khá trở lên hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học (đúng chuyên ngành đã được đào tạo ở bậc đại học) ở nước ngoài loại giỏi, xuất sắc; độ tuổi khi nộp hồ sơ không quá 27 tuổi đối với người tốt nghiệp đại học, không quá 30 tuổi đối với người tốt nghiệp trình độ thạc sĩ, 35 đối với trình độ tiến sĩ… Trong suốt quá trình đào tạo, các học viên công chức nguồn ngoài việc được đào tạo các kiến thức cần thiết về chuyên môn, quản lý Nhà nước, lý luận chính trị còn được đào tạo bài bản các kiến thức về Hà Nội.
Theo ANTĐ