UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4550/UBND-ĐT thực hiện Chương trình tổng thể "Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2021, định hướng đến năm 2030".
Theo đó, UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm trong giai đoạn 2016 - 2020 theo tiến độ UBND TP giao; đảm bảo phù hợp toàn diện với danh mục các công trình trọng điểm, kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thành ủy và HĐND Thành phố thông qua.
Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng đề xuất, báo cáo UBND TP thành lập Ban chỉ đạo của Thành phố thực hiện chương trình tổng thể "Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2021, định hướng đến năm 2030”, để chỉ đạo quyết liệt từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng... định kỳ tổ chức giao ban, kiểm điểm tiến độ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo thực hiện thự hiện dự án đúng tiến độ, đảm bảo sự đồng bộ trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính ưu tiên bố trí đủ kế hoạch vốn cho các dự án công trình giao thông trọng điểm, các nguồn vốn từ ngân sách (bao gồm cả vốn ODA), nguồn vốn huy động theo các hình thức như PPP (BOT, BTO, BT ...); tăng cường công tác xúc tiến đầu tư để thu hút các nguồn vốn đầu tư thực hiện; kịp thời đề xuất, báo cáo UBND TP những vấn đề vượt thẩm quyền.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định 2912 phê duyệt kế hoạch tiến độ triển khai 52 công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020, trong đó có nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 có 4 công trình hoàn thành xong các thủ tục đầu tư và khởi công gồm: Khu di tích thành Cổ Loa, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và 2 dự án trục dọc sông Hồng đoạn từ cầu Thượng Cát đến cầu Thanh Trì (bờ trái và bờ phải).
Trong số 11 công trình chuyển tiếp, có một số dự án đáng chú ý như: tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Bệnh viện Nhi Hà Nội giai đoạn 1; nâng cấp Bệnh viện Thanh Nhàn giai đoạn 2, nâng cấp Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội.
Một số dự án mới sẽ được xây dựng gồm có dự án xây dựng vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng; mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; công viên Nhân Chính; đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…
Với 52 dự án trọng điểm này UBND TP. Hà Nội đã đề xuất HĐND TP để được đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 503.374 tỷ đồng, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 khoảng 217.468 tỷ đồng.