Hà Nội: Công trình hai bên đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển được phép cao tối đa 50 tầng

VietTimes -- Hai bên đường tuyến đường Vành đai 3, đoạn Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển có chiều dài 4,22km được phép xây dựng công trình cao tối đa tới 50 tầng tại một số khu vực.
Nút giao Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Ảnh: Dân trí.
Nút giao Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Ảnh: Dân trí.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa ký Quyết định phê duyệt đồ án Thiết kế đô thị hai bên đường Vành đai 3, tỷ lệ 1/500 (đoạn Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển).

Theo đó, khu đất Thiết lập đô thị (Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển) là một phần của tuyến đường Vành đai 3, nằm ở phía Tây Nam nội đô lịch sử, thuộc địa giới hành chính của phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy; phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm; các phường Nhân Chính, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Trung, Hạ Đình, Kim Giang thuộc quận Thanh Xuân; phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Chiều dài tuyến đường nghiên cứu là 4,22km nhưng tổng khu đất để lập thiết kế đô thị đến 61,68ha, diện tích này có thể điều chỉnh so với giai đoạn lập nhiệm vụ quy hoạch và cụ thể hóa trên bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500 theo lô, thửa đất sử dụng.

Theo tổng hợp số liệu sử dụng đất trong phạm vi lập thiết kế đô thị thì: Đất giao thông đô thị chiếm 40,21ha, đất giao thông khu vực 0,81ha, đất công cộng thành phố 3,6ha; Đất ở đơn vị 12,36ha bao gồm: nhà ở chung cư 3,47ha, nhà liền kề 6,33ha,... Ngoài ra đất công trình hỗ hợp cũng chiếm 3,48ha. Trong khi đó đất cơ quan chỉ chiếm 0,73ha.

Văn bản ông Nguyễn Thế Hùng ký phân chia đoạn tuyến đường thiết kế thành 5 khu vực gồm: nút Trung Hòa; đoạn đường Khuất Duy Tiến; nút Thanh Xuân; đoạn đường Nguyễn Xiển; nút Tôn Thất Tùng kéo dài.

Chiều cao công trình xây dựng hai bên đường được quản lý theo mắt đứng chung, tạo hiệu quả thẩm mỹ, đồng bộ tránh tình trạng lộn xộn do các dự án đơn lẻ như hiện nay. Các lớp công trình thấp tầng chủ yếu là nhà ở liền kề tổ chức theo một lớp tầng cao thống nhất, đặc trưng phát triển theo vùng, diện với tầng cao đặc trưng là 5-6 tầng trên cơ sở hài hòa với khu vực nhà ở và một số công trình thấp tầng hiện có.

Cụ thể, đối với nút Trung Hòa (giao giữa đường Khuất Duy Tiến và Trần Duy Hưng), đặc trung không gian là phát triển theo cụm công trình cao tầng tương phản và xen cài với các không gian mở xung quanh. Điểm nhấn là tổ hợp cụm công trình cao tầng phía Đông Nam đường Trần Duy Hưng và Đại lộ Thăng Long (40-50 tầng), tương phản với các không gian mở được tạo ra bởi khu vực Trung Tâm hội nghị Quốc gia và xung quanh. Tầng cao các công trình tại khu vực này phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị H2-2, thiết kế đô thị, Quy chuẩn, Tiêu chuẩn đồng thời phải tuân thủ Quy chế quản lý kiến trúc xây dựng khu vực xung quanh Trung tâm hội nghị Quốc gia.

Đoạn tuyến Khuất Duy Tiến được đặc trung bởi các công trình phát triển theo tuyến. Các công trình cao tầng với tầng cao đặc trưng từ 25-30 tầng.

Đối với nút Thanh Xuân được thiết kế với đặc trưng không gian phát triển theo cụm công trình cao tầng, trong đó công trình điểm nhấn cao 45-50 tầng nằm tại phía Đông Bắc nút giao và tháp đôi tại cụm công trình nút giao khu vực Đông Nam, các công trình còn lại cao 26-30 tầng. Các công trình tại đây phải được tổ chức đồng bộ, phối hợp giữa các công trình tại khu đất riêng lẻ, khuyến khích hợp khối công trình tạo thành khối đế liên hoàn khoảng 6 tầng, phía trên là các tòa tháp với nhịp điệu về tầng cao giữa các công trình theo góc nhìn từ các hướng đường Vành đai 3 và đường Nguyễn Trãi.

Đoạn tuyến Nguyễn Xiển được đặc trung bởi các công trình phát triển theo tuyến và diện; các công trình cao tầng có tầng cao trung bình từ 25-30 tầng.

Đối với nút Tôn Thất Tùng kéo dài có công trình điểm nhấn cao 35 tầng, các công trình xung quanh trung bình 20 tầng; cụm trụ sở Tòa Án, VKSND TP cao 5-7 tầng kết hợp các khoảng lùi, không gian sân vườn để tạo không gian mở cho nút giao thông.

Đối với các công trình nhờ ở riêng lẻ, nhà liền kề và các công trình thấp tầng khác quản lý tầng cao tối đa đặc trung là 6 tầng, quan lý tầng cao đồng đều theo từng khu vực đồng thời tạo nên nhịp điệu trên từng đoạn phố. Những công trình đã xây dựng quá 6 tầng, khi có nhu cầu cải tạo, xây dựng mới không được tăng chiều cao và khuyến khích đảm bảo tầng cao đúng 6 tầng.

Các công trình xây mới phải hiện đại, kết hợp kiến trúc xanh, phù hợp với đặc điểm khí hậu của Hà Nội và để hạn chế ảnh hưởng tác động môi trường của tuyến cao tốc. Không xây dựng các kiến trúc phong cách cổ cũ, không đúng với thời điểm xây dựng công trình.

Khu vực đã xây dựng công trình như hiện trạng cần được cải tạo, chỉnh trang kiến trúc để phù hợp với tổng thể chung.

Thành phố giao UBND quận Thanh Xuân chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và một số quận liên quan tổ chức công bố công khai nội dung đồ án Thiết kế.