Bóng hình “bầu” Hiển
Từ một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Vinawind được cổ phần hóa cách đây 3 năm.
Phiên IPO diễn ra vào ngày 17/03/2015 – một phiên đấu giá cực kỳ thành công: Tổng khối lượng đăng ký mua (50.922.600 cổ phần) gấp 9 lần khối lượng chào bán (5.751.200 cổ phần), giá đấu thành công bình quân (42.383 đồng/cổ phần) gấp 4 lần giá khởi điểm (10.200 đồng/cổ phần).
Nhưng lưu ý rằng, trong tổng số 126 nhà đầu tư tham gia đấu giá Winawind lần ấy, thì có 4 nhà đầu tư trúng đấu giá – gồm 1 tổ chức và 3 cá nhân. Họ đã chi ra tổng cộng ngót 243,8 tỷ đồng để chia nhau ngót 5,8 triệu cổ phần – tương đương với 40,22% vốn điều lệ (143 tỷ đồng) - Vinawind.
Nhưng danh tính của 4 nhà đầu tư này, cụ thể là ai, thì vẫn là một điều bí ẩn.
…
Chốt tại ngày 19/12/2017, cơ cấu sở hữu Winawind có 837 cái tên. Tất cả đầu là cổ đông trong nước, gồm 3 tổ chức và 834 cá nhân.
Vinawind, dĩ nhiên, là một công ty đại chúng. Nhưng trên thực tế, tính sở hữu trong công ty đại chúng này lại rất cô đặc.
93,82% cổ phần Vinawind thuộc sở hữu của 4 cổ đông lớn, gồm 3 tổ chức và một cá nhân. Đó là, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội (46,9%), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (19,24%), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (20,98%), bà Nguyễn Hoàng Yến (6,7%).
Trong số này, xin được nhấn mạnh đến hai cái tên: Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội.
Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) – bản thân thương hiệu của nó đã cho thấy đây là một thành viên trong hệ sinh thái doanh nghiệp của ông “bầu” Đỗ Quang Hiển. BSH có vốn từ doanh nghiệp con cưng của ông Hiển – như Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội (SHS), Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T. Hiện trên website của mình, BSH vẫn đang giới thiệu ông Hiển là Chủ tịch HĐQT công ty.
Còn về Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI), ít người để ý rằng, doanh nghiệp này giờ đây cũng có thể coi như là một thành viên trong hệ sinh thái mà BSH đang vận động. Để hiểu hơn về mối liên hệ này, hãy đọc bài viết: “Vài điều về Tổng công ty Bảo hiểm Hàng không - cổ đông chiến lược của Vigecam”.
Có thể thấy rằng bóng hình “bầu” Hiển thực tế đã rất rõ tại Vinawind!
…
BSH và VNI không sở hữu cổ phần Vinawind ngay từ khi cổ phần hóa. Mãi nhiều tháng sau ngày IPO, họ mới nhận nhận chuyển nhượng cổ phần Vinawind để trở thành cổ đông lớn của công ty.
Khá trùng hợp là giao dịch của cả hai đều được thực hiện và hoàn tất trong năm 2016.
Theo tìm hiểu của VietTimes, VNI đã phải chi ra tổng cộng 133.611.492.261 đồng cho 2.571.200 cổ phiếu Vinawind, đạt bình quân khoảng 51.965 đồng/cổ phiếu. Còn BSH đã chi ra 126.000.000.000 đồng cho 3.000.000 cổ phiếu Vinawind, đạt bình quân 42.000 đồng/cổ phiếu.
Động lực của “bầu” Hiển
VNI nắm giữ 19,24% cổ phần Vinawind, còn BSH nắm giữ 20,98% cổ phần Vinawind. Có nghĩa, nhà tài phiệt người Hà Nội đang “phủ bóng” lên ít nhất 40,22% quyền biểu quyết tại thương hiệu quạt máy lớn nhất Việt Nam.
Nhưng tỷ lệ sở hữu này, thực ra, vẫn chưa đủ để đảm bảo cho vị thế “ông chủ” tại Vinawind. Mà những người như “bầu” Hiển thì thường sẽ mong muốn nhiều hơn.
Do đó, việc UBND Tp. Hà Nội vừa quyết định bán đấu giá toàn bộ 6.707.000 cổ phần đang nắm giữ tại Vinawind (46,9% VĐL) có thể xem như một cơ hội cho nhóm “bầu” Hiển.
Việc thoái vốn này, trước tiên, sẽ tư nhân hóa triệt để cơ cấu sở hữu Vinawind. Sau đó, sẽ mở ra cơ hội trở thành “ông chủ” thực sự cho nhóm chi phối.
Tất nhiên, với nền tảng sở hữu sẵn có tại Vinawind, nhóm “bầu” Hiển sẽ không bỏ qua.
Chỉ cần gom được tối thiểu khoảng 1,4 triệu cổ phần trong số 6,7 triệu cổ phần Vinawind mà UBND Tp. Hà Nội sẽ thoái, nhóm “bầu” Hiển sẽ sở hữu quá nửa cổ phần Vinawind, qua đó, trở thành nhóm cổ đông giữ quyền biểu quyết đa số tại doanh nghiệp.
Còn nếu để xảy ra kịch bản toàn bộ 6.707.000 cổ phần Vinawind của Hà Nội về tay một nhóm khác, câu chuyện tại thương hiệu quạt điện lớn nhất Việt Nam vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Dĩ nhiên, ông Hiển sẽ không muốn điều này.
Rõ ràng nhóm “bầu” Hiển đang có động lực rất lớn trước phiên đấu giá 6,707 triệu cổ phần Vinawind của Hà Nội. Nhiều khả năng mức độ gom thêm sẽ không chỉ dừng lại ở con số 1,4 triệu cổ phần, bởi với tình hình kinh doanh khả quan của Vinawind, thì càng nắm giữ nhiều cổ phần sẽ càng thắng và càng “tập quyền” trong quản trị doanh nghiệp. Tất nhiên là phải với mức giá hợp lý.
Phiên đấu giá dự kiến sẽ diễn ra vào 14h00 ngày 30/03/2018 tại HNX. Với mức giá khởi điểm 42.400 đồng/cổ phần, dự kiến Hà Nội sẽ thu về tối thiểu 284 tỷ đồng.
Liệu “bầu” Hiển có hành động? Hãy chờ xem…
Xét trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước của Hà Nội, Vinawind là một doanh nghiệp tốt.
Với tổng tài sản quanh quẩn mức 400 tỷ đồng và vốn điều lệ 143 tỷ đồng, Vinawind liên tục báo lãi ấn tượng trong suốt các năm qua.
Cụ thể, năm 2015, Vinawind lãi trước thuế 69,2 tỷ đồng; Năm 2016, lãi trước thuế 80,2 tỷ đồng. Còn trong năm 2017, chỉ tính riêng trong 3 quý đầu năm, Vinawind đã lãi trước thuế 81,6 tỷ đồng – vượt số thực hiện của cả năm 2016.
Bên cạnh kết quả kinh doanh tốt, Vinawind còn hấp dẫn nhà đầu tư bởi tiềm năng bất động sản mà công ty sở hữu.
Cụ thể, Vinawind đang quản lý lô đất gần 3 ha tại số 164 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội (ngay gần hồ Đền Lừ).
Lô đất được Vinawind thuê của Hà Nội theo hình thức thuê đất, trả tiền hàng năm và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BO888700 ngày 24/09/2013. Đặc biệt tại thửa A (diện tích 29.359 m2), Vinawind đã ký hợp đồng thuê đất với thời hạn sử dụng 40 năm kể từ ngày 28/06/2005.
Lô đất hiện đang được Vinawind sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nếu hoàn thiện được các thủ tục pháp lý, và đóng thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Vinawind (và chủ sở hữu của nó) hoàn toàn có thể dựng lên ở đây một dự án bất động sản bề thế.
Việc chuyển đổi này (nếu có) sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới các hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống của Vinawind, bởi công ty này đang sở hữu một nhà máy sản xuất rộng tới 5 ha tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam)./.