Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTC) vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế 7 tháng đầu năm 2016, cùng dự báo về triển vọng lãi suất.
Một trong những nhận định quan trọng của bản báo cáo là việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp có sơ sở để thực hiện được, dựa trên 5 yếu tố thuận lợi.
Đó là (1) thanh khoản hệ thống đang dồi dào, có thể đảm bảo nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế năm nay; (2) lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn; (3) lạm phát được dự báo ở mức thấp; (4) tỷ giá và thị trường ngoại hối khá ổn định và được dự báo chỉ biến động trong khoảng kỳ vọng; và (5) lợi nhuận các ngân hàng thương mại khả quan, tạo dư địa cho xử lý nợ xấu và tiết giảm chi phí hoạt động của hệ thống.
Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng để giảm mặt bằng lãi suất thì hệ thống ngân hàng cần phải chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh xử lý nợ xấu để giảm trích lập dự phòng.
Về những yếu tố thuận lợi được báo cáo nêu trên, nếu nhìn nhận từ những góc độ khác thì có thể chúng sẽ không còn tồn tại trong những tháng còn lại của năm nay để tạo điều kiện giảm lãi suất.
Thanh khoản vẫn là ẩn số
Về thanh khoản, đúng là nửa đầu năm nay do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm tiền khá cấp tập qua việc mua vào lượng lớn USD và bơm ra tiền đồng mà không trung hòa đáng kể lượng tiền này. Tuy nhiên, việc bơm tiền này được hậu thuẫn bởi một yếu tố thuận lợi là lạm phát trong mấy tháng đầu năm còn thấp.
Bên cạnh đó, NHNN cũng bị thúc bách bởi nhiệm vụ phải hỗ trợ tăng trưởng nên việc đẩy mạnh cung tiền để kích tăng trưởng tín dụng là việc không thể đừng. Đồng thời, NHNN cũng buộc phải tăng cung tiền mạnh để đáp ứng nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ, bởi nếu không thì sẽ lại làm tăng lãi suất.
Nhưng việc NHNN có tiếp tục bơm tiền mạnh trong 5 tháng còn lại của năm nay như vừa qua hay không lại là một điều không thể đảm bảo, bởi lạm phát đã bắt đầu tăng mạnh trở lại 2, 3 tháng qua, và có khả năng tăng nhanh hơn trong những tháng còn lại khi giá cả hàng hóa thế giới có khả năng tiếp tục phục hồi và ổn định ở mức cao hơn trong nửa đầu năm.
Trong khi đó, NHNN vẫn bị ràng buộc bởi một nhiệm vụ là ổn định vĩ mô, tức là giữ không cho lạm phát tăng vọt lên quá 5%, là mức hiện đã mấp mé nếu quy theo năm (CPI tháng 7/2016 đã tăng 2,48% so với tháng 12/2015).
Ngoài ra, do kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ đã hoàn thành phần lớn nên nhu cầu tăng cung tiền để hỗ trợ phát hành trái phiếu Chính phủ trở nên không còn cấp thiết nữa.
Tỷ giá phụ thuộc yếu tố bên ngoài
Tỷ giá và thị trường ngoại hối đúng là đã và đang khá ổn định. Nhưng điều này đạt được có phần lớn là bởi một lý do khách quan mang tính quyết định. Đó là những diễn biến kinh tế chính trị trên thế giới có lợi cho việc ổn định tỷ giá tiền đồng trong nước. Những diễn biến này gồm việc Mỹ chưa nâng lãi suất USD, việc người dân Anh bỏ phiếu rời bỏ EU làm suy yếu đồng bảng Anh và euro, và Trung Quốc đang cố gắng ổn định tỷ giá nhân dân tệ, chưa châm ngòi cho làn sóng phá giá bản tệ mới của các nước trong khu vực. Tuy vậy, không ai có thể nói trước được rằng môi trường thuận lợi cho ổn định tỷ giá tiền đồng như hiện tại sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng còn lại của năm nay.
Lợi nhuận có khả năng là “ảo”
Tuy nhiều ngân hàng đã báo cáo mức lợi nhuận khả quan hơn, nhưng từ đó cũng chưa có đủ cơ sở để nói rằng các ngân hàng sẽ có thêm dư địa xử lý nợ xấu và tiết giảm chi phí hoạt động của hệ thống.
Theo phân tích của một số chuyên gia, hiện mức lãi phải thu của nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang đứng ở mức cao. Điều này chứng tỏ nhiều ngân hàng đang báo lợi nhuận “ảo”, vì lợi nhuận này được hạch toán từ những khoản nợ thực chất là nợ xấu nhưng vẫn được các ngân hàng coi là nợ tốt và dự thu lãi như với các khoản nợ tốt.
Cụ thể hơn, trong số 24 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2016, có quá nửa, 14 ngân hàng, có tỷ lệ lãi thực thu trên tổng dư nợ, hoặc tỷ lệ lãi phải thu trên tổng dư nợ, hoặc có cả 2 tỷ lệ này ở mức cao.
Như vậy, mức lợi nhuận khả quan mà các ngân hàng thương mại đã công bố trong thời gian qua không hoàn toàn là lợi nhuận có thực, thực thu, nên các ngân hàng thương mại sẽ hầu như không có thêm dư địa để xử lý nợ xấu. Đó là chưa kể nhiều trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2016 đã có mức nợ xấu chính thức (theo báo cáo) đã tăng cao hơn so với các kỳ trước, thể hiện ở con số tỷ lệ nợ xấu tổng hợp của các tổ chức tín dụng đã tăng lên 2,62% trong quý 1/2016 so với 2,55% của quý 4/2015.
Quan trọng không kém, tuy có thể có một số ngân hàng có lợi nhuận thực cao hơn, và đúng là sẽ có dư địa để giảm lãi suất cho vay, nhưng điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng này tự nguyện cắt giảm lợi nhuận tiềm năng trong kỳ tới.
Dẫu vậy, sự tự nguyện này là điều không chắc chắn, vì mục đích hoạt động của các ngân hàng thương mại là truy tìm và tối đa hóa lợi nhuận chứ không phải làm “từ thiện” cho doanh nghiệp, cho người vay, khi tự nguyện giảm lãi suất cho vay mà không phải do kết quả của một áp lực nào đó từ các cơ quan quản lý.
Có lợi nhuận khả quan nhưng không nhất thiết giảm lãi suất cho vay
Về nhận định cho rằng lợi nhuận khả quan sẽ cho phép các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động của hệ thống, cũng khó có thể cắt nghĩa được. Có lẽ ngụ ý của nhận định này là khi có lợi nhuận cao hơn, các ngân hàng sẽ không phải chịu áp lực tìm kiếm lợi nhuận lớn như trước nên có thể thu hẹp bớt biên độ chênh lệch lãi suất huy động và cho vay.
Nói cách khác, với lợi nhuận kỳ hiện tại tăng lên, các ngân hàng có thể “vui lòng” hơn khi hy sinh lợi nhuận tiềm năng của các kỳ tiếp theo để giảm lãi suất cho vay. Nếu đúng vậy thì sự “vui lòng” hy sinh này cũng là điều không chắc chắn vì không ngân hàng nào muốn tự hy sinh cắt giảm lợi nhuận, như đã nói ở trên.
Nếu ngụ ý của nhận định trên rằng khi có lợi nhuận cao hơn trong kỳ hiện tại, các ngân hàng có thêm dư địa để đầu tư nâng cấp trang thiết bị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động thì khả năng này là có thật. Tuy vậy, cũng giống như đã phân tích ở trên, tiết giảm chi phí hoạt động không nhất thiết dẫn đến việc các ngân hàng tự nguyện giảm lãi suất cho vay và thu hẹp lợi nhuận tiềm năng.
Để hạ lãi suất cho vay cần bàn tay can thiệp vĩ mô
Các phân tích ở trên cho thấy không thể trông chờ vào các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất cho vay. Việc này chủ yếu là việc của NHNN. Trước tiên, NHNN sẽ phải tiếp tục cân đối giữa mục tiêu nới lỏng tiền tệ để giảm lãi suất với mục tiêu kiểm soát lạm phát và mục tiêu ổn định tỷ giá.
Với 3 mục tiêu không thể đồng thời đạt được cùng lúc này thì NHNN sẽ phải lựa chọn một điểm cân bằng thỏa hiệp cho lãi suất để nó không phá vỡ thế cân đối tạm thời hiện tại giữa lãi suất, tỷ giá và lạm phát, hay ngăn cản việc thực hiện 2 mục tiêu còn lại (ổn định tỷ giá và lạm phát). Như thế, lãi suất nói chung sẽ có nhiều khả năng là ổn định ở mức hiện tại thay vì giảm đi hoặc tăng lên.
Một biện pháp mang tính thị trường song song khác mà NHNN có thể thực hiện để giảm lãi suất là tăng cường tính cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng, để các ngân hàng tự nguyện giảm lãi suất cho vay nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Muốn vậy thì các ngân hàng thương mại cần được tự do hơn trong việc quyết định cho ai vay, vay bao nhiêu với lãi suất ở mức nào. Nếu thực hiện được như vậy thì các ngân hàng sẽ tự nguyện, sẽ phải tìm mọi cách để thu hẹp biên độ chênh lệch lãi suất huy động và cho vay để thu hút khách hàng, thúc đẩy tín dụng mà không cần ai phải kêu gọi hay “đề nghị”.
Theo Trí thức trẻ