GS. Nguyễn Minh Thuyết: Không dùng ngân sách nhà nước làm sách giáo khoa là đúng

VietTimes - Hiện nay, dư luận đang quan tâm đến việc làm sách giáo khoa (SGK) triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT). Nhằm cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc  về vấn đề này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Minh Thuyết  - Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới.
Học sinh nghe giảng. Ảnh: Minh Thúy
Học sinh nghe giảng. Ảnh: Minh Thúy

Là Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới, giáo sư có thể cho biết vai trò của SGK trong chương trình GDPT mới có khác so với SGK được sử dụng trong các chương trình trước đó?

- Ở nhiều nước và ở ngay miền Bắc nước ta trước năm 1957, ở miền Nam trước năm 1975, mỗi môn học thường có nhiều SGK. SGK chỉ là tài liệu tham khảo để giáo viên soạn tài liệu dạy học hoặc giáo án của mình. Nhưng sau này, chúng ta chỉ có SGK của Bộ GD&ĐT nên từ chỉ đạo đến dạy, học, thi cử đều bám sát bộ SGK ấy, SGK trở thành “pháp lệnh”, át cả chương trình.

Theo Nghị quyết 88/2014/QH2013 về đổi mới chương trình SGK GDPT của Quốc hội, lần này, chúng ta sẽ thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, mỗi môn học sẽ có nhiều SGK.

Theo dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ thành lập Hội đồng chọn SGK phù hợp để sử dụng ở địa phương mình. Giáo viên cũng có quyền tổng hợp nhiều SGK để phục vụ cho công tác giảng dạy.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn phải chờ đợi Quốc hội thông qua Luật Giáo dục vào giữa tháng 6  này. Nếu Quốc hội vẫn biểu quyết như cũ, là chỉ sử dụng một bộ SGK thì Nghị quyết 88 sẽ không thể thực hiện được.

GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới.
GS. Nguyễn Minh Thuyết  - Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới.

Thưa giáo sư! Hiện nay các đơn vị đã có sự chuẩn bị SGK cho chương trình GDPT mới như thế nào?

- Hiện nay, Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn một bộ SGK, mà thực hiện xã hội hóa triệt để, tức là không dùng tiền ngân sách nhà nước để biên soạn SGK. Theo tôi, đó là điều rất mới, rất đáng hoan nghênh.

Chúng ta đã trải qua 3 lần cải cách giáo dục, nhưng không có chương trình mà chỉ có SGK. Gíao sư có thể lý giải thêm về vấn đề này được không ạ?

- Cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất (1950) được tiến hành trong kháng chiến chống Pháp, với mục tiêu xây dựng nền giáo dục phổ thông mới, thoát khỏi nền giáo dục của chế độ thực dân - phong kiến. Hoàn cảnh kháng chiến nhiều khó khăn nên không đủ thời gian để xây dựng chương trình, mà chỉ sửa sang chương trình cũ rồi viết SGK.

Cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai (1956) nhằm mục đích thống nhất nền GDPT trong kháng chiến với nền GDPT ở những vùng bị tạm chiếm, thành nền giáo dục mới 10 năm. Phải làm gấp nên lần cải cách này cũng không có chương trình.

Đến cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba (1979), sau khi đất nước thống nhất, Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện Chương trình và Phương pháp giáo dục soạn thảo chương trình giáo dục. Tuy nhiên, chương trình này chưa được thông qua và ký ban hành.

Giáo sư có thể "bật mí" về kinh phí làm SGK cho chương trình GDPT mới được lấy từ đâu không ạ?

- Kinh phí biên soạn, xuất bản SGK thực hiện chương trình GDPT mới sẽ do các đơn vị xuất bản làm bằng vốn của mình, không lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.

Quy trình để thẩm định SGK trong chương trình GDPT mới bao gồm những bước cơ bản nào, thưa giáo sư?

- Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK. Việc biên soạn, thẩm định và cho phép sử dụng SGK mới sẽ được thực hiện theo thông tư này.  

Giáo sư có thể cho biết khi nào thì SGK mới sẽ được triển khai?

- Theo Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội, Chương trình GDPT mới sẽ bắt đầu triển khai từ lớp 1 (năm học 2020-2021); triển khai ở các lớp khác vào những năm học tiếp theo, lần lượt là lớp 2, lớp 6 (năm học 2021-2022); lớp 3, 7, 10 (năm học 2022-2023); lớp 4, 8, 11 (năm học 2023-2024) và lớp 5, 9, 12 (năm học 2024-2025).

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt các loại sách bị làm giả, đặc biệt là SGK được sử dụng cho học sinh trong nhà trường. Giáo sư có thể cho biết SGK giả có ảnh hưởng như thế nào đối với học sinh và làm thế nào để ngăn chặn sách giả trà trộn vào trường học trong bối cảnh chương trình GDPT mới sẽ bắt đầu được triển khai từ lớp 1 trong năm học 2020-2021?

- Theo tôi, làm SGK giả rất khó, vì giá rất rẻ, khó có thể làm mà có lãi. Nếu có sách giả thì chắc đó là sách tham khảo thôi.

Cám ơn giáo sư về cuộc trò chuyện!

Minh Thúy (thực hiện)