GS Nguyễn Hữu Liêm: “Rất khó đoán chắc Trump hay Biden sẽ thắng cử”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, cho dù J.Biden có vẻ đang chiếm ưu thế, nhưng còn đến hơn ba tuần nữa, sẽ còn không ít điều ngạc nhiên, có thể sẽ có một vài ẩn số chính trị và thời cuộc xuất hiện bất ngờ, nên rất khó đoán chắc Trump hay Biden sẽ thắng cử”- GS Nguyễn Hữu Liêm từ Hoa Kỳ nhận định với VietTimes. 
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay sẽ hết sức khó lường- Ảnh internet.
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay sẽ hết sức khó lường- Ảnh internet.

Hôm 8/10, Tổng thống D. Trump tuyên bố sẽ không tham gia cuộc tranh luận thứ 2 dự kiến sẽ diễn ra tại Miami sau khi các nhà tổ chức thông báo cuộc tranh luận sẽ diễn ra trực tuyến do dịch covid-19. Còn ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, trước đó, ngày 6/10 cũng cho biết, không loại trừ khả năng hủy cuộc tranh luận thứ 2, nếu ông Trump chưa khỏi bệnh.

Thưa GS, cuộc vận động nhằm lôi kéo người dân Mỹ bỏ phiếu cho mình vào ngày 3/11 tới của 2 ứng cử viên sẽ được họ triển khai tiếp theo như thế nào?

- Về phía D. Trump thì trong vòng 10 ngày tới ông ta sẽ còn liên tục dùng Twitter để chuyển tải thông điệp của ông đến cử tri, nhất là khích động và cũng cố khối quần chúng bảo thủ ủng hộ ông. Phía J. Biden cũng sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc tuần hành giới hạn ở những tiểu bang ngang ngửa như Florida, Pennsylvania, Wisconsin. Tôi nghĩ là sẽ có một cuộc tranh luận nữa trước khi bầu cử.

D. Trump, sau 10 ngày tới, sẽ rời Nhà Trắng để đi vận động tranh cử cũng ở những tiểu bang trên. Ba tuần tới, và cho đến phút chót, nhiệt độ tranh biện về con người cũng như chính sách sẽ lên cao độ và sẽ còn đầy rẫy những tố cáo nặng nề từ hai phía. Ngạc nhiên hơn nữa là rất có thể kết quả sẽ không rõ ràng cho đến cả tuần sau ngày bầu cử.

Cũng rất có thể, nếu nếu D. Trump thua, ông sẽ không nhận thua mà tố cáo bầu cử gian lận. Chính trường Mỹ sẽ đi vào cơn “bụi lốc” rối bời trong tháng 11 tới.

"Hiện rất khó đoán một cách chắc chắn ai sẽ thắng cử: Trump hay Biden"- GS Liêm.
"Hiện rất khó đoán một cách chắc chắn ai sẽ thắng cử: Trump hay Biden"- GS Liêm.

Sau cuộc tranh luận lần thứ nhất giữa đương kim Tổng thống Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, các cuộc thăm dò của Wall Street Journal, CNN, Reuters và các phương tiện truyền thông khác cho thấy Biden đã dẫn trước. Tuy nhiên, một số ít các cuộc thăm dò trên các phương tiện truyền thông không chính thống cho thấy chiến thắng của Trump. Kết quả các cuộc thăm dò này là khác nhau, vậy liệu nó có phản ánh đúng quan điểm thực sự của xã hội Mỹ hiện nay không?

- Về ý kiến rằng ai đã chiếm ưu thế ở cuộc tranh luận vừa qua thì người Mỹ có câu, “What you think depends on where you stand” (Quan điểm của bạn tùy vào lập trường của bạn). Dĩ nhiên là phe nào cũng cho "gà nhà" mình thắng.

Ví dụ hành vi liên tục cắt ngang của D. Trump khi J. Biden đang phát biểu chẳng hạn. Phe phò-Trump thì cho đó là "tấn công vũ bão", "tự tin". Phe Biden thì cho đó là "vô tư cách, thiếu lịch sự, hành vi không xứng đáng từ một vị tổng thống của một cường quốc”… Các thăm dò đáng tin cậy và khách quan thì cho thấy là Biden đã chiếm ưu thế. Tuy nhiên, một số thăm dò nội bộ phía Cộng Hòa thì Trump đã thắng. Nước Mỹ hiện nay đang bị phân cực trầm trọng. Không ai nghe ai. Mạnh ai người ấy nói. Thậm chí là la lối, vu khống lẫn nhau, thuần khẩu hiệu. Cho nên, rất khó để đánh giá ưu khuyết về chất lượng tranh luận. Điều đáng chú ý là sau buổi tranh luận vừa rồi, theo các thăm dò chính thống, thì Biden được sự ủng hộ gia tăng vài điểm, nhất là ở các tiểu bang ngang ngửa.

Nhiều người còn nhớ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1980, một nhóm được gọi là “cử tri Reagan nhút nhát” (Shy Reagan Voters) đã xuất hiện. Họ là những cử tri trung lập hoặc những người ủng hộ đảng Dân chủ. Họ đã bỏ phiếu cho Reagan vào thời điểm đó. Nhưng có thể do áp lực xã hội và các lý do khác, họ không nói sự thật cho những người thăm dò ý kiến. Vì vậy, cơ quan thăm dò phiếu không thể tìm ra.

Liệu hiện nay có không một nhóm “cử tri Trump nhút nhát” (Shy Trump Voters) cũng xuất hiện trong cuộc bầu cử này?

- Về hiện tượng "cử tri nhút nhát" thì rõ ràng là có thật. Đó là yếu tố quan trọng giúp D. Trump thắng cử năm 2016. Nhiều cử tri không muốn ra mắt ủng hộ D. Trump vì sợ bị dư luận, và thậm chí sợ ngay cả bạn hữu, anh em trong gia đình, sợ bị chê trách và coi thường rằng họ có trình độ nhưng phán xét thấp.

Trump có biệt tài là kích động nỗi ẩn ức của khối bình dân Mỹ về các vấn nạn xã hội và kinh tế, nhất là vấn đề di dân bất hợp pháp chẳng hạn. Tuy nhiên, lần này, khối "cử tri nhút nhát" đã trải qua gần bốn năm của Trump nên phần nào cũng đã "xả hơi" nỗi ẩn ức tiêu cực và họ cũng nhận ra rằng Trump là một lãnh tụ dù mạnh dạn và quyết liệt nhưng mang nhiều khuyết điểm nhân cách trầm trọng. Cho nên, khối "cử tri nhút nhát" sẽ không còn là yếu tố ngạc nhiên nữa.

Ai sẽ là Tổng thống Hoa Kỳ sau ngày 3/11: Trump hay Biden?
Ai sẽ là Tổng thống Hoa Kỳ sau ngày 3/11: Trump hay Biden?

Trở lại Nhà Trắng sau khi được chữa trị 3 đêm tại Quân y viện Walter Reed vì lây nhiễm covid-19, Tổng thống Trump tuyên bố: “Tôi cảm thấy rất khỏe!”. Có dư luận cho rằng, Tổng thống Trump và bộ máy của Nhà Trắng đã có một cuộc “dàn dựng Trump nhiễm covid-19” để chuẩn bị tung ra một loại vaccine của các công ty Mỹ như Công ty dược Regeneron mà ông đã “trải nghiệm”. GS nhận định về luồng thông tin này như thế nào? Liệu việc có vaccine trước ngày bầu cử không, và nếu có, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cơ hội chiến thắng của ông Trump, thưa GS?

- Tôi nghĩ rằng việc Trump bị lây nhiễm Covid-19 và nhập viện là chuyện thật và đó không phải là màn kịch diễn mang chủ đích chính trị. Trump là con người “hư hỏng”, nhưng không đến mức ranh ma như vậy. Hơn nữa, cả bộ phận nhân sự Nhà Trắng và Bệnh viện không thể đồng diễn nhịp nhàng như thế. Trump thì đang hoang mang tột độ trước khả năng thất cử cao nên muốn hô hào chuyện vaccine như là một đòn tâm lý chiến.

Nhưng, cái hay của nền chính trị Mỹ là một xã hội dân sự vững mạnh, cho nên dân chúng phần lớn tin vào giới khoa học gia hơn là chính trị gia. Mà các khoa học gia uy tín, ngay cả trong nội các Trump, cũng đã nói nhiều lần rằng vaccine, nếu có, thì sẽ không đến tay quần chúng cho đến ít nhất là Hè 2021.

Cử tri người Việt tại Hoa Kỳ phản ứng như thế nào khi biết Donald Trump nhiễm covid-19, thưa GS?

- Cử tri gốc Việt ở Mỹ thì cũng chia làm hai phía. Phía ủng hộ Trump thì từ lo lắng, cầu nguyện, cho đến mừng vui khi Trump xuất viện. Họ cho nói: đó, thấy chưa, con vi rút Covid này không có gì đáng ngại. Phía chống Trump, thì một số không nhỏ, trù ẻo, thầm mong Trump bệnh nặng cho đáng đời, hay nhẹ hơn cũng là mừng thầm. Có một số trung hòa thì nghe ngóng, theo dõi tình hình một cách thú vị, quan tâm. Số người trung dung này biết phân biệt giữa tâm ý thiện lành cho nạn nhân dịch bệnh phải được tách rời ra khỏi tình cảm và lập trường chính trị.

Thưa SG, một số cơ quan truyền thông của người Việt ở Hoa Kỳ (ủng hộ Tổng thống Trump) loan tin, Tổng thống Trump đã yêu cầu các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ giải mật và công bố toàn bộ các tư liệu về một “âm mưu” của đảng Dân chủ dàn dựng vụ việc “Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 dẫn đến D. Trump thắng cử”. Trong vụ này “chủ mưu” là bà Hillary Clinton, cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Phó tổng thống J. Biden và nhiều quan chức, cựu quan chức CIA.

Thực hư chuyện này như thế nào? Liệu nó ảnh hưởng như thế nào đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020?

- Chuyện "giải mật" hồ sơ "Nga can thiệp bầu cử 2016" và nêu danh các lãnh tụ Dân chủ tiền nhiệm, tôi nghĩ, chỉ là một đòn "đánh trống lãng" (Red-Herring) của Trump và Bộ trưởng Công lý William Barr. Nhớ lại mùa tranh cử giữa Kerry và Bush năm 2004, hay giữa bà Clinton và Trump năm 2016, những tin xì-căng-đan tuần cuối cùng đã làm cho cả Kerry và Clinton thua sát nút. Tuy nhiên, lần này chắc là không ảnh hưởng gì vì bản chất vụ việc khác nhau nhiều.

Việc cha con ứng viên Tổng thống Joe Biden dính líu đến vụ “bê bối chính trị” ở Ucraina dẫn đến việc vào tháng 7 năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Tổng thống Ukraine Zelensky điều tra con trai của ông Biden. Vụ này đã trực tiếp dẫn tới việc Hạ nghị viện Hoa Kỳ mở một cuộc điều tra luận tội ông Donald Trump. Vụ bê bối này ảnh hưởng như thế nào đến ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden? Và vào phút chót, liệu Tổng thống Trump có tung ra con bài nào trong vụ bê bối này liên quan đến ông Biden nữa không?

- Vấn đề của con trai của Biden chắc là không ảnh hưởng gì đến bầu cử năm nay. Vì nguyên nhân dẫn đến luận tội Trump không hề liên quan đến con trai của Biden và phía Trump chỉ nêu chuyện này như là một đòn lạc hướng khi bị tấn công.

Xin được hỏi GS câu cuối cùng: cơ hội thắng cử của 2 ứng cử viên: D. Trump- J. Biden, theo ý kiến cá nhân GS?

- Theo tôi, cuộc đua vẫn còn sát nhau, cho dù Biden có vẻ như đang chiếm ưu thế. Còn đến hơn ba tuần nữa, sẽ còn không ít điều ngạc nhiên, có thể sẽ có một vài ẩn số chính trị và thời cuộc xuất hiện bất ngờ - nên khó đoan chắc cho kết quả. Ngay cả các "nhà tiên tri" hải ngoại, họ nói là đã "lên cõi trên tiếp chuyện", sau đó xuất hiện trên Youtube, cũng đoan chắc là Trump đang mang "thiên mệnh" và sẽ lật ngược thế cờ phút chót, chạy nước rút để thắng cử vẻ vang!

Cuối cùng, tôi xin kể một chuyện vui. Gần đây, khi về nước, tôi đã cùng nhiều thân hữu cá độ uống rượu chọn phe thắng thua của bầu cử Mỹ. Gần như tất cả - ít nhất là 90% - giới chuyên gia, báo chí, kinh doanh, trí thức đều chọn Trump. Còn tôi thì đã bị bắt vào thế chọn Biden, vì tôi cho họ chọn trước. Tuần này, tôi đã liên lạc với kho rượu Hoàng Kiều để chuẩn bị vài chục thùng hồng đào ưu hạng. Sau bầu cử, tôi sẽ gánh rượu trên vai vượt Thái Bình Dương về Việt Nam để uống say sướt mướt với bạn hữu, cho dù ai thắng, ai thua, Biden hay Trump.

Xin chân thành cảm ơn Giáo sư!