GS.Carl Thayer: 11 nước còn lại vẫn có thể theo đuổi TPP mà không cần Mỹ - VIDEO

VietTimes -- Nước Mỹ dưới thời ông Trump sẽ không theo đuổi Hiệp định TPP. Thế giới đã nhận được thông điệp này sau tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 21/11. Đó là điều không gây bất ngờ với giới quan sát bởi ngay trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố chống lại thỏa thuận TPP với lời lẽ rất gay gắt. 
GS. Carl Thayer (ản tư liệu báo chí)
GS. Carl Thayer (ản tư liệu báo chí)

Cụ thể, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ thay thế thỏa thuận Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP bằng các thỏa thuận thương mại song phương cân bằng, giúp mang lại việc làm cho người Mỹ.

Phân tích về quyết định của Tổng thống đắc cử Donald Trump, GS.Carl Thayer – trường Đại học New South Wales, Australia cho biết: "12 quốc gia thành viên TPP chiếm 40% kinh tế toàn cầu, trong đó Mỹ là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất. 

7 năm đàm phán đàm phán hiệp định giờ đã đổ xuống sông xuống bể, nhưng Hiệp định này được ký vào đầu năm 2016, các nước thành viên sẽ có 2 năm để phê chuẩn hiệp định này. 

Khi ông Trump lên nắm quyền vào tháng 1/2017, ít nhất vẫn còn 1 năm để thuyết phục chính quyền ông Trump thay đổi quyết định của mình, vẫn còn chút hy vọng mong manh".

"Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử cũng như trong tuyên bố chính thức đầu tiên sau khi thắng cử được phát trên YouTube, ông Trump đã nói Mỹ sẽ rút lui khỏi TPP. Đó là cảnh báo mà có thể ông ấy sẽ làm theo".

GS. Carl Thayer.
GS. Carl Thayer.

"Thủ tướng Nhật Bản đã có cuộc gặp với ông Donald Trump. Thủ tướng Australia đã điện đàm với ông Trump. Cả hai nước này đều muốn TPP được thực thi. Thủ tướng Australia nói còn sớm để đánh giá, nhưng nhiều bên khác cho rằng chúng ta có thể đàm phán lại nhằm giải quyết những lo ngại về phía Mỹ" - GS.Carl Thayer nói thêm.

"Có một điều dường như ông Trump không hiểu được vì đây không phải là lĩnh vực của ông ấy, đó là có 6 nước ký TPP đã có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, trong khi 5 nước còn lại, bao gồm cả Việt Nam, có rất ít rào cản thương mại. Ông ấy tuyên bố muốn hướng tới việc đàm phán các hiệp định tự do thương mại song phương. Điều này không có ích cho việc xây dựng thương mại tự do tại châu Á - Thái Bình Dương".

"Chúng ta có thể thấy, tại Hội nghị APEC vừa qua ở Peru, nhiều quốc gia chủ chốt trong TPP đã có mặt. Họ quan tâm đến Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP do ASEAN khởi xướng. ASEAN muốn mở rộng và kết nối các thỏa thuận thương mại tự do trong khuôn khổ RCEP. Nó sẽ bao gồm Trung Quốc. Đó là một khả năng".

"Một khả năng khác là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đề xuất một hiệp định tự do thương mại giữa châu Á và khu vực Thái Bình Dương" - GS.Carl Thayer cho biết - "Tuy nhiên, cả hai hiệp định này đều sẽ không đạt tới chuẩn mực của TPP. 

Nhiều khả năng đó chỉ là một bước tiến vừa phải nên 11 nước còn lại vẫn có thể theo đuổi TPP mà không cần Mỹ. Các nước có thể theo đuổi hiệp định RCEP hoặc một hiệp định tự do thương mại châu Á do Trung Quốc khởi xướng. 

Nói cách khác, ông Trump sẵn sàng để cánh cửa rộng mở cho Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào trong khu vực dẫn đầu về đàm phán thương mại tự do trong châu Á - Thái Bình Dương".

Sự rút lui của Mỹ khỏi hiệp định TPP cho thấy chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vẫn đang nổi lên đấu tranh với xu thế tự do thương mại. Tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng cần làm vậy để đem lại việc làm nhiều hơn cho người Mỹ. 

Mặt khác, nhiều người Mỹ cũng hiểu rằng mở rộng thương mại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, khẳng định sự sẵn sàng của Mỹ đối với các vấn đề toàn cầu mà nước Mỹ đang theo đuổi.

Nguồn: VTV

Tiêu đề gốc: Mỹ rút khỏi TPP: "Vắng mợ chợ vẫn vui"?