Gỗ Việt sẽ có “giấy thông hành” để sang EU

VietTimes -- Ngày 18/11, Việt Nam và EU đã cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi Lâm luật, quản trị và thương mại Lâm sản (FLEGT) – đây được coi là “giấy thông hành” để gỗ Việt Nam vào thị trường EU.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Hiệp định VPA/FLEGT nhằm đảm bảo tính hợp pháp của tất cả các sản phẩm gỗ xuất khẩu, góp phần phần thúc đẩy ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam phát triển một cách bền vững và mở rộng thị trường xuất khẩu quốc tế, đặc biệt là thị trường EU, nâng cao thương hiệu và hình ảnh ngành chế biến gỗ của Việt Nam.

Nội dung quan trọng nhất của Hiệp định là Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu của EU về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp trong toàn bộ chuỗi cung.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Sau khi Hệ thống TLAS của Việt Nam được vận hành một cách đầy đủ sẽ góp phần quan trọng đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp xuất khẩu vào EU thông qua giấy phép FLEGT. Đây là "giấy thông hành" để các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Quy chế Gỗ EU, thúc đẩy quản lý rừng bền vững và phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam".

Bộ trưởng Cường cũng nhấn mạnh: "Sau khi được triển khai hoàn toàn, Hiệp định VPA/FLEGT được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự tin cậy vào tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam không những tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, mang lại các lợi ích lớn hơn về kinh tế, môi trường và xã hội".

Về phía EU, Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu sẽ góp phần đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Để những lợi ích của Hiệp định sớm được hiện thực hóa, hai bên thống nhất đẩy nhanh quá trình rà soát toàn bộ các phụ lục kỹ thuật để có thể sớm kết thúc toàn bộ Hiệp định và thực hiện các thủ tục nội bộ của mỗi bên cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định trong đầu năm 2017.

Được biết, Việt Nam và EU đã mất đến gần 6 năm, từ tháng 10/2010, để hoàn thành toàn bộ các nội dung của Hiệp định VPA/FLEGT.