Không chỉ CLB Juventus gặp khó khăn về mặt kinh tế, do các giải đấu bị hoãn, nguồn thu từ bán vé, đồ lưu niệm, đồ thể thao đều không có, khiến doanh thu thụt giảm nghiêm trọng. Dường như cách duy nhất để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại là giảm quỹ lương.
Một cú điện thoại
Tại Juventus thì mọi việc diễn ra khá đơn giản, sau khi ông Chủ tịch CLB Juventus Andrea Agnelli có buổi làm việc với ban lãnh đạo đội bóng, mọi việc nhanh chóng được thu xếp ổn thỏa. Chỉ cần một cuộc gọi của đội trưởng Giorgio Chiellini, toàn bộ thành viên trong đội đã đồng ý giảm lương. Cú điện thoại này đã giúp Juve tiết kiệm 90 triệu euro.
Tất nhiên, Cristiano Ronaldo là thiệt thòi nhất. Là cầu thủ nhận lương "khủng" nhất CLB, khoảng 31 triệu euro/năm nên siêu sao người Bồ Đào Nha vừa quyết định hi sinh 10,32 triệu euro tiền lương, tương đương 267 tỉ VNĐ để "cứu" đội bóng chủ quản trong cơn bĩ cực vì dịch Covid-19.
Cú điện thoại này đã giúp Juve tiết kiệm 90 triệu euro, trong đó siêu sao người Bồ Đào Nha vừa quyết định hi sinh 10,32 triệu euro tiền lương. Ảnh Juve
|
Ngoài việc đồng ý giảm lương, Ronaldo cũng là một trong số những ngôi sao bóng đá tích cực quyên góp tiền nhằm chống lại dịch Covid-19. Anh và người đại diện, Jorge Mendes, mới quyên góp 1 triệu euro để giúp các bệnh viện ở Bồ Đào Nha có thêm cơ sở vật chất cứu giúp người bị bệnh.
Hiệp hội cầu thủ phản đối
Nhưng không phải CLB nào cũng giải quyết suôn sẻ như Juventus. Mới đây, Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Malaysia (PFAM) đã tuyên bố rằng họ sẽ không đồng ý cắt giảm lương do đại dịch COVID-19.
Hiệp hội cầu thủ bóng đá Malaysia cho rằng hợp đồng giữa các cầu thủ và CLB phải được tôn trọng vì chi phí sinh hoạt tăng lên do các lệnh kiểm soát đi lại của chính phủ. Bản thân các cầu thủ cũng có nhu cầu hỗ trợ các thành viên khác trong gia đình trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra.
“Các cầu thủ của chúng tôi vẫn có những cam kết khác và sự thật là có thêm một khoản chi phí phát sinh hàng ngày do đại dịch gây ra,” PFA Malaysia cho biết trong một tuyên bố. “Cần phải nhắc lại rằng không phải tất cả các cầu thủ đều kiếm được mức lương lớn và thu nhập rất quan trọng trong thời điểm này”.
Phản ứng của Hiệp hội cầu thủ khiến cho LĐBĐ Malaysia và các CLB thêm khó xử khi giải vô địch bóng đá nước này dự kiến phải đến tháng 8 mới tổ chức lại. Ảnh FA
|
“Một số người phải chi tiêu nhiều hơn để chăm sóc gia đình. Ngoài ra còn có những người phải chăm sóc các thành viên gia đình không kiếm được tiền trong thời gian hạn chế đi lại,” Chủ tịch Hiệp hội Safee Sali thông báo.
Không những thế PFAM cũng đưa vấn đề CLB Kelantan FA chưa trả lương cho các thành viên đội trẻ của Kelantan FA và CLB Melaka United đang nợ lương cầu thủ lên bàn nghị sự. Dường như 2 bên chưa tìm được sự đồng cảm trong đại dịch Covid-19.
Phản ứng của Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Malaysia khiến cho LĐBĐ Malaysia và các CLB Malaysia thêm khó xử khi giải vô địch bóng đá nước này dự kiến phải đến tháng 8 mới tổ chức lại.