Tại phiên họp sáng nay trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công và tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024, và cho rằng quy định suất vốn đầu tư về công trình y tế còn bất cập.
Theo đại biểu Hà, nhằm xác định tổng mức đầu tư xây dựng, xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở giai đoạn chuẩn bị dự án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 510/QĐ-BXD về công bốúuất vốn đầu tư công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trìn bao gồm cả các công trình y tế.
Tuy nhiên, từ góc độ chuyên môn là Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bà Hà cho biết, đối với lĩnh vực y tế, quyết định này chỉ quy định suất vốn đầu tư cho các công trình bệnh viện đa khoa từ 50 đến 1.000 giường bệnh và công trình bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương với 1.000 giường bệnh.
“Trong khi đó, nhiều địa phương hiện nay đang thực hiện kế hoạch đầu tư công để xây dựng bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh với quy mô dưới 1000 giường ở Hà Nội đang thực hiện như dự án Bệnh viện Thận tiết niệu, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Mê Linh. Quá trình triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư với các bệnh viện chuyên khoa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do không có hướng dẫn về suất vốn đầu tư”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nói.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung thêm quy định về suất vốn đầu tư đối các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh tại quyết định 510 để làm cơ sở xác định tổng mức vốn đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công của ngành y tế.
Nhiều chính sách thu ngân sách có biểu hiện lạc hậu
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng, bên cạnh những thành công đó, nhiều chính sách thu ngân sách lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh.
“Như thuế VAT mặc dù số thu lớn nhưng số hoàn cũng lớn, quy trình hành thu phức tạp, tốn kém, diễn ra ở nhiều khâu trung gian; thu rồi khấu trừ, thu lại phải hoàn; chi phí cho thu, chi phí cho hoàn và kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu... Do đó, đề nghị cần xem xét giải quyết căn cơ vấn đề này vì quá trình đó có thể tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách”, đại biểu Trần Văn Lâm nói
Cũng về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Văn Lâm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) thông tin, tại tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, nổi lên vấn đề về ách tắc, tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng, khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng gửi đơn kiến nghị, kêu cứu.
Theo đại biểu, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã được giao thực hiện giám sát chuyên đề về vấn đề này. Đại biểu cho biết, báo cáo giám sát đã nêu rõ, những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số ngành hàng xuất khẩu xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.
Để giải quyết dứt điểm và hiệu quả tình trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo khẩn trương, rà soát, cải cách, tinh gọn các thủ tục hành chính. Bộ Tài chính cần chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ vướng mắc từ các văn bản chuyên ngành, khẩn trương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện hoàn trước, kiểm sau với các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín, có chất lượng, chấp nhận tính pháp lý của tờ khai hải quan. Cùng với đó, các cơ quan chuyên ngành cần phối hợp khẳng định có phải xác định nguồn gốc sản phẩm hay không, hồ sơ thủ tục hướng dẫn như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất./.