Giảm chi chứ không thể mãi tăng thu, tăng vay nợ

Hơn lúc nào hết, kỷ luật chi ngân sách phải được siết chặt, bằng không, dù có tăng thu, tăng vay bao nhiêu cũng không thể đáp ứng nhu cầu chi.
Xe công chỉ là một phần rất nhỏ của tài sản công, mà theo công bố của Bộ Tài chính, Nhà nước đã chi tới 200.000 tỉ đồng (hơn 9 tỉ đô la Mỹ) mỗi năm từ ngân sách nhà nước để mua sắm. Ảnh: KINH LUÂN
Xe công chỉ là một phần rất nhỏ của tài sản công, mà theo công bố của Bộ Tài chính, Nhà nước đã chi tới 200.000 tỉ đồng (hơn 9 tỉ đô la Mỹ) mỗi năm từ ngân sách nhà nước để mua sắm. Ảnh: KINH LUÂN

Gần một nửa thời gian trong cuộc họp báo dài 90 phút của Bộ Tài chính tuần trước được dành để thảo luận về vấn đề sử dụng xe công. Song, những thông tin đưa ra dường như không mấy thuyết phục. “Số liệu (xe công) năm 2014, 2015 là có thể xác định được căn cứ vào báo cáo. Nhưng để có con số chính xác, chúng tôi mời báo làm việc trực tiếp”, bà Tạ Thanh Tú, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, đã khước từ công bố số liệu xe công trên cả nước của phóng viên ngay tại buổi họp báo.

Không phải ngẫu nhiên mà các phóng viên tập trung vào vấn đề xe công: đó là lĩnh vực mà người dân thấy có nhiều biểu hiện rõ ràng nhất của sự lạm dụng tài sản công, và muốn Bộ Tài chính, với tư cách là cơ quan quản lý công sản, cần thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát của mình một cách nghiêm minh.

Tuy nhiên, xe công chỉ là một phần rất nhỏ của tài sản công, mà theo công bố của Bộ Tài chính, Nhà nước đã chi tới 200.000 tỉ đồng (hơn 9 tỉ đô la Mỹ) mỗi năm từ ngân sách nhà nước (NSNN) để mua sắm, tạo mới. Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, tổng giá trị nhà, đất là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, phương tiện đi lại, tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên tính đến cuối năm 2015 là khoảng 47 tỉ đô la Mỹ, một con số cực lớn trong nền kinh tế có GDP chỉ hơn 200 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Nếu không quản lý chặt chẽ, minh bạch thì khối tài sản khổng lồ này sẽ là mảnh đất màu mỡ cho sự lạm dụng và tham nhũng. Chính Bộ Tài chính thừa nhận rằng, việc sử dụng khối tài sản này còn “phân tán, lãng phí, hiệu suất thấp”.

Tài sản công, dù rất quan trọng, nhưng mới chỉ là một phần trong câu chuyện về chi tiêu ngân sách ngày càng đáng báo động. Cơ cấu chi ngày càng lệch lạc trong những năm gần đây, với gần 72% là cho chi thường xuyên, 15% chi đầu tư phát triển và 13% chi trả nợ, theo số liệu sáu tháng đầu năm nay của Tổng cục Thống kê. Tỷ lệ chi như vậy cho thấy NSNN ngày càng dễ tổn thương, bất chấp mỗi năm ngành thuế vượt thu khoảng 10% dự toán mà Quốc hội giao.

Không thể chỉ chăm chăm tăng thu, mà phải siết chặt lại kỷ luật chi ngân sách. Không thể yên tâm khoán trọng trách này cho một mình ngành tài chính. Quốc hội mới là cơ quan có quyền cao nhất đối với vấn đề ngân sách nhà nước.

Hiện nay thu đang gặp khó. Dự toán thu cân đối NSNN năm 2016 được Quốc hội quyết định là 1.014,5 ngàn tỉ đồng. Theo Bộ Tài chính, thực hiện thu NSNN sáu tháng đầu năm ước đạt 476.800 tỉ đồng, bằng 47% dự toán, là mức thu thấp nhất so với cùng kỳ hai năm gần đây. Cùng kỳ năm 2014, thu NSNN đạt 53,9% dự toán; năm 2015 đạt 49,3% dự toán.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phải thốt lên tại hội nghị của ngành tài chính cuối tuần trước: “Tôi đề nghị những tỉnh có khả năng không đạt số thu năm nay thì phải liệu cơm gắp mắm mà điều chỉnh giảm chi đi. Giờ, giá dầu giảm, ngân sách Trung ương hụt thu, không có đâu nhiều mà hỗ trợ các địa phương như trước. Nguyên tắc tăng thu để tăng chi và chi tiêu trong khả năng cho phép... Chứ nếu không, các đồng chí cứ chi hết đi, bội chi ngân sách địa phương tăng lên, rồi bắt đầu chạy về Trung ương, thì Trung ương không có đâu để mà bù”. Ông Huệ cho rằng, còn nhiều khoản chi “vô bổ”, “màu mè”, “không cần thiết” như tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, đi nước ngoài phải được cắt giảm.

“Việc chi vượt dự toán nhìn lại là khuyết điểm, nhưng nhìn sâu cũng là thành tích”, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thiết tha giải thích việc tăng bội chi tới 36.000 tỉ đồng trong năm 2014 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi trung tuần tháng 6 vừa qua. Lập luận này của ông đã không thuyết phục được các thành viên của Quốc hội, những người, căn cứ vào Hiến pháp, muốn siết lại kỷ cương ngân sách vốn được tuân thủ “chưa nghiêm” lâu nay. Là người giữ tay hòm chìa khóa quốc gia, dường như ông Dũng đang chú ý nhiều hơn đến chuyện thu ngân sách, mà chưa quan tâm đúng mức đến các khoản chi.

Chẳng hạn, để đáp ứng nhu cầu thu, trong nửa đầu năm nay, ngành tài chính đã phát hành lượng trái phiếu chính phủ tương đương 83% chỉ tiêu năm. Trong khi đó, nguồn vốn này chỉ giải ngân được 23%, một tỷ lệ rất nhỏ. Đây là tình trạng rất lãng phí vì một mặt Nhà nước vẫn phải trả lãi cho khoản vay không được giải ngân; mặt khác, mua quá nhiều trái phiếu chính phủ đang vừa bóp nghẹt chính sách tiền tệ, làm ngành ngân hàng khó mà giảm lãi suất được.

Bên cạnh đó, dù báo cáo các cơ quan nhà nước đã “tiết kiệm” được gần 38.000 tỉ đồng trong năm 2015 tại cuộc họp nói trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính một lần nữa vẫn chưa thuyết phục được các đại biểu Quốc hội trước thực tế lãng phí từ những dự án ngàn tỉ đồng đắp chiếu, như Nhà máy Tơ sợi Đình Vũ ở Hải Phòng, Nhà máy Gang thép ở Thái Nguyên, Nhà máy Đạm Ninh Bình... đến những chiếc xe công bị lạm dụng gây bức xúc dư luận.

Một khi chi tiêu không được kiểm soát, minh bạch, giải trình... thì dù có tăng thu bao nhiêu, tăng vay nợ bao nhiêu cũng khó mà đáp ứng được nhu cầu chi. Cũng theo tinh thần đó, việc “quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế; cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế...” mà Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu ngành thuế dù đúng, nhưng cũng chưa đủ. Không thể chỉ chăm chăm tăng thu, mà phải siết chặt lại kỷ luật chi ngân sách nếu muốn nền tài chính lành mạnh. Không thể yên tâm khoán trọng trách này cho một mình ngành tài chính, ngành này có thể bị nhiều áp lực khiến phải nhắm mắt... vượt rào. Quốc hội mới là cơ quan có quyền cao nhất đối với vấn đề ngân sách nhà nước.

Theo TBKTSG