“Giải mã” vụ Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ

Tướng không quân Mỹ hồi hưu Tom McInerney phát biểu trên Fox News: “Chiếc máy bay này không tạo bất cứ động tác nào tấn công lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ”. Tướng McInerney gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “quá hiếu chiến” và kết luận rằng sự cố này “đã được lập kế hoạch trước”.
“Giải mã” vụ Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga? Chắc chắn không phải vì Su-24 gây bất cứ mối đe dọa nào. Chiếc máy bay loại cũ và chậm và người Nga đã thận trọng không vũ trang cho nó các loại tên lửa chống máy bay.

Ba năm trước đây, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng tuyên bố rằng một vụ vi phạm không phận trong thời gian ngắn không bao giờ có thể là cái cớ cho một vụ tấn công (máy bay Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên vi phạm không phận Hy Lạp). Và người ta vẫn hồ nghi rằng liệu máy bay Nga có đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Do thế, toàn bộ sự cố ngày 24/11 ngày càng đáng ngờ và chẳng có người Nga hoang tưởng nào lại nghĩ vụ bắn hạ có thể là một vụ phục kích. Tướng không quân Mỹ hồi hưu Tom McInerney phát biểu trên Fox News: “Chiếc máy bay này không tạo bất cứ động tác nào tấn công lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ”. Tướng McInerney gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “quá hiếu chiến” và kết luận rằng sự cố này “đã được lập kế hoạch trước”.

Tuy nhiên giới quân sự Israel lại có cách ứng xử khác. Bộ trưởng quốc phòng Israel ngày 29/11 công bố với báo chí rằng một chiến đấu cơ Nga đã vi phạm biên giới Israel tại cao nguyên Golan. “Máy bay Nga không có ý định tấn công chúng tôi, đó là lý do tại sao chúng tôi không buộc phải tự động phản ứng và bắn hạ khi một sai sót xảy ra”, ông nói.

Vậy tại sao Su-24 lại bị bắn hạ?

Bởi lẽ, lần đầu tiên trong 4 năm, một số tay chơi chủ chốt đang tiến tới một sự dàn xếp cho cuộc nội chiến Syria và quân đội Nga đã phá hỏng tiến trình này. Nếu như người Nga không giữ được sự kiềm chế lạnh lùng, tình hình đã trở nên tuột khỏi vòng kiểm soát vô cùng nguy hiểm.

Có rất nhiều yếu tố phức tạp trong cuộc khủng hoảng Syria. Nga và Iran hậu thuẫn tổng thống Bashar al-Assad chiến đấu với vô số tổ chức cực đoan từ al-Qaeda đến IS. Tuy nhiên, mỗi nước có quan điểm khác nhau về Syria thời hậu chiến ra sao. Nga muốn một nhà nước thế tục hóa tập quyền với quân đội mạnh. Nhưng Iran không quan tâm nhiều tới nhà nước thế tục và họ thích dân quân chứ không phải quân đội.

Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Qatar và hầu hết các nước quân chủ Vùng Vịnh đang cố gắng lật đổ chế độ Assad và nhóm ủng hộ chủ yếu với ông Assad bao gồm Nga, Iran, lực lượng Hezbollah đang chiến đấu. Nhưng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar muốn thay thế Assad bằng lực lượng Anh em Hồi giáo Syria, Saudi Arabia có thể còn căm ghét Anh em Hồi giáo hơn cả Assad. Trong khi các nước quân chủ Vùng Vịnh chẳng lo lắng gì về người Kurd, thì Thổ Nhĩ Kỳ lại không kích họ. Đó là lý do chủ yếu tại sao Ankara can thiệp sâu vào Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ nuôi tham vọng rất lớn ở Trung Đông, trong ành là đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ nuôi tham vọng rất lớn ở Trung Đông, trong ành là đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ

Mỹ, Pháp và Anh cũng cố hạ bệ Assad, nhưng hiện nay lại đang tập trung vào chiến đấu chống IS và sử dụng người Kurd như đồng minh chủ yếu của mình – đặc biệt là Đảng dân chủ người Kurd Syria, một nhánh của Đảng công nhân người Kurd bị Mỹ xem là “khủng bố”. Đây cũng chính là lực lượng người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ đang ném bom và họ có mối quan hệ hữu nghị với Nga.

Bởi thế, có thể Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện ra cái giá phải trả cho vụ bắn hạ Su-24 là vũ khí mới của Nga được chuyển giao cho người Kurd. Mỹ đương nhiên chẳng thích thú gì với việc Nga không kích nhóm phiến quân Quân đội chinh phục Syria chống Assad, lực lượng mà nhóm Nusra Front, chi nhánh của al-Qaeda tại Syria chi phối. Đó cùng là tổ chức al-Qaeda đã tấn công hai tòa tháp tại Trung tâm thương mại thế giới và Mỹ hiện đang không kích tại Yemen, Somalia và Afghanistan.

Một số quốc gia Arab ban đầu gia nhập chiến dịch không kích của Mỹ chống IS và al-Qaeda, bởi lẽ cả hai tổ chức này đều thề sẽ lật đổ các nền quân chủ Vùng Vịnh. Nhưng Saudi Arabia, Jordan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Qatar hiện đã rút lui để tập trung không quân ném bom phiến quân Houthis tại Yemen.

Lực lượng Houthis còn lâu mới là lực lượng hiệu quả chiến đấu chống IS và al-Qaeda tại Yemen. Cả hai nhóm khủng bố này đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong những tuần gần đây do Houthis quá bận rộn để tự vệ.

Mặc dù tất cả những phức tạp và hỗn độn chính trị, nhưng vẫn có nhiều sự phát triển thúc đẩy các bên hướng tới một dàn xếp hòa bình mà không liên quan tới việc thay đổi chế độ tại Syria. Đó chính xác là điều Thổ Nhĩ Kỳ và các nền quân chủ Vùng Vịnh lo lắng và đó là một lý do chính yếu khiến tại sao Ankarra bắn hạ máy bay Nga.

Điều đầu tiên trong những phát triển trên hình thành trong mùa hè khi cơn lũ người Syria chạy trốn chiến tranh gia tăng. Có khoảng 2 triệu người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, hơn một triệu tại Jordan và Lebanon và khoảng 900.000 người tại châu Âu. Khoảng 11 triệu trong số 23 triệu dân Syria đã đi trốn chiến tranh và châu Âu lo lắng rằng rất nhiều trong số 11 triệu người tị nạn đó rốt cuộc sẽ đóng trú dọc theo bờ các con sông Seine và Ruhr. Nếu như chiến tranh tiếp diễn trong năm tới, đó hoàn toàn là một dự báo có vẻ hoàn toàn hợp lý.

Do đó, châu Âu đã lặng lẽ xếp xó đòi hỏi Assad từ chức như điều kiện tiên quyết cho một lệnh ngừng bắn. Vấn đề có vẻ rất khó giải quyết, nhưng dường như có một sự nhất trí chung rằng Assad ít nhất vẫn có mặt trong chính quyền chuyển đổi.  Về điểm này, Nga và Irran nhấn mạnh tới một cuộc bầu cử trong đó ông Assad sẽ là một ứng cử viên.

Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia cương quyết đòi Assad phải ra đi. Trong khi NATO ủng hộ Thổ trong sự cố bắn hạ máy bay, theo một số báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, rất nhiều quan chức hàng đầu coi Erdogan như một khẩu súng cướp cò. Còn Saudi Arabia thì kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do giá dầu tuột dốc lại đang vướng bận với cuộc chiến Yemen đang biến thành một bãi lầy cực kỳ tốn kém.

Phát triển thứ hai là sự can thiệp của Nga, có vể đã thay đổi cục diện chiến trường ít nhất ở khu vực phía bắc Syria, nơi quân đội Assad bị phiến quân uy hiếp nặng nền. Các loại vũ khí mới và không quân Nga đã chặn đứng đà tấn công của phiến quân và đã giành được một số thắng lợi tại thành phố lớn nhất Syria là Aleppo.

Đoàn xe chở dầu lậu của IS bị Nga không kích bốc cháy dữ dội
Đoàn xe chở dầu lậu của IS bị Nga không kích bốc cháy dữ dội

Nga cũng không kích dữ dội, tiêu diệt phần lớn nhóm phiến quân người Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Bayir-Bucak, vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dùng để vận chuyển vũ khí, hàng tiếp tế và các chiến binh vào Syria.

Sự xuất hiện của Nga cơ bản đã giết chết nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập một “vùng cấm bay” tại khu vực biên giới với Syria, một đề xuất mà Mỹ không hào hứng. Đồng minh chủ yếu của Washington là lực lượng người Kurd đã phản đối quyết liệt vùng cấm bay vì họ nhìn thấy đó là một phần kế hoạch của Ankara kiềm chế không để người Kurd thành lập khu tự trị tại Syria.

Khu vực Bayir-Bucak và thành phố Jarabulus cũng là điểm quan trọng trong hoạt động buôn lậu dầu của Thổ Nhĩ Kỳ, có vẻ do con trai của Erdogan là Bilal coi sóc. Nga đã khiến Thổ khó chịu khi công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy những đoàn xe chở dầu dài hàng dặm từ khu vực do IS kiểm soát và chạy về hướng biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.

“Dầu lậu cho phiến quân IS kiểm soát chảy vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ với quy mô công nghiệp. Chúng tôi có mọi lý do để tin rằng quyết định bắn hạ máy bay của chúng tôi được dẫn dắt bởi mong muốn bảo đảm cho con đường vận chuyển dầu lậu này tới các cảng”, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hôm 30/11.

Erdogan đã không nhận được câu trả lời mong muốn từ NATO sau vụ bắn hạ Su-24. Trong khi NATO ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ “bảo vệ chủ quyền” nhưng rồi lại kêu gọi một giải pháp hòa bình và giảm leo thang vấn đề này.

Vào thời điểm châu Âu cần một giải pháp cho cuộc khủng hoảng người nhập cư và muốn tập trung vào IS, tổ chức đã tấn công khủng bố giết chết 130 người tại Paris, NATO không thể vui vẻ khi Thổ Nhĩ Kỳ lôi kéo khối này vào một cuộc xung đột với Nga, tạo ra một tình huống nguy hiểm hơn nhiều so với trước sự cố ngày 24/10.

Nga hiện nay đã lắp tên lửa không đối không cho các máy bay Su-34 tối tân . Các chiến đấu cơ làm nhiệm vụ không kích giờ có tiêm kích Su-30 hộ tống. Nga cũng đã triển khai các hệ thống tên lửa S-300 và S-400 với tầm bắn 250 dặm. Nga tuyên bố họ không tìm kiếm rắc rối, nhưng sẵn sàng cho tình huống xấu.

Liệu vụ va chạm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và máy bay Nga có đẩy NATO với 4 thành viên là quốc gia hạt nhân vào một cuộc xung đột? Khả năng này buộc mọi người phải hoảng hốt choàng dậy giữa đêm.

Khoảng đầu 2016, các nước liên quan cuộc nội chiến Syria sẽ gặp nhau tại Geneva. Một số sẽ muốn phá các cuộc đàm phán, nhưng số khác hy vọng sẽ có đủ lực lượng ôn hòa, các bên sẽ cố gắng tìm ra một giải pháp chính trị. 

Việc này không hề dễ dàng và ai được ngồi vào bàn đàm phán vẫn chưa quyết dịnh được. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản đối người Kurd; Nga, Iran và người Kurd sẽ phản đối lực lượng khủng bố Quân đội chinh phạt; Saudi Arabia sẽ phản đối Assad. Chẳng khó khăn gì để phá hỏng một kế hoạch hòa bình tại Trung Đông. Tuy nhiên, nếu thất bại đó sẽ là một thảm họa.

* Lược dịch bài biết của tác giả Conn Hallinan trên trang Counterpunch

Theo QPAN